Tố chất thị dân trong con người Thăng Long - Hà Nội
Lịch sử đô thị Thăng Long - Hà Nội có thể chia thành 3 thời: “thời tiền - Thăng Long; “thời kỳ Thăng Long”; “thời Hà Nội”.
Thời “tiền -Thăng Long” hay “thời kỳ Đại La” - từ năm 1010 trở về trước: Sự khai sinh đô thị chủ yếu hình thành là do thế lực quản lý xã hội và chính quyền, với nhu cầu hành chính - chính trị của thế lực này chứ không phải do nền kinh tế và sự phát triển kinh tế đô thị (kinh tế công thương) mà hình thành. Vì vậy tính chất và chức năng đô thị cũng nặng về mặt hành chính - chính trị hơn là về loại hình đô thị kinh tế.
“Thời kỳ Thăng Long” - từ năm 1010 đến năm 1831, khi vua Minh Mạng đặt ra “tỉnh Hà Nội” hoặc đến năm 1988 khi tổng thống Pháp cho thành lập “vill de Hà Nội (thành phố Hà Nội). Ngay từ lúc mở màn cho các thời Thăng Long này, Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô tuy có nói đến cái ý kinh tế “muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh” của nơi rồi sẽ thành đô thị Thăng Long, nhưng sự nhấn mạnh là thuộc về ý “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định yên nơi ở” của nhà vua và triều đình, chọn nơi “đủ làm chỗ ở của đế vương”, “là nơi Hương đô kinh sư mãi muôn đời”. Điều đó đã nói lên rất rõ tính chất và chức năng chủ yếu của thực thể đô thị là thuộc về loại hình “thành thị quân vương”. Có lẽ vì vậy nên trong gần nghìn năm tiếp theo, đô thị Thăng Long vẫn luôn là nơi đóng đô của các vương triều, hết Lý lại Trần, rồi Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Hậu Lê mà về quy hoạch là thuộc về sự phồn thịnh của đô thị kinh tế đấy nhưng bản chất vẫn là đô thị quân vương. Thăng Long trong suốt thời thứ hai của lịch sử đô thị này, với quy hoạch “tam trùng thành quách” (ba vòng thành lồng nhau) và “trong thành ngoài thị” (bên trong là thành thị quân vương, bên ngoài là đô thị kinh tế) thì bao giờ “Hoàng thành” và “Cấm thành” cũng luôn là phần quan trọng và tiêu biểu nhất. Còn từ bốn cửa hoàng thành đổ ra tới các cửa ô chỉ là phần “phụ quách” mà thôi.
Chỉ đến khi nhà Nguyễn, vào đầu thế kỷ XIX (năm 1803 - 1805) xóa bỏ cấm thành và hoàng thành, thay vào đó là một “tỉnh thành Hà Nội”, rồi người Pháp vào cuối thế kỷ XIX (năm 1895 - 1897) cho san bằng nốt các công trình ấy và dần đem kiểu quy hoạch “nội thành và ngoại thành” của đô thị phương Tây vào thì đô thị Hà Nội mới chậm chạp dần hình thành.
Ở giai đoạn này tầng lớp thị dân Thăng Long - Hà Nội mới dần được hình thành gồm “sĩ - nông - công - thương”. Họ là tứ dân ở đô thị kinh kỳ nhưng không mấy khác chúng dân trong xã hội và trên toàn quốc. Điều này cũng dễ hiểu là bởi vì thị dân Thăng Long - Hà Nội xưa vẫn mang nặng ý thức của hệ phong kiến, ý thức về mình là người dưới quyền, người lệ thuộc. Thăng Long Hà Nội không có lớp thị dân gốc, truyền đời sinh sống và làm ăn tại nơi đô thị kinh kỳ này. Không có thị dân Thăng Long - Hà Nội nào trong lịch sử nổi lên như một doanh nhân giỏi, làm ăn lớn ở lĩnh vực kinh tế đô thị. Vậy là, Thăng Long - Hà Nội, cho dù đã và chính là đô thị hàng đầu về nhiều mặt của đất nước, nhưng vẫn chưa có được một tầng lớp thị dân đúng nghĩa.
“Thời Hà Nội” có thể được tính từ năm 1831 hoặc 1888 cho đến nay, trong đó giai đoạn từ 1945 hoặc 1954 đến nay chính là cái thời người Hà Nội được trọng tâm nghiên cứu. Có thể nói, ở giai đoạn này, “người Hà Nội mới” đông lên rất nhiều nhưng vẫn chủ yếu do hai nguồn: một là mở rộng và “đô thị hóa” vùng miền và hai là nhập vào từ khắp xa gần lập cư và lập nghiệp tại đây. Và cái truyền thống hơn nghìn năm từ quá khứ đã tồn tại, ảnh hưởng lớn tới các thế hệ người Hà Nội hiện đại. Chất lượng của số lượng lớn “người Hà Nội mới” được nhìn nhận và đánh giá có phần khác biệt: tầng lớp điển hình cho “người Hà Nội” hiện đại nửa cuối thế kỷ XX là tầng lớp… cán bộ! Từ “truyền thống” của lớp thị dân Hà Nội trong hai giai đoạn đầu đến những yếu tố “phi thị dân” của người Hà Nội hiện đại cộng hưởng và phát triển để tạo nên tố chất của người thị dân chân chính, đích thực: Người Hà Nội thanh lịch và văn minh.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội