Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/10/2015 10:41
Lê Thánh Tông - hiện thân của một thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt

Hồng Đức thịnh thế đó là thời trị vì của hoàng đế thứ 5 - Lê Thánh Tông - người nổi tiếng thông minh, tài giỏi nhất trong số các vị vua Việt Nam nói chung và các vua thời Lê sơ nói riêng. Sau khi lên ngôi ông đã tiến hành cải cách chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hoá... đưa quốc gia phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hoá, xã hội, đến giáo dục, quân sự và trở thành một cường quốc, làm nên nền quân chủ chuyên chế Việt Nam đạt đến đỉnh cao vàng son. Nước Đại Việt trước thời Lê Thánh Tông chưa bao giờ cường thịnh và mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng toàn khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến vua Lê Thánh Tông trở thành một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam và là hiện thân của một thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt.

 
Vua Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành (còn có tên khác là Lê Hậu), hiệu Thiên Nam động chủ, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) tại nhà ông ngoại ở khu đất chùa Huy Văn, Khâm Thiên, Hà Nội ngày nay. Nhờ sự ủng hộ sáng suốt, quyết liệt của nhóm đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt..., Lê Thánh Tông lên ngôi vua năm 1460 giữa lúc triều chính nhà Lê lục đục mâu thuẫn sâu sắc. Lên nắm quyền, Lê Thánh Tông quan tâm nhất việc nội trị, an dân, ông đã nhanh chóng chấm dứt tình trạng phe phái trong cung đình, khẩn trương tổ chức xây dựng đất nước với một tinh thần cải cách mạnh mẽ, táo bạo.
 
Về chính trị, bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đã đến mức hoàn bị, từ trung ương xuống đến xã. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Lê Thánh Tông là người khởi xướng bộ luật Hồng Đức, đây cũng là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của sự nghiệp Lê Thánh Tông và của cả thời đại ông. Sự ra đời của bộ luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của xã hội Việt Nam thế kỷ XV. Với bộ luật Hồng Đức, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm trên thế giới.
 
Về cơ cấu chính quyền các cấp, ông đã tiến hành xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ thời Lê Lợi từ 5 đạo đổi thành 13 đạo (tức 13 thừa tuyên), đặt các quan văn, quan võ phụ trách các ngành; củng cố lại các bộ, các viện, các ty. Dưới thời Lê Thánh Tông, các quan chỉ được làm việc tối đa đến tuổi 65 và ông bãi bỏ luật cha truyền con nối cho các gia đình có công - công thần. Ông tôn trọng việc chọn quan phải là người có tài và đức.
 
Về mặt vũ khí quân sự, theo các sử gia, dưới thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc, do vốn có các kỹ thuật và sáng chế cùng kỹ năng chế tạo vũ khí cực kỳ tinh xảo của Đại Việt thời nhà Hồ về vũ khí tầm xa như hỏa thương, hỏa hổ, súng thần công,... hợp với số vũ khí khá tân tiến thu được trước đây trong cuộc kháng chiến với nhà Minh đã tạo nên cho Đại Việt một kho vũ khí đa dạng và hùng mạnh, có thể vượt xa so với vũ khí châu Âu cùng thời về sát thương và chất lượng.
 
Bên cạnh cải tổ cơ chế Nhà nước, đề cao ý thức độc lập, chủ quyền, bảo vệ biên cương, xây dựng vũ khí quân sự tân tiến, Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển kinh tế như: sửa đổi luật thuế khoá, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, kêu gọi người dân phiêu tán về quê, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng cho mọi người. Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông cũng phát triển rực rỡ. Nghề in và làm giấy ở Đại Việt đạt một trình độ cao của thế giới thời bấy giờ. Thương mại và giao dịch buôn bán với các lân bang phát triển mạnh, cùng với bước chân viễn chinh xa xôi của đội quân đế chế Đại Việt. Để tạo thuận tiện cho việc mua bán, Lê Thánh Tông đã từng khuyến dụ các quan rằng: “Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hoá, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách của nhau”.
 
Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, kinh tế, giao thương phát triển, Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ở Việt Nam thời phong kiến, chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò của trí thức lại được đề cao như đời Lê Thánh Tông. Ông khởi xướng lập bia Tiến sĩ và tiến hành cho dựng bia để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để các thế hệ, các triều đình sau này tiếp tục bổ sung các tấm bia vinh danh mới.
 
Về mặt văn hoá, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Các tác phẩm: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ... là những giá trị văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê Thánh Tông. Không chỉ vậy, Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ lớn. Không chỉ làm thơ, mà vua còn sáng lập ra Hội Tao đàn Nhị thập bát tú gồm 28 học giả giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ.
 
Nói tới công lao của ông đối với nền văn hóa dân tộc, không thể không kể đến một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm. Đó là việc ông hủy án, minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm lại thơ văn Nguyễn Trãi đã bị tiêu hủy sau vụ án "Lệ Chi viên"; truy phong cho Nguyễn Trãi chức Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu; cho tạc bia về Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" (Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê). 
 
Để tạo lập nên một triều đại thịnh vượng vào bậc nhất, ngoài sử sách ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua “cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay”, Lê Thánh Tông còn khác với nhiều vị vua, mặc dù uy quyền tối thượng, nhưng vua vẫn “Trống dời canh còn đọc sách, Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”, Lê Thánh Tông vẫn cần mẫn học hỏi trong quần thần, trong dân gian, vì hơn ai hết ông tự ý thức được rằng người đứng đầu của một đất nước văn minh và hùng cường thì không thể là một người dốt nát và lười biếng. Từ tư tưởng này, sử gia Ngô Sĩ Liên hết mực khen Lê Thánh Tông là "vua sáng lập chế độ, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, văn vật tốt đẹp, thật là vua anh hùng, tài lược".
 
Đàm Ly
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)