Lê Thánh Tông với ý thức độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473) vua Lê Thánh Tông nói với các quan phụ trách việc biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ?... Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di” (Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, Nxb. Khoa học xã hội, H. 1998, tr462) lời dụ này, tinh thần này hẳn đâu phải chỉ là dụ riêng cho Lê Cảnh Huy mà là tuyên bố với trăm quan, thiên hạ. Hơn hết, tinh thần này đã thể chế hoá, luật pháp hoá (Luật Hồng Đức) việc bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, coi đó là nguyên tắc tối thượng cho tất cả mọi ứng xử. Lê Thánh Tông đã lấy những quan điểm của Nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân nghĩa “lấy dân làm gốc”. Bộ luật Hồng Đức với khoảng 50 điều quy định từ những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự xã hội vùng biên giới cho đến cả sự vô trách nhiệm mất cảnh giác gây hậu quả xấu chủ quyền an ninh biên giới đều bị trừng trị rất nặng.
Cách nay 6 thế kỷ, Bộ luật Hồng Đức, dưới thời Lê Thánh Tông đã có quy định những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ như trốn ra nước ngoài, bán ruộng đất ở biên giới, bán binh khí và thuốc nổ cho người nước ngoài... đều bị xử phạt như tội phản nghịch. Hay như các hành vi kết hôn với người nước ngoài, chặt tre gỗ phá thế hiểm yếu nơi biên giới, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hoá thiết yếu qua cửa quan hoặc còn đang trong cương giới... cũng phải chịu các hình phạt, thấp nhất là tội đồ và cao nhất là đày đi viễn châu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chép lại việc Lê Thánh Tông là người quan tâm sâu sắc với việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Trong Bộ luật Hồng Đức có quy định cụ thể về các tội phá hoại an ninh quốc gia và trật tự xã hội khu vực biên giới như thông đồng với người nước ngoài tiết lộ bí mật quốc gia, tuyên truyền xấu làm lung lạc tinh thần nhân dân vùng biên giới, giết người cướp của ở vùng biên giới... đều bị xử tội chết.
Cũng trong Bộ luật Hồng Đức đều ghi rõ và cụ thể các tội về trách nhiệm của quan trấn giữ và cai quản ở biên giới như vô trách nhiệm mất cảnh giác gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ quyền và an ninh quốc gia đều bị tội chém; có quy định cụ thể về việc kiểm tra, kiểm soát cửa sông, bến cảng ven biển, việc buôn bán và cư trú của người nước ngoài và quan hệ với người nước ngoài.
Ngoài xây dựng bộ luật với những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và hình phạt trong việc giữ gìn bảo vệ biên cương, toàn vẹn lãnh thổ, Lê Thánh Tông còn không ngừng củng cố quyền lực không chỉ bảo vệ biên giới mà còn mở mang bờ cõi. Trước những mối đe dọa bởi nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà một số lần Lê Thánh Tông chủ động cho quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của mình, như sự kiện năm Mậu Ngọ (1438) quân ta đánh hai châu An Bình và Tư Lăng (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc), hay như tháng 6 năm Canh Tý (1480) quân ta tấn công Cảm Quả, chiếm ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung Quốc) rồi tiến vào xứ Ban Động dựng rào chắn, sau đó tâu về triều đình, buộc nhà Minh phải sai sứ sang thương nghị. Lê Thánh Tông luôn kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của quân Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Trong khu vực biên giới Đông Bắc, Lê Thánh Tông quan niệm biên giới đường biển là cửa ngõ yết hầu, trong đó ông coi khu vực An Bang là mắt khâu trọng yếu nhất. Tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (1468), vua Lê Thánh Tông đích thân đem 6 quân duyệt võ bị trên sông Bạch Đằng rồi đáp thuyền đi tuần du An Bang và ở đây ông đã làm bài thơ thất ngôn bát cú, được coi như “một tuyên cáo với thiên hạ về tư thế lịch sử của thời đại và thế đứng của triều đại Lê Thánh Tông”, ẩn giấu trong đó cả một tinh thần cảnh giác cao đối với âm mưu xâm lấn của kẻ thù phương Bắc, những ý đồ chiến lược vì sự tồn vong giống nòi. Bài thơ đã được chính Lê Thánh Tông cho khắc lên trên núi Truyền Đăng (núi này được đổi tên là núi Bài Thơ từ đó) thuộc khu vực Hòn Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đại Việt vào buổi đầu thời Lê sơ, lãnh thổ phía nam mới chỉ dừng lại ở phía bắc đèo Hải Vân. Trước những cuộc xâm lấn và gây rối của Chămpa, đang trên đà đất nước phát triển phồn thịnh, năm 1471, Lê Thánh Tông quyết định huy động 25 vạn quân do ông đích thân chỉ huy chinh phạt Chămpa. Cuộc chinh phạt giành thắng lợi, hạ được thành Vijaya, chiếm lại đất Chiêm Động, Cổ Luỹ (vốn trước đó thuộc Đại Việt). Trên đà chiến thắng, Lê Thánh Tông hoàn toàn có khả năng chiếm toàn bộ đất đai của vương quốc Chămpa, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên, ông chỉ cho chiếm thêm khu vực xung quanh kinh thành Vijaya lập thành đạo Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện, đẩy lùi cương giới Đại Việt - Chămpa vào đến đèo Cù Mông (phía nam tỉnh Bình Định, giáp giới Phú Yên). Phần đất còn lại của Chămpa (từ Phú Yên đến Bình Thuận), ông chia ra làm 3 tiểu quốc là Chiêm Thành, Nam Phan (hay Nam Bàn) và Hoa Anh, giao cho các quý tộc Chiêm đã thần phục nhà Lê cai quản (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Chiến thắng Vijaya của Lê Thánh Tông không chỉ đánh sụp vương triều này, tiêu diệt tận gốc các thế lực gây rối mà còn tạo ra một bước ngoặt lịch sử trên con đường Nam tiến của dân tộc Việt.
Trong suốt thời gian trị vì của mình, Lê Thánh Tông đạt được thành tựu hết sức to lớn, vị thế của Đại Việt ngày một nâng cao, đặc biệt là quan hệ Đại Việt - Đại Minh đã từng bước được cải thiện từ thống trị - bị trị, đối lập - đối đầu sang nhượng bộ, hoà giải, hoà hiếu, hoà bình và phát triển. Cũng ở thời Lê Thánh Tông, ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tổ chức vẽ và ban bố bản đồ toàn quốc được gọi là Hồng Đức bản đồ. Lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông không chỉ được bảo vệ toàn vẹn, triệt để, mà bờ cõi được phát triển rộng thêm. Có được những thành quả to lớn này xuất phát từ ý thức độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ và coi đó là tư tưởng tối thượng trong trị vì của đấng minh quân văn trị, vũ công toàn năng Lê Thánh Tông của Đại Việt.
Linh Chi
Nhà xuất bản Hà Nội