Truyền thống cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội và văn hóa gia đình
Văn hóa ứng xử gia đình là hệ giá trị chân chính về đạo đức, nhân phẩm, khuôn mẫu, nghi thức lễ nghĩa và những giá trị nhân văn trong gia đình người Việt có cấu trúc hệ thống: Tục nhà, Lệ làng, Phép nước. Ở Thăng Long - Hà Nội nếp sống thanh lịch trong ứng xử văn hóa gia đình được ghi lại trong điều ước, tục lệ, hương ước của nhiều phường và làng. Ví như Hương ước phường Xã Đàn ghi rõ: “…Dạy lòng kính để tôn trọng thánh thần, dạy lòng thuận để biết phân biệt lớn nhỏ, khiến cho luân lý có trước có sau. Thận trọng suốt đời mà luôn ghi nhớ công lao người đi trước, tất cả những điều này chẳng gì không lấy dân làm gốc…”. Tục lệ phường Kim Mã thì nhấn mạnh: “Đối với người già cả thì bất cứ ở đâu cũng được kính trọng”…
Nét đẹp, nét thiện là những giá trị bền vững của văn hóa ứng xử gia đình của người Hà Nội được thể hiện qua truyền thống thờ cúng tổ tiên, truyền thống hiếu học, gia phong, gia lễ.
Thờ cúng tổ tiên là một mỹ tục của người Việt Nam, một thứ đạo nhà được phổ biến từ nhiều thế kỷ. Thờ tổ tiên là một nét đẹp, một hiện tượng hiếu để làm gương cho con cháu đời sau. Nghi thức thờ cúng, lễ vật hiến dâng người đã khuất ở mỗi gia đình mỗi kiểu, nhưng đều gặp nhau ở lòng thành: Mong cho người đã khuất mồ yên mả đẹp, cầu cho người còn sống an khang, thịnh vượng. Thờ tổ tiên là mỹ tục ăn sâu vào tâm tư, tình cảm người Việt Nam. Chính vì vậy mà dù vật đổi sao dời, đất nước hòa bình hay loạn lạc, ở trong nước hay ở chân trời góc bể, người Việt Nam đều coi việc thờ cúng là hệ trọng. Ở Thăng Long - Hà Nội, trong vòng 50 năm trở lại đây, cứ nhìn vào bất cứ gia đình nào mà xem: nội dung cầu khấn, thiết chế thờ cúng, nghi thức bái lạy, lễ vật dâng cúng… đều có thể thay đổi ít nhiều, nhưng lòng tin thì không thay đổi, ý thức gia đình, ý thức dòng tộc không thay đổi. Đó là tín hiệu của một điều thiện.
Thăng Long - Hà Nội là vùng đất văn hiến, có truyền thống hiếu học lâu đời, là nơi hội tụ nhân tài, có nhiều thầy giỏi. Nhiều thầy giáo có hàng trăm học trò đỗ đạt, tiêu biểu là Chu Văn An, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Thạnh,… ở một vài dòng họ như Nguyễn Huy (làng Phú Thị), họ Đỗ có truyền thống dạy nhau trong gia đình mà đỗ tới tiến sĩ. Nhiều làng có kinh tế phát triển nhờ nghề thủ công, hoặc ở gần trục đường giao thông, gần chợ nên đời sống khá giả đã tạo điều kiện cho con em ăn học đến nơi đến chốn như các làng: Đông Ngạc, Phú Thị, Bát Tràng, Tây Mỗ,… Có nơi truyền thống hiếu học dẫn đến sự “khổ học”. Nhà giàu cho con đi học đã đành, ngay cả nhà chưa đủ ăn, thậm chí nghèo vẫn cho con đi học để bằng anh, bằng em. Ở Thăng Long - Hà Nội việc hiếu học còn là kết quả của quá trình mưu sinh, của danh dự gia đình, dòng họ, ước mơ đổi đời.
Nói đến gia phong, gia lễ là nói đến các giá trị bền vững làm hạt nhân cho xã hội ổn định. Những câu thành ngữ về gia phong, gia lễ được đúc kết từ lâu vẫn tồn tại bền vững cho đến hôm nay và mai sau. Trong quan hệ của con cháu đối với bố mẹ, ông bà là “gọi dạ, bảo vâng”, “đi thưa, về trình”; trong quan hệ của người bề dưới với người bề trên là: “kính lão đắc thọ”; cách ứng xử của anh chị em là “kính trên, nhường dưới”, “chị ngã, em nâng”; trong quan hệ vợ chồng là “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “Một điều nhịn là chín điều lành”. Chuyện trong gia đình thường xoay quanh chữ hiếu.
Ngày nay trong điều kiện kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề văn hóa ứng xử trong gia đình bị chi phối bởi nhiều nhân tố như kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp và do đó thị hiếu, cảm thụ thẩm mỹ, sở thích giải trí… cũng có nhiều thay đổi. Vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia đình ở Hà Nội vừa tiếp thu cái hay, điều thiện của văn hóa gia đình truyền thống, vừa bộc lộ những hiện tượng, những mâu thuẫn mới giữa các thành viên trong gia đình một cách công khai hơn, dễ nhận thấy hơn và đã có sự chuyển dịch từ quan hệ gia đình truyền thống sang quan hệ gia đình hiện đại. Gia đình hiện đại trong hội nhập cần giữ được những giá trị truyền thống có tính thiện và mang tố chất thẩm mỹ, chứ không được hòa tan do thói bắt chước, a dua một số nếp sống du nhập ở bên ngoài.
Văn hóa gia đình, trong điều kiện lịch sử nào cũng vậy, đều có liên quan tới lối sống của cộng đồng làng, xã, đô thị, liên quan đến nhiều thế hệ: già và trẻ; trên và dưới; liên quan tới nhiều giá trị mà bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc đóng vai trò trung tâm.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội