Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 12/11/2015 10:03
Tài năng toán học của Trạng Lường Lương Thế Vinh trên lĩnh vực ngoại giao

Lương Thế Vinh (1441-1496) tên tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thuỵ Hiên, sinh ra trong một gia đình nông dân có học. Nổi tiếng với tài năng toán học, là một vị quan thanh liêm, chính trực, một nhà giáo, có tài văn chương, âm nhạc dân tộc, là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập, Lương Thế Vinh còn được người đời biết đến là một trong những nhà ngoại giao tiêu biểu, có đóng góp lớn đối với hoạt động đối ngoại của Thăng Long, với lịch sử dân tộc thời Lê sơ.

 
Nói về tài năng, ngay từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng học đến đâu, hiểu đến đấy, học một biết mười, khi đã ngồi học thì tập trung tư tưởng rất cao, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. Trong khi vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, Vinh luôn kết hợp với việc học. Lúc thả diều, Lương Thế Vinh rung dây diều để tính toán, ước lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, cậu bé Vinh tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi... và kiểm tra lại bằng thực nghiệm, Vinh đã nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều dài của cây.
 
Tài năng của Lương Thế Vinh được thể hiện trên nhiều mặt, nổi bật nhất đó là tài năng toán học, nhưng muốn hiểu được sâu sắc về con người Lương Thế Vinh, cần phải tìm hiểu hoạt động của ông trên lĩnh vực ngoại giao. Năm 1480, quan hệ với triều Minh nổi lên vấn đề vùng biên giới phía Bắc với việc sứ thần của ta bị giam bắt, thổ tù người Quảng Tây đem quân gây rối, chiếm cứ đất đai, triều Minh đòi hỏi yêu sách... Trước thực trạng này, nhà vua và triều thần nhà Lê có bàn bạc và sai người sang tuế cống nhà Minh. Lương Thế Vinh ngoài công việc hàn lâm trong triều, còn được vua giao việc thảo những văn thư ngoại giao với nhà Minh. Việc này, ông đã thay mặt nhà vua soạn 3 bài biểu gửi triều đình Minh đòi chấm dứt các hành động gây rối trên.
 
Thời phong kiến, đặc điểm chung của nền ngoại giao là không có nhà ngoại giao chuyên nghiệp mà họ là những nhà nho giỏi, những vị quan giữ chức vụ cao trong triều đình được lựa chọn đi sứ, tiếp sứ. Thành công trên lĩnh vực ngoại giao của Lương Thế Vinh không chỉ dựa vào tài văn chương đối với việc soạn thảo thư từ bang giao mà thời gian ông làm quan, nhiều lần ông được nhà vua sai đón tiếp sứ thần. Trong những cuộc gặp gỡ với sứ thần nhà Minh, tài năng ứng đối thông minh, khả năng toán học làm người Minh phải thán phục, góp phần nâng cao vị thế của nước Nam trong mối quan hệ với phương Bắc.
 
Tài năng của Lương Thế Vinh gắn với nhiều giai thoại. Sự sáng tạo khoa học của ông được truyền khẩu qua câu chuyện ông tiếp sứ nhà Minh là Chu Hy. Hy đã nghe nói về Lương Thế Vinh, không những nổi tiếng về văn chương, âm nhạc, mà còn tinh thông toán học, nên thách đố Lương Thế Vinh cân một con voi. Trạng Lường đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả lại. Chu Hy thán phục ông nhưng tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả quyển rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than: “Nước Nam quả có lắm người tài”.
 
Cái tài ngoại giao của Lương Thế Vinh còn ở chỗ khiến cho sứ giả nhà Minh không chỉ thán phục tài năng của người nước Nam mà tự xấu hổ về bản thân mình. Khi được hỏi về nghĩ ra cách cân voi, Lương Thế Vinh đáp rằng người nghĩ ra cách cân voi thực sự là Tào Xung, con của Tào Tháo, điều này khiến cho sứ giả nhà Minh hổ thẹn vì chưa thuộc sử nước nhà.
 
Đối nội, Lương Thế Vinh cũng được gắn với một vài giai thoại với vua quan nhà Lê, các giai thoại này cho thấy ông ứng đáp thông minh với vua, có các lời khuyên hợp lý cho vua và răn dạy các quan dưới cấp bỏ thói hách dịch nhân dân. Mến phục tài năng, đức độ của ông, khi ông chết vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc và viết một bài thơ khóc trạng:
 
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.
 
Cũng từ tài năng đặc biệt và vượt trội như một thần đồng ở ông nên cũng có nhiều tranh cãi về việc ông có đi sứ hay không. Bởi trên thực tế, không có tài liệu nào cho biết chính xác về chuyến đi sứ của Lương Thế Vinh. Nhưng cũng thật khó tin rằng chỉ nhờ vào những trò chơi thuở nhỏ cùng với trí thông minh tuyệt đỉnh và tinh thần tự học mà cậu bé ham chơi vùng thôn dã lại có thể đạt đến đỉnh cao của toán học đương thời với những công trình để đời như Đại thành toán pháp. Vậy nên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông đã tiếp thu những tri thức toán học từ Trung Hoa trong dịp đi sứ về làm giàu vốn tri thức dân tộc.
 
Tài năng cũng như công lao “làm rạng danh đất nước” của Lương Thế Vinh vẫn còn vang vọng trong tâm tưởng nhiều thế hệ. Có thể khẳng định, chính tài năng toán học là một yếu tố quan trọng tạo nên những thành công, làm nên nét riêng biệt của Trạng Lường Lương Thế Vinh trên lĩnh vực ngoại giao.
 
Linh Chi

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)