Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển nông nghiệp Thủ đô
Mặc dù bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực song đối với nông nghiệp của Hà Nội, kinh tế tư nhân vẫn là lực lượng chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm nông nghiệp của Thành phố. Tuy nhiên, trong những năm qua, mô hình kinh tế này chưa được quan tâm, tạo điều kiện phát triển đúng mức, còn tồn tại nhiều vấn đề đòi hỏi chính quyền Thành phố nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc để tìm ra các giải pháp khắc phục.
Thứ nhất, về các hình thức tổ chức sản xuất, hiện nay hộ nông dân và trang trại được xác định là đơn vị kinh tế độc lập, nhưng tính chất pháp nhân của các cơ sở kinh tế này hầu như không có, nhất là trong các quan hệ kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động của hộ và trang trại đều phải chứng nhận qua các cấp chính quyền địa phương. Điều này một mặt do vị thế kinh tế của các cơ sở này chưa vững chắc, mặt khác do các quy định của pháp luật chưa thực sự chú ý. Trong hoạt động kinh doanh, hộ nông dân và các trang trại có nhu cầu hợp tác thực sự với nhau, nhất là hợp tác dưới dạng của các hình thức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, việc đổi mới các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở nhiều nơi diễn ra một cách hình thức đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của hộ và trang trại.
Bên cạnh đó, các trang trại trên địa bàn Thành phố đã được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sự hình thành trang trại mới chỉ là bước đầu, việc duy trì cho các trang trại hiện có trụ vững trong kinh tế thị trường mới là quan trọng. Với các điều kiện nội tại của các trang trại, nhất là trình độ sản xuất và kinh doanh của chủ trang trại thì đây quả là vấn đề khó khăn.
Thứ hai, về đất đai trong nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Trước hết, Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2014, với một số nội dung đổi mới các quyền năng nhằm tạo lập môi trường pháp lý, kinh tế cho các tổ chức và cá nhân sử dụng hiệu quả đất đai và tạo điều kiện cho đất đai vận động theo các quy luật kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế đã có nhiều khó khăn trong điều kiện của các huyện ngoại thành Hà Nội, nhất là ở các xã ven đô và các quận mới. Ngoài ra, việc lạm dụng quỹ đất nông nghiệp, nhất là ở các vùng đô thị hoá diễn ra tương đối phổ biến làm cho quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhiều quy hoạch treo, diện tích đất sử dụng lãng phí hoặc bỏ hoang hóa.
Thêm vào đó, tác động của quá trình đô thị hoá làm cho diện tích đất nông nghiệp của Thành phố một mặt bị thu hẹp nhanh, mặt khác làm cho đất đai bị ô nhiễm do các hoạt động của đô thị, của công nghiệp. Các công trình thuộc các cơ sở hạ tầng của các khu đô thị bị phá vỡ làm hạn chế tác dụng các công trình của nông nghiệp, làm đất đai bị ngập úng hoặc không có nước tưới gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Quỹ đất nông nghiệp hạn chế dẫn đến diện tích bình quân trong các cơ sở sản xuất tư nhân trong nông nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất trồng trọt là chính. Quy mô diện tích nhỏ của các cơ sở đã hạn chế đầu tư trong nội bộ các cơ sở tư nhân, cản trở các tiến bộ khoa học và công nghệ, sức cạnh tranh của các cơ sở rất thấp.
Thứ ba, về lao động việc làm, Hà Nội là địa phương có nguồn lao động dồi dào phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp với hơn 50% dân số thuộc khu vực nông thôn. Tuy nhiên, quỹ đất đai của Hà Nội có hạn và ngày càng thu hẹp, ngành nghề nông nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Vì vậy, nguồn lao động dồi dào đã gây sức ép lớn về lao động, việc làm và thu nhập ở các cơ sở kinh tế tư nhân trong nông nghiệp. So với các địa phương khác, mặt bằng dân trí của Hà Nội cao hơn, nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì chất lượng nguồn lao động của Hà Nội vẫn còn thấp.
Thứ tư, về đầu tư khoa học và công nghệ cho phát triển nông nghiệp Thủ đô còn nhiều hạn chế. Quá trình chuyển giao các tiến bộ khoa học về nông nghiệp, nông thôn tuy đã được chú trọng xong chưa có quy hoạch cụ thể. Trong khi đó, tính tự phát đối với các cơ sở sản xuất một mặt tạo nên tính chủ động của cơ sở, mặt khác tạo ra sự không đồng bộ trong quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Có nhiều hoạt động chuyển giao còn bỏ ngỏ. Trong điều kiện nguồn lao động dư thừa của vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội thì sự tác động của khoa học và công nghệ sẽ góp phần tăng thêm sức ép về lao động và việc làm, do đó hạn chế sự chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Có thể nói, cùng với xu thế chung của nền kinh tế cả nước, trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao nếu ngay từ bây giờ có sự đầu tư xứng đáng nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tư nhân trong nông nghiệp phát triển. Điều này cũng góp phần nâng cao nội lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập.
Thu An (tổng hợp)
Nhà xuất ản Hà Nội