Những thông điệp quý giá từ cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ”
“Hãy chăm sóc mẹ” là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, đồng thời là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của một người phụ nữ, người đã suốt đời hy sinh cho gia đình, người đã làm tất cả mọi việc để chăm sóc chồng, gia đình nhà chồng, cố gắng để cho em chồng đi học và nuôi 4 người con của mình thành đạt. Người phụ nữ ấy đã nuốt nước mắt cay đắng vào trong khi chồng đưa về nhà một người phụ nữ khác để nuôi dạy các con, chăm sóc chị và các em chồng, người phụ nữ ấy sẵn sàng cõng chồng trên lưng về nhà khi ông say xỉn… Và rồi, khi người chồng bỏ đi theo một người phụ nữ khác, bà vẫn ngày ngày ủ cơm trong chăn để nếu ông có về thì vẫn có cơm nóng để ăn, và khi người chồng “chồn chân mỏi gối quay về bà chỉ lẳng lặng “để bát cơm vẫn ủ ở chỗ ấm nhất của gian phòng lên mâm và lấy một ít rong biển nướng với dầu tía tô đặt bên cạnh bát cơm mà trước sau chẳng nói câu nào, cứ như bố ra đi vào buổi sáng hôm đó và trở về vào buổi tối chứ không phải ra đi vào mùa hạ trở về vào mùa đông”. Liệu đó có phải là sự cam chịu của người phụ nữ Á Đông? Đó là tuỳ sự cảm nhận của người đọc, nhưng với tôi đó là sự hy sinh cao cả, đó là lòng vị tha của người phụ nữ. Để rồi đến khi bị lạc mất người vợ, người chồng ấy mới nhận ra sự vô tâm của mình, mới thấu hiểu được những công việc thầm lặng, sự hy sinh của người vợ. Lòng ông nghẹn lại với chỉ một câu “Tôi xin lỗi”. Lời xin lỗi quá muộn màng khi đã tuột mất người vợ tảo tần của mình. Câu chuyện gợi cảm xúc buồn mênh mang nhưng lại chứa đựng một thông điệp quý giá của cuộc sống. Tôi chợt nhớ đến lời Chúa Giesu đã nói với Adam trong Kinh thánh “Hãy yêu thương một nửa của mình”. Có lẽ đó cũng là thông điệp mà nhà văn Shin Kyungsook muốn gửi đến một nửa của thế giới này.
“Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể” – đó chính là lời mà tác giả Shin Kyungsook đã mượn của Frant Liszt để làm lời để từ cho cuốn sách của mình. Đây cũng chính là tâm niệm, ý nghĩa sống của người vợ, người mẹ trong “Hãy chăm sóc mẹ”. Người vợ, người mẹ ấy đã sống và dành hết tình yêu thương cho chồng, gia đình chồng và các con của mình. Hạnh phúc của bà là được nhìn thấy các con trưởng thành, học hành thành đạt. Đã có lần cô con gái hỏi mẹ có thích làm bếp hay không? Bà đã nói rằng “Khi mẹ vào trong kho lấy gạo để nấu cơm tối, cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại, trời ơi, lúc đó lòng mẹ chùng xuống, mẹ nghĩ không biết phải lấy gì cho các con ăn vào sáng mai đây. Thế nên trong những ngày đó chuyện mẹ thích hay không thích làm bếp chẳng còn quan trọng nữa. Nếu được nấu một nồi cơm to, hay một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con. Giờ có lẽ các con không hình dung được điều đó, nhưng vào thời điểm ấy chúng ta luôn lo sợ hết lương thực. Nhà ai cũng thế. Việc quan trọng nhất lúc ấy đó là ăn để tồn tại… Và đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời mẹ”. Hạnh phúc của người mẹ ấy thật giản đơn nhưng lại vô cùng cao cả… Thế nhưng, các con của bà, khi đã trưởng thành lại quên đi những ngày tháng ấy, cho đến khi người mẹ ấy bị lạc tại nhà ga trong một lần lên thành phố để các con tổ chức sinh nhật cho hai vợ chồng, thay vì các con về quê để tổ chức cho cha mẹ, Khi đó tất cả mới vỡ òa, mới bắt đầu ngược về quá khứ để suy nghĩ những gì người mẹ ấy đã làm. Những ngày phát tờ rơi, đưa tin tìm vợ tìm mẹ họ mới nhận ra họ quá vô tâm. Họ không biết mẹ không biết đọc, mặc dù khi họ đi học xa họ vẫn nhận được những lá thư mẹ gửi; mỗi lần cô con gái có tiểu thuyết được xuất bản, hay bài đăng báo người mẹ ấy đã đến trại trẻ mồ côi gần đó để dọn dẹp, tắm rửa cho bọ trẻ, thay vào đó người quản lý trại trẻ sẽ đọc cho bà nghe những tiểu thuyết của con gái mình. Và rồi khi nhận được các tin tức về bà, những người con đều không thể tin được, đó đều là những nơi mà họ đã từng sinh sống và làm việc đầu tiên. Người mẹ ấy cả khi đã mất trí nhớ, điều duy nhất còn lại trong tâm trí là nghĩ về những đứa con của mình…
Xúc động, nao lòng và thấm thía, đó là những cảm xúc khi đọc “Hãy chăm sóc mẹ”. Mong rằng, mỗi người trong chúng ta, hãy sống, hãy yêu thương, hãy sẻ chia với mọi người xung quanh, đặc biệt với người mẹ yêu quý của mình. “Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể” - một thông điệp cao quý mà tác giả Shin Kyungsook muốn gửi đến độc giả trên toàn thế giới.
Minh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội