Cần định hướng nhận thức của lứa tuổi thiếu nhi về các giá trị và chuẩn mực trong văn hoá giao tiếp của người Hà Nội
Trong giao tiếp với người lớn, cụ thể là với ông bà, cha mẹ, với các thầy cô giáo…, sự kính trọng, lễ phép; ngoan ngoãn, biết vâng lời; trung thực, thật thà; mềm mỏng, lễ độ và sự thân mật, gần gũi, nhưng phép tắc, lễ nghĩa… là những giá trị và chuẩn mực văn hoá giao tiếp cơ bản đòi hỏi ý thức và sự tuân thủ chặt chẽ của lứa tuổi thiếu nhi. Theo một nghiên cứu xã hội học gần đây cho thấy, đa phần thiếu nhi Hà Nội đã ý thức khá rõ về những phép tắc và lễ nghĩa căn bản trong giao tiếp với người lớn. 86,7% các em được hỏi, đã nhận thức được rằng, sự gần gũi, thân mật nhưng vẫn giữ phép tắc, lễ nghĩa là những yêu cầu văn hoá trong hành vi giao tiếp với người lớn. 82,5% các em nhận thức được rằng, hành vi có văn hoá trong giao tiếp với người lớn cần thể hiện được sự kính trọng, lễ phép của các em đối với người lớn.
Hạn chế cần được lưu ý nhất ở đây chính là hiểu biết của thiếu nhi Thủ đô về cung cách hành vi có văn hoá trong giao tiếp với người lớn. Trong nghiên cứu trên, chỉ 42,7% các em thiếu nhi được hỏi, ý thức được rằng, sự mềm mỏng, nhã nhặn và lễ độ là một khía cạnh biểu hiện của cung cách hành vi giao tiếp có văn hoá của thiếu nhi trong quan hệ với người lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với tỉ lệ tương đối cao các em thiếu nhi chưa có sự nhận thức đúng đắn về chuẩn mực văn hoá giao tiếp này.
Trong giao tiếp với bạn bè, sự khiêm tốn, tôn trọng bạn; sự thân thiện, cởi mở và hoà đồng; sự nhiệt tình, chân thành và thiện ý; sự trung thực, thẳng thắn, nhưng tế nhị và lịch thiệp; cùng với lòng vị tha, độ lượng và khoan dung là những giá trị văn hoá giao tiếp luôn được đề cao. Bên cạnh sự ổn định tương đối của những hành vi giao tiếp có văn hoá, một số hành vi chưa thật văn hoá trong giao tiếp với bạn bè cũng được thiếu nhi nhận thức rõ. Sự suồng sã khi tiếp xúc, trò chuyện; sự gay gắt, mạnh mẽ khi góp ý cho bạn; đặc biệt là sự “tô vẽ” có phần khoe khoang bản thân khi giao tiếp… là những ví dụ tương đối điển hình cho những cung cách hành vi thuộc loại này.
Trong quan hệ với các em nhỏ, tính có văn hoá trong hành vi giao tiếp của thiếu nhi được thể hiện ở tình cảm quý mến và thương yêu các em nhỏ, ở thái độ chu đáo và tận tình, ở sự độ lượng và nhường nhịn đối với các em nhỏ, ở cung cách hành xử dịu dàng, nhẹ nhàng và gương mẫu. Các số liệu điều tra cho thấy, tỉ lệ thiếu nhi nhận thức đúng và đầy đủ về các giá trị chuẩn mực này tương đối cao (>70%). Trong một chừng mực nào đó có thể khẳng định rằng, hành vi giao tiếp với các em nhỏ của đại bộ phận thiếu nhi Thủ đô hiện nay đã thể hiện tính có văn hoá tương đối rõ nét về phương diện nhận thức.
Khi giao tiếp với những em nhỏ tuổi hơn mình, cách xưng hô, cách đề xuất và đáp ứng các yêu cầu, cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn trong tình huống giao tiếp của thiếu nhi thể hiện rất rõ tính có văn hoá trong hành vi giao tiếp của các em. Sự ổn định của những cung cách hành vi thể hiện tính mẫu mực, dịu dàng, độ lượng và tận tình của thiếu nhi trong những tình huống giao tiếp này chính là sự biểu hiện của những thói quen hành vi có văn hoá của thiếu nhi trong giao tiếp với các em nhỏ tuổi hơn.
Với tư cách là hành động có ý thức trong giao tiếp với mọi người xung quanh, hành vi giao tiếp văn hóa của thiếu nhi Thủ đô được biểu hiện ở nhận thức của các em về các quy tắc ứng xử văn hoá trong giao tiếp, ở thái độ của các em đối với các quy tắc và chuẩn mực cũng như các thói quen giao tiếp trong quan hệ với mọi người. Về căn bản, thiếu nhi Thủ đô hiện nay đã nhận thức đúng và tương đối đầy đủ các chuẩn mực và quy tắc giao tiếp này trong quan hệ với người lớn nói chung, với bạn bè và các em nhỏ. Bên cạnh đó, lứa tuổi thiếu nhi hiện nay đã thể hiện thái độ đồng tình và ủng hộ tương đối mạnh mẽ đối với những hành vi giao tiếp văn hóa, đồng thời cũng bày tỏ thái độ phản đối khá gay gắt đối với những hành vi thiếu văn hoá trong quan hệ với mọi người xung quanh.
Có thể nói, mặc dù đã có sự đúng đắn về phương diện nhận thức, phù hợp về thái độ, song sự ổn định trong các phương thức giao tiếp có văn hóa của thiếu nhi Thủ đô hiện nay còn tương đối thấp. Nói cách khác, dù biết và muốn, song lứa tuổi thiếu nhi của Thủ đô hiện nay chưa thực sự tạo cho mình sự ổn định và thường xuyên trong giao tiếp có văn hóa. Bởi vậy, việc định hướng và rèn luyện cho các em một phong cách giao tiếp thanh lịch, văn minh là trách nhiệm không chỉ của gia đình, nhà trường, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, bởi các em chính là những công dân tương lai của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Minh Nam
Nhà xuất bản Hà Nội