Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 14/10/2015 12:00
Thăng Long thành hoài cổ

Năm 1802, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh bại nhà Tây Sơn, lập triều đại mới: triều Nguyễn (1802 - 1945). Nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân và Thăng Long vẫn là thủ phủ của Bắc thành như thời Tây Sơn. Sau gần 8 thế kỷ được chọn là kinh đô, trái tim của cả nước, Thăng Long tên cũ song đã trở thành “Long” (thịnh vượng), rồi sau đó là Hà Nội, để lại bao nỗi tiếc nuối cho lòng người. Bà Huyện Thanh Quan đã lấy nỗi cảm hoài ấy viết nên sự điêu tàn của cố đô đất Bắc:

 
“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
 
Vì kinh đô nhà Nguyễn ở Phú Xuân (Huế) nên kinh thành Thăng Long cũng không còn được như trước. Thời Nguyễn, thành Thăng Long hình vuông chu vi hơn 4.000m gồm mặt thành phía bắc 1.000m, mặt thành phía nam 1.000m, mặt phía đông và phía tây đều 1.050m. Phía tây thành gần trùng với phố Lý Nam Đế ngày nay, phía bắc gần đường Phan Đình Phùng, phía nam gần với đường Trần Phú. Tường thành cao hơn 1 trượng (khoảng 4m), dày 4 trượng (16m), phía dưới thành xây bằng đá xanh hoặc đá ong, phía trên xây bằng gạch hộp. Thành mở năm cửa, các cửa được xây năm 1805, bên ngoài mỗi cửa có Dương Mã Thành - loại công sự bảo vệ gồm hai bức thành vuông góc nhô ra ngoài. Diện tích toàn bộ thành tính từ bờ hào là 1,6km2. Theo mô tả của một sĩ quan Pháp viết ngày 16/11/1875 thì “Dạng khái quát của thành là một hình vuông rất rộng. Mỗi cạnh hình vuông đó có ba chỗ nhô ra được pháo đài hóa, tức là ba liên tháp, hai tháp đài nhô và hai pháo đài bán nhô. (…) Việc liên lạc với bên ngoài được thực hiện bởi 5 cửa trổ ra từ giữa tháp canh và được bảo vệ bằng các lũy bán nguyệt ở phía trước” (André Mason, Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888, Nhà xuất bản Hải Phòng, 2002).
 
Năm 1831, vua Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước thành 29 tỉnh, trong đó tỉnh Hà Nội gồm Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân, phủ Thường Tín. Từ đó trấn thành Thăng Long bị hạ xuống làm tỉnh Hà Nội. Năm 1835, nhà vua lại ra lệnh hạ thấp tường thành Hà Nội, giảm bớt chiều cao 1 thước 8 tấc (0,72m), nghĩa là tường thành chỉ còn cao hơn 3m. Thế là dưới thời Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội không những chẳng còn giữ vai trò kinh thành, kinh đô của cả nước mà còn bị hạ thấp từ trấn thành xuống tỉnh thành và quy mô cũng bị thu hẹp.
 
Tuy không giữ vị thế đứng đầu về chính trị nhưng đất Kẻ Chợ vẫn là trung tâm kinh tế - văn hóa tiêu biểu của đất nước, phần thị - kinh tế - vẫn có những phát triển độc lập và nhờ vậy Thăng Long - Hà Nội vẫn bảo lưu được diện mạo thành thị của nó. So với những thế kỷ trước, sự phát triển kinh tế của Thăng Long - Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX không đồng đều. Các phường, thôn, trại phía tây và tây nam có xu hướng nông thôn hóa chuyên về nông nghiệp hoặc kết hợp với một số nghề thủ công cổ truyền. Khu Giảng Võ và cả một phần phía tây Kinh thành cũ bị đưa ra khỏi thành nội, gồm 9 thôn, trại nông nghiệp, mang nặng tính chất nông thôn. Bộ mặt thành thị của Thăng Long - Hà Nội thể hiện rõ ở “quanh phía đông - nam tỉnh thành gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng, nhân vật cũng phồn thịnh” (Đại Nam nhất thống chí). Khu này phố phường dọc ngang như bàn cờ, nhà cửa san sát, cư dân đông đúc. Cụm kiến trúc phủ Chúa đã bị phá hủy và vùng quanh hồ Hoàn Kiếm cũng nhanh chóng trở thành khu dân cư đông vui với phố Hàng Thêu (Hàng Trống) với nghề tiện từ Nhị Khê lên, nghề thuộc da và đóng giày từ Trúc Lâm (Hải Dương) đến… “Mặc dù không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là một thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, về sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn” (theo J. Silvestre, L’ empire d’ Annam et le peuple annamite).
 
Các công trình văn hóa và sinh hoạt văn hóa của Thăng Long - Hà Nội cũng có nhiều biến đổi. Khu Văn Miếu ở Thăng Long không còn trường Quốc Tử Giám, chỉ là nơi thờ tổ sư Nho giáo với những dấu tích của một trung tâm giáo dục vang bóng một thời. Trường Quốc Tử Giám, toàn Khâm Thiên Giám, các kỳ thi Hội… được chuyển vào đô thành mới. Bên cạnh việc di dời các di tích văn hóa, dưới thời Nguyễn cũng đã diễn ra một số hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích hiện tồn. Nguyễn Văn Siêu đứng ra sửa chữa và tu bổ đền Ngọc Sơn, xây đình Trấn Ba, dựng tháp Bút, đài Nghiên, Nguyễn Đăng Giai, Tổng đống Hà Nội, quyền tiền dựng chùa Báo Ân… Các kiến trúc xây dựng mới không có mấy và Thăng Long - Hà Nội không còn vẻ bề thế, nguy nga của đế đô xưa. Tuy nhiên chiều dày văn hóa của kinh thành cũ vẫn được nuôi dưỡng và phát huy truyền thống văn hóa dân gian qua lối sống thanh lịch, qua những sản phẩm thủ công tinh xảo, những món ăn đặc sản, qua tài năng sáng tạo của những nhà văn hóa tiêu biểu như Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh), “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu), “Thánh Quát” (Cao Bá Quát) mà chính vua Tự Đức từng ca ngợi: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”…
 
Dưới triều Nguyễn, Thăng Long mất vai trò là thủ đô của đất nước nhưng nơi đây vẫn là một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn và tiêu biểu nhất của dân tộc với sức sống mạnh mẽ và năng lực sáng tạo phong phú của nó. Và có lẽ từ thẳm sâu, mạch nguồn là một kinh đô với bề dày văn hiến vẫn âm thầm chảy để thế kỷ XX, Thăng Long đã hóa Hà Nội - thủ đô của nước Việt Nam dân chủ công hòa.
 
Đỗ Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)