Phát triển nguồn nhân lực của Hà Nội - Cơ hội và thách thức khi tham gia cộng đồng kinh tế Asean
Hà Nội là một trong 5 thành phố có lượng cung ứng lao động lớn nhất cả nước. Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhu cầu lao động tại Hà Nội giữ vị trí cao so với các địa phương khác. Lượng cầu lao động nhìn chung tăng đều hàng năm, ngoài lao động tại chỗ còn có một lượng lao động từ các địa phương khác đổ về. Bình quân trong giai đoạn 2008 - 2014 tỷ lệ nhập cư thuần vào Hà Nội khoảng 0,5%/năm, tương ứng với khoảng 30.000 - 35.000 người được bổ sung thêm vào dân số Hà Nội mỗi năm từ nguồn nhập cư. Để đáp ứng nhu cầu đó, Hà Nội đã thực hiện kế hoạch phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn cả về số lượng lẫn quy mô, nên phần nào đã đáp ứng được việc làm cho người lao động. Năm 2014, số người có việc làm chính thức trong các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 52,8% tổng dân số trên địa bàn.
Về cơ cấu, tỷ lệ lao động nữ và nam có sự chênh lệch trung bình khoảng 6,3% (lao động nữ luôn ít hơn lao động nam). Hà Nội được nhận định là đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn nhân lực trẻ đạt cực đại và tỷ lệ dân số trẻ trong độ tuổi lao động lớn. Nhóm tuổi từ 15 - 19 tuổi và trên 65 tuổi chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5% - 6%, nhóm tuổi từ 20 - 64 chiếm tỷ lệ chủ yếu trong lực lượng lao động Hà Nội hiện nay. Theo khu vực, hiện tại Hà Nội có đến 60,6% trong tổng lao động (khoảng 2,6 triệu người) đang sinh sống tại khu vực nông thôn. Theo thành phần kinh tế, lao động trong khu vực nhà nước chiếm khoảng 19%, khu vực tư nhân vào khoảng 13,5%, còn lại là cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác. Theo ngành nghề, lực lượng lao động trên toàn Hà Nội chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, với tỷ trọng bình quân khoảng 25% lực lượng lao động có việc làm, tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 18%/năm), buôn bán nhỏ lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và các phương tiện khác (khoảng 17%/năm).
Một vấn đề nổi cộm hiện nay là trình độ lao động có việc làm mà chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn Thành phố Hà Nội chiếm tỷ lệ khá cao 68,9%, trong khi đó lao động có trình độ cao đẳng nghề đạt 0,64%, đại học chiếm 14,26%, thạc sĩ 1,31%. Lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm một tỷ lệ nhỏ 0,66%, trong khi đó lao động giản đơn chiếm tỷ lệ lớn nhất với 36,95%. Lao động phổ thông chiếm 16,83%. Với tỷ trọng lao động phổ thông như vậy cho thấy khả năng cung ứng lao động phổ thông còn ít hơn nhiều so với nhu cầu của các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Một thực trạng hiện nay tại Hà Nội đó là sự thiếu hụt lao động phổ thông ngày càng lớn. Đa phần lao động phổ thông là người ngoại tỉnh. Đối với lao động người Hà Nội họ không mặn mà với công việc do tính chất công việc nặng nhọc, lương thấp và do tâm lý kén chọn việc làm, mức thu nhập của người lao động…
Thành phố Hà Nội đề cao chất lượng lao động và công tác đào tạo nghề cho lao động. Hà Nội có trình độ lao động cao hơn so với các thành phố khác trong cả nước nhờ đó năng suất lao động của Hà Nội cũng luôn dẫn đầu nhưng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì năng suất lao động của Hà Nội còn là rất thấp (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Việc tham gia cộng đồng kinh tế Asean tạo ra những cơ hội cho sự phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, đó là:
- Cơ hội lựa chọn việc làm cho người lao động, nhất là những lao động có trình độ và năng lực chuyên môn cao.
- Việc thị trường lao động được mở rộng sẽ tạo cơ hội để Hà Nội cải thiện cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng gắn với thị trường lao động. Thị trường việc làm quyết định nhu cầu đào tạo.
Việc tham gia cộng đồng kinh tế Asean, cho phép luân chuyển lao động trong khu vực nên người lao động phải chịu sức ép lớn từ những yêu cầu khắt khe của việc tuyển dụng, nếu chính người lao động không ý thức rõ “mối nguy” này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”, lao động Hà Nội khó cạnh tranh về tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia khác trong cùng khối. Thách thức của thị trường lao động sẽ rất lớn, sự cần cù, chăm chỉ chưa đủ để đứng vững trên thị trường này mà nhất thiết là phải có trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong xin việc mà sự đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến thành công.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội