Lưỡng quốc Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - sứ giả già tuổi nhất
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm Mậu Tí (1528), mất năm Quý Sửu (1613), đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn (1580) thời Lê - Trịnh. Là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan tuy nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số, nhưng ông không đi thi và không chịu ra làm quan với triều Mạc mà một lòng trung thần với nhà Lê. Khi triều đình Lê - Trịnh trở về Thăng Long, Phùng Khắc Khoan giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đây cũng là dịp cho ông thể hiện tài năng xuất sắc của mình trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao.
Trong số hàng trăm sứ giả nước ta đi sứ Bắc thời trung đại, thì Phùng Khắc Khoan là sứ giả già tuổi nhất và cũng là người có thành công đi sứ vào loại cao nhất. Về đối ngoại với phương Bắc, tàn dư từ thời các vua Mạc tỏ ra yếu hèn, quỵ luỵ, tiến cống, hối lộ quá nhiều để mong vua quan nhà Minh che chở. Sau khi nhà Lê Trung Hưng lên, việc bang giao giữa nhà Lê và nhà Minh trở nên căng thẳng và phức tạp. Trong hoàn cảnh khó khăn này, năm Đinh Dậu (1597), Phùng Khắc Khoan đang làm Tả thị lang Bộ Công và đã ở tuổi 69 thì được vua Lê cử làm Chánh sứ sang triều Minh. Khi sứ bộ do Chánh sứ Phùng Khắc Khoan dẫn đầu đến biên giới, quan nhà Minh không cho nhập cảnh. Ông đã đấu lý và cả đút lót vàng, bạc cho chúng thì cửa ải mới được mở. Hành trình gian nan của đoàn sứ từ tháng 7 năm Đinh Dậu đến tháng 8 năm sau mới đến Yên Kinh. Đến Yên Kinh, đoàn sứ bộ phải tạm trú trong 5 tháng liền mà không được bàn đến việc chính là sang xin cầu phong cho vua Lê Thế Tông. Với bản lĩnh cùng sự thông minh, sắc sảo, tài ứng đáp thơ văn, ông đã mềm mỏng, ôn hòa và cương quyết buộc quan nhà Minh phải tổ chức để ông được dâng biểu cầu phong của vua Lê lên vua Minh. Việc phong vương tuy chưa đạt được (vua Minh chỉ phong cho vua Lê chức Đồng thống), song cũng là một thắng lợi, vua quan nhà Minh phải coi nhà Lê là chính thống, không còn danh nghĩa gì để giúp quân Mạc. Thành công của chuyến đi sứ đã khiến quốc dân suy tôn ông là bậc sứ giỏi, là Lưỡng quốc Trạng nguyên, thực ra ông không hề thi đỗ Trạng nguyên ở ta cũng như ở bên Tàu. Tuy không mang học vị trạng nguyên, nhưng ông đạt trình độ uyên bác và có thành tựu rất cao.
Một trong những dấu ấn để lại của Phùng Khắc Khoan là những công trạng và thơ văn bang giao của ông. “Văn chương lừng đất Bắc, chính sự vững trời Nam” (Cao Bá Quát)... Tập thơ Mai lĩnh sứ hoa thi ông sáng tác khi đi sứ được đánh giá là chứa đựng tư tưởng, hoài bão, tâm huyết của một sứ thần yêu nước, có dũng khí, có trách nhiệm với vua, với nước, với dân. Chân tình, chính trực, lịch lãm trong lối thơ bang giao, thơ ông có giá trị thu phục nhân tâm, tranh thủ được cảm tình của cả đối tượng đối thoại bang giao. Mảng văn chương bang giao vệ quốc của Trạng Bùng khi đi sứ phương Bắc cũng rất đặc sắc. Đây đồng thời cũng là những cống hiến lớn của Phùng Khắc Khoan trên mặt trận ngoại giao. Lê Quý Đôn, một bậc lương thần đồng thời cũng là một sứ thần nổi tiếng thời sau, khi bàn về việc này đã viết: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như 30 vần thơ dâng mừng thánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại chánh phó sứ nước Triều Tiên, Nhật Bản tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp, y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?”.
Cuộc đời làm quan của Phùng Khắc Khoan khá thăng trầm nhưng luôn thể hiện sự liêm chính cương trực vì nước vì dân được các đồng liêu nể phục, các đời vua trọng dụng. Phùng Khắc Khoan làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, Quốc Tử Giám tế tửu, từng làm Chánh sứ sang Bắc quốc (1597 - 1598). Không chỉ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, tài thơ trác việt, trên lĩnh vực ngoại giao ông còn là người khơi mở quan hệ hữu hảo Việt - Triều và cũng là sứ thần có nhiều giai thoại vào bậc nhất.
Ly Đàm
Nhà xuất bản Hà Nội