Hà Nội tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường hàng hóa - dịch vụ gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế
Thể chế thị trường hàng hóa dịch vụ trên địa bàn Hà Nội hình thành dưới sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật của Nhà nước và đang tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian qua. Khung pháp lý về thị trường hàng hoá, dịch vụ đã và đang tạo điều kiện cho cơ chế thị trường vận hành có hiệu quả. Thành phố đã ban hành hàng loạt văn bản pháp quy, cơ chế chính sách hỗ trợ thị trường hàng hóa trên địa bàn phát triển. Thứ nhất, về thị trường hàng hóa, Thành phố đã xây dựng và thực hiện quy hoạch về cơ bản hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Các hoạt động khuyến mãi và dịch vụ hậu mãi được tích cực triển khai đã kích cầu tiêu dùng và nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại. Chính sách quản lý thị trường được các cấp quản lý quan tâm, văn minh thương mại được tổ chức thực hiện. Trên địa bàn Thủ đô đã hình thành ngày càng nhiều các tuyến phố văn minh thương mại và trật tự đô thị, vừa góp phần phát triển thị trường bán buôn bán lẻ vừa tạo diện mạo mới cho Thủ đô.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng khuyến khích phát triển hệ thống phân phối hiện đại, thuận lợi cho người tiêu dùng, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo sự quản lý của Nhà nước. Song song với đó, Thành phố tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, nhất là kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường và giá cả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp của Thành phố được hỗ trợ để đảm bảo dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, tạo bình ổn giá, phục vụ đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn và thiên tai bất thường.
Khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong đó có Hà Nội. Để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế đến đời sống xã hội Thành phố, chính quyền các cấp đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp bình ổn giá, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa; bổ sung hỗ trợ nguồn kinh phí cho các công tác xúc tiến xuất khẩu, đồng thời tích cực đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Thành phố cũng đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các ngành dịch vụ trình độ chất lượng cao; khuyến khích phát triển các sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường...
Công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thủ đô ngày càng được chú trọng. Thành phố đã tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn trong tình hình mới; tổ chức tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách, phân loại chính xác tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, nhất là những trường hợp kinh doanh không phép, sai phép, trái phép, trá hình, quá giờ quy định, lấn chiếm vỉa hè lòng đường… Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách của Thành phố đã có sự phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo đúng quy định. Các ngành chức năng đã tập trung kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa...
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), chúng ta cần nhận thức rõ một số hạn chế, yếu kém vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế của Hà Nội. Hệ thống cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Môi trường cạnh tranh còn chưa đảm bảo; doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện vai trò nòng cốt; trình độ phát triển các loại hình thị trường còn thấp. Ngoài ra, Thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về các loại hình thị trường của Thành phố còn chưa cao; hội nhập quốc tế trên địa bàn còn chưa phát huy được tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển...
Có thể nói, quán triệt nghiêm túc và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng trong vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô, Hà Nội đang không ngừng đổi mới nhận thức và hành động, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển bền vững, giàu mạnh và văn minh.
Thu Hà
Nhà xuất bản Hà Nội