Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 12/11/2015 10:16
Hoạt động đối ngoại thời Lê - Trịnh với Nhật Bản

Cùng nằm trong vùng “khí hậu gió mùa”, Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử phát triển hàng nghìn năm và cùng thuộc trong vùng nông nghiệp trồng lúa nước của châu Á; và văn hoá cùng chịu ảnh hưởng dòng văn hoá phương Đông, đặc biệt là văn hoá Trung Hoa nên hai nước có nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo. Dấu ấn bang giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, điểm mốc chính thức là ở thời kỳ Lê - Trịnh, thế kỷ XVI.

 
Qua các sử liệu cho thấy, quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản được hình thành khá sớm từ thời Bắc thuộc khi những mối liên hệ giữa các quốc gia phiên thuộc đế chế nhà Đường được mở rộng vào khoảng thế kỷ VII-IX. Nhưng thời kỳ mà quan hệ giữa Đại Việt và Nhật Bản được phản ánh một cách đầy đủ qua nhiều loại hình tư liệu khác nhau từ thư tịch cổ, khảo cổ học cho tới các dấu vết vật chất còn lại cho đến hiện nay thì phải thời Lê - Trịnh, thế kỷ XVI, nhất là thế kỷ XVII.
 
Nói về dấu ấn bang giao giữa Nhật Bản và Việt Nam thì phố cổ Hội An ngày nay còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét về giao lưu kinh tế và văn hoá Việt - Nhật. Điểm mốc chính thức là ở thời kỳ Lê - Trịnh, thế kỷ XVI, người Nhật đã đến buôn bán ở Việt Nam tại cửa biển Hội An của Quảng Nam. Sau đó khoảng một thế kỷ, Hội An đã trở thành "phố Nhật" (Nihon Machi) lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò trung tâm buôn bán của Nhật với Đông Nam Á. Theo cuốn Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV-XVIII của tác giả Nguyễn Văn Kim thì quan hệ của Đại Việt với Nhật Bản thời kỳ này “thông qua việc buôn bán để kết nối tình hữu nghị giữa hai nước”. Trong tập tài liệu Ngoại phiên thông thư, có ghi lại gần 60 bức thư trao đổi giữa Mạc phủ Nhật Bản với các chúa Trịnh, điều này góp phần vào việc nhận diện mối quan hệ giữa Nhật Bản với chính quyền Lê - Trịnh ở Thăng Long trong giai đoạn này.
 
Các hoạt động đối ngoại giữa Đại Việt với Nhật Bản ở thời kỳ này chủ yếu là hoạt động giao thương buôn bán. Năm 1603, Giác Tàng Liễu Dĩ, một thương nhân nổi tiếng của Nhật đã được cấp giấy phép nhằm thiết lập quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài. Nhưng phải đến năm 1609, quan hệ giữa chính quyền Lê - Trịnh và chính quyền Mạc phủ Tokugawa chính thức được xác lập với sự kiện việc cứu tàu đắm của Nhật Bản ở Đàng Ngoài.
 
Thuyền buôn Nhật đa phần là cỡ lớn, xuất phát từ hai cảng Hirado và Nagasaki, khi tới Đại Việt, người Nhật lưu trú và tiến hành các hoạt động mậu dịch trong khoảng 2 tháng, họ thường đến Thăng Long hoặc Phố Hiến vào tháng 4 và trở về vào tháng 6.
 
Cũng trên lĩnh vực giao thương, ở thời kỳ này nổi bật lên vai trò của thương nhân Nhật Bản Riyaemon, ông có quan hệ chặt chẽ với Công ty Đông Ấn Hà Lan, là người môi giới tích cực giữa Hà Lan và Đại Việt.
 
Về mặt hoạt động ngoại giao theo các nguồn sử liệu của Nhật Bản và căn cứ vào Ngoại phiên thông thư của ta thì vào năm 1610 sứ giả An Nam đã từng đến tiếp kiến Tokugawa Ieyasu ở Sumpu. Đây là sứ đoàn duy nhất của Việt Nam đến Nhật Bản vào thế kỷ XVII. Một hoạt động chứng tỏ mối quan hệ đối ngoại giữa Đại Việt với Nhật Bản đó là vào năm 1613, vua Lê Kính Tông đã gửi thư tới quốc vương Nhật Bản, nội dung thư phản ánh mối quan hệ hoà hảo, khá lâu dài giữa hai nước.
 
Ngoài các sự kiện lịch sử khẳng định mối giao hữu giữa hai nước thì cũng từ các bức thư ngoại giao đã góp phần cho chúng ta hiểu rõ hơn về chính sách ngoại thương của chính quyền Lê - Trịnh với Nhật Bản. Mối quan hệ bang giao này luôn được duy trì. Đó là bức thư của Trịnh Tráng gửi cho thương nhân Giốc Tạng, người thường xuyên buôn bán với Đàng Ngoài vào năm 1624.
 
Mối quan hệ bang giao cùng các hoạt động buôn bán của các thương gia Nhật Bản trên đất Thăng Long của Đàng Ngoài phát triển mạnh mẽ, nó chỉ suy yếu khi Nhật Bản thực hiện chính sách đóng cửa ban bố lệnh Sakoku (toả quốc) khoảng năm 1636-1639. Đối với Nhật Bản, chính quyền Lê - Trịnh luôn dành những ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi để mối bang giao cùng các hoạt động buôn bán của các thương gia Nhật Bản được tốt đẹp. Nếu so sánh với thái độ trước các thương nhân phương Tây, nhu cầu thiết lập mối bang giao bình đẳng hữu hảo với Nhật Bản là một trong những điểm nhấn khá tích cực trong chính sách ngoại giao của nhà nước Lê - Trịnh thế kỷ XVII - XVIII. Những bức thư cuối cùng liên quan đến quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Nhật Bản trong Ngoại phiên thông thư được viết vào năm Chính Hoà 15 (1695), phải chăng có thể coi đây là thời điểm chấm dứt quan hệ chính thức giữa hai nước? Giả thuyết này có thể đúng, có thể sai, nhưng một sự thực là Việt Nam và Nhật Bản đã tồn tại mối bang giao cùng các hoạt động giao thương buôn bán từ lâu đời.
 
Mặc dù qua những di tích và hiện vật gốm sứ được phát hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ X-XV, đã khẳng định mối quan hệ giữa Việt - Nhật và có cả một thời kỳ giao thương phát triển mạnh mẽ, hình thành “phố Nhật” trên đất nước Việt Nam, nhưng phải đến ngày 21/9/1973, Việt Nam chính thức lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Năm 1992, sau khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam thì quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu. Duy trì mối quan hệ lâu dài, Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, lấy lợi ích và mục tiêu lâu dài làm trọng. Các mối quan hệ kinh tế chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng; đã hình thành khuôn khổ quan hệ ở tầm vĩ mô; sự hiểu biết giữa hai nước không ngừng được tăng lên cho đến ngày nay.

Ly Đàm

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)