Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/10/2015 11:25
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô

Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạ tầng giao thông ở phạm vi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cơ bản đã duy trì được quan hệ với các đối tác sẵn có, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương. Các chương trình hợp tác quốc tế trung hạn và dài hạn, các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển hạ tầng giao thông của Thành phố... đã góp phần đáng kể đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước và Thủ đô Hà Nội.

 
Theo dự thảo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô thời gian qua chưa theo kịp tốc độ tăng dân số và sự phát triển của kinh tế - xã hội. Hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, tỷ lệ km đường/km2 diện tích mới đạt 30% so với yêu cầu đối với khu vực nội đô và 50% đối với khu vực nội đô mở rộng. Trong khi đó tỷ lệ phương tiện cá nhân tăng nhanh, vận tải công cộng mới chỉ chiếm thị phần nhỏ... đang tạo áp lực rất lớn đối với hạ tầng giao thông cũng như nhu cầu tham gia giao thông của người dân Thành phố.
 
Theo báo cáo, để thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội từ nay đến năm 2020 (giai đoạn 1) thì Hà Nội cần chuẩn bị vốn đầu tư khoảng 287.800 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư này sẽ được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách trung ương và Hà Nội; vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức ODA; vốn huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; vốn huy động từ khai thác quỹ đất; vốn từ nguồn người tham gia giao thông phải đóng góp và các nguồn vốn khác. Do đó, chính quyền Thành phố cần đẩy mạnh việc thực hiện nhiều mô hình hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn vốn nước ngoài cho những dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông trên địa bàn. Với việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh về nguồn vốn và khoa học công nghệ, sẽ giúp bổ sung nguồn lực và giảm gánh nặng ngân sách trong tiến trình xây dựng Thủ đô trở thành một đô thị với hệ thống các công trình hạ tầng giao thông hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội Thủ đô.
 
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách và các hình thức huy động các nguồn vốn, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải thành phố bằng các hình thức BOT, BT... Việc hợp tác và tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải từ các tổ chức song phương, đa phương qua các kênh như: ODA, WB, ADB… được Hà Nội thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi này về lâu dài sẽ bị cắt giảm dần vì nền kinh tế của Việt Nam ngày một phát triển sẽ nằm ngoài danh sách các quốc gia kém phát triển được nhận các nguồn vốn ưu đãi qua kênh ODA, WB… Điều này cũng là một vấn đề đáng quan tâm khi phần lớn hạ tầng giao thông của chúng ta được thực hiện từ các nguồn vốn hỗ trợ này.
 
Nằm trong xu thế chung là hội nhập toàn cầu, khi mà Việt Nam ngày càng gia nhập nhiều cộng đồng kinh tế khu vực và quốc tế, thì ngành giao thông vận tải của Hà Nội càng phải nhanh chóng xây dựng và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh và khai thác hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Hà Nội; nhất là các quốc gia trong cùng khối liên minh, cùng cộng đồng kinh tế mà Việt Nam là thành viên. Ngành Giao thông vận tải Thành phố cần chủ động nghiên cứu, đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác và thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô.
 
Một là, cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), lựa chọn các dự án ưu tiên để thực hiện nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách về hình thức đầu tư PPP trong ngành giao thông vận tải. Hai là, cần nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển hạ tầng và hoạt động khai thác vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng đô thị và vận tải đa phương thức. Ba là, cần khẩn trương kiện toàn các tổ chức huy động vốn, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng chuyên trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư của Thành phố để các nhà đầu tư nước ngoài có kênh thông tin chính thức về các cơ chế, chính sách của Thành phố, nhất là về xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải Thủ đô...
 
Đối với một quốc gia, kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó, tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm tới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển hạ tầng giao thông; bởi hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô trước yêu cầu của thời kỳ mới.

Gia An (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)