Xứ Đoài - nơi bảo lưu cơ tầng văn hóa lúa nước của Thủ đô Thăng Long
Bước hội tụ đầu tiên ở đồng bằng sông Hồng đã để lại lớp văn hóa cổ xưa nhất trong văn hóa Việt Nam. Tất nhiên nền văn minh lúa nước ở nước ta không phát triển biệt lập mà có mối quan hệ giao lưu rất sớm với Ấn Độ và Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa đã được chuyển tải vào nước ta qua hai con đường: Một là con đường triều đình với các thiết chế nhà nước, chữ Hán, sách nho học đủ các loại; Hai là con đường dân gian, là con đường di dân của người Hoa sang cộng cư với người Việt mang theo các nghề thủ công, các tục lệ thờ cúng, cưới xin, ma chay. Kinh Bắc trở thành cái trục quay đưa văn hóa Việt Nam đi vào quỹ đạo thông qua sự cộng hưởng giao thoa của hai nền văn hóa đặc trưng này.
Trong khi đó, Xứ Đoài ở hữu ngạn sông Hồng - đối diện với Kinh Bắc trở thành trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của người Việt tạo nên một sự đối trọng về mặt quyền lực giữa người Việt và bọn thống trị nhà Hán, còn phủ Tấn Bình và thành Đại La như là nơi cân bằng giữa hai thế lực đó, tạo nên thế kiềng ba chân cả về sau này. Vùng Xứ Đoài là nơi điển hình cho tâm thức tam giác châu của người Việt. Bắt đầu từ ngã ba Hạc, nơi gặp gỡ giữa ba con sông (sông Hồng, sông Đà, sông Lô) và tận cùng phía nam Xứ Đoài là ngã ba Sa, nơi hội tụ của ba con sông: sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và sông Sa, tại khu Cống Thần.
Trong đời sống tâm linh của người Xứ Đoài, giữa việc thờ Phật và thờ Thánh thì thờ Thánh được bảo lưu nhiều hơn. Các làng đều có đền, miếu, đình, quán để thờ các Thánh. Thậm chí chùa thờ Phật ở Xứ Đoài đều theo cấu trúc: tiền Phật, hậu Thánh, trong đó việc thờ Thánh vẫn nổi trội hơn. Các Thánh đều được gắn với huyền thoại vua Hùng hoặc gần với triều đại này. Trong các Thánh thì Đức Thánh mẫu và các Thánh có công dựng nước và giữ nước được thờ phổ biến khắp nơi. Cả Xứ Đoài như muốn ôm lấy những truyền thuyết, những chiến công, những vị Thánh dựng nước và chống giặc ngoại xâm, và cạnh đó là những người phụ nữ có công xây dựng làng, mở mang nghề như Bà Chúa Ca Trù (Cung phi Nguyễn Thị Sang) làng Nhà Trò Đạo Phú; Bà Chúa Mía ở Đường Lâm…
Xứ Đoài cũng là nơi tiêu biểu cho tinh thần hiếu học với những dòng họ, những làng khoa bảng đã có công làm rạng danh quê hương và góp phần xây dựng một quốc gia văn hiến. Xứ Đoài cũng là nơi lưu giữ được những làng nổi tiếng: Làng lúa, làng mía, làng lụa, làng bún, làng hát (ca trù),… những làng điển hình của nghề trồng lúa nước vùng thung lũng ven sông, đồng thời còn giữ được rất nhiều lễ hội mang dấu ấn nông nghiệp. Chỉ với một số tư liệu 19 làng văn hoá trong số 1300 làng ở Hà Tây, chúng ta cảm nhận thấy đã bắt mạch được gương mặt Xứ Đoài so với văn hóa Kinh Bắc và nhận diện được quá trình hội tụ văn hóa Thăng Long kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô ra đất Bắc xây dựng nền văn hiến của nhà nước Đại Việt. Kinh đô Thăng Long được thiết lập bên hai bờ sông Hồng mà chủ yếu là nằm trên đất Xứ Đoài, được tích hợp cả ảnh hưởng văn hóa Hán vùng Kinh Bắc cả truyền thống văn hóa Việt ở Xứ Đoài. Đó là sự kết hợp của hai dòng văn hóa - văn hóa bác học mang tính chất cung đình (chữ viết, từ chương, thể chế…) và văn hóa bình dân mang tính chất dân gian. Người dân Xứ Đoài đã góp phần xây dựng nên cơ tầng văn hóa Thăng Long từ đời sống tâm linh đến tâm thức, nếp sống xóm làng, những truyền thống của người Việt.
Ngô Duy
Nhà xuất bản Hà Nội