Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 13/11/2015 11:55
Lễ hội dân gian với người Hà Nội

Hà Nội, Thủ đô của cả nước với một diện tích rộng lớn mà hạt nhân của Hà Nội bắt nguồn từ một làng, nhiều làng để trở thành một thành phố quy mô lớn như ngày nay. Sự tham gia về lãnh thổ của tứ trấn vào Hà Nội kéo theo sự có mặt của những sinh hoạt và truyền thống văn hóa mà nó vốn có và nổi bật nhất, đặc sắc nhất phải kể đến là lễ hội dân gian.

 
Khi là kinh đô của những vương triều của nước Đại Việt tự chủ, nhiều lễ hội dân gian được khai thác đưa vào cung đình, một mặt để phục vụ mục đích của chính quyền đương thời, mặt khác cũng là dịp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Hơn thế nữa, những giá trị văn hóa ấy lại được nâng cao lên, làm cho nó sang trọng hơn, đẹp hơn bằng trí tuệ và trình độ thẩm mỹ của những thị dân.
 
Trước hết phải nói đến việc giáo dục tư tưởng cho các quan lại và thần dân của triều đình về sự trung thành và thống nhất vào một mối với vua. Biểu hiện của việc này là hội đền Đồng Cổ mà sử sách còn ghi chép được trong hội Thề tháng tư. Hàng năm, cứ vào ngày 4 tháng tư, tể tướng và trăm quan từ hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng thì vào triều. Vua ngự ở hành lang bên phải cửa điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phụng làm lễ hai lạy rồi lui ra, có đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu, ra cửa tây kinh thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống rượu máu, nguyện trung thành với vua. Ngày hôm ấy, con trai, con gái bốn phương đứng ở cạnh đường để xem chật ních như ngày hội lớn. Đó không chỉ là một phong tục của vua quan mà thật sự là ngày hội lớn của nhân dân Thăng Long. Như vậy từ một hội Thề tháng tư vốn có nguồn gốc từ dân gian “Mùng bốn cá đi ăn thề”, được nâng lên thành một lễ hội cung đình với một triết lý giáo dục sâu xa để trở thành một phong tục đẹp vừa có ý nghĩa giáo dục vừa có ý nghĩa văn hóa. Đó thật sự là một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Hà Nội. Vì thế mà hội Thề này là một phong tục bền vững của các triều đại Lý, Trần, Lê.
 
Cũng vào thời Lý, một lễ hội cung đình khác có sự khai thác triệt để những yếu tố và kỹ thuật của lễ hội dân gian, đó là hội đèn Quảng Chiếu diên mệnh (cầu sống lâu) diễn ra vào ngày 15 tháng giêng. Đèn Quảng Chiếu là một loại đền kéo quân, trong đêm hội đèn còn kết hợp đốt pháo bông, múa rối. Kỹ thuật và nghệ thuật hòa quyện với nhau, nâng vẻ đẹp và sự hấp dẫn của ngày hội thu hút muôn người. Điều này cho thấy các nghệ nhân của ngày đó đã đạt được một trình độ kỹ thuật điêu luyện, thể hiện bàn tay khéo léo và đầu óc thẩm mỹ của những nghệ nhân Hà Nội. Còn nhiều lễ hội cung đình khác được sử sách nhắc đến như lễ sinh nhật nhà vua, hội đua thuyền, múa rối trên sông Hồng… Điều thú vị là chủ nhân chính của những lễ hội ấy đại đa số là những người nông dân, thợ thuyền của thành thị. Chính họ là những người sáng tạo ra những kỹ thuật và nghệ thuật của các lễ hội đó, rồi được các trí thức trong cung cùng các nghệ nhân nâng cao lên để đưa vào cung đình. Để rồi, những người tham gia này lại đem những điều họ hiểu biết được tỏa về các hội làng quanh kinh thành làm cho hội làng họ phong phú lên. Cứ như vậy tạo thành một sự học hỏi lẫn nhau để nâng cao những giá trị văn hóa của dân tộc mà sử sách đã không ngớt lời ca ngợi.
 
Trước hết phải thấy ngay một thực tế là sự phong phú và đa dạng của lễ hội dân gian Hà Nội thời cận - hiện đại cũng chỉ ra tính đa dạng của con người Hà Nội từ trước đến giờ. Như đã thấy nền tảng cơ bản của lễ hội Hà Nội vẫn là những hội làng xưa của đất Thăng Long. Những người làm ra nó, tổ chức ra nó vốn là những người tụ cư về đây sinh sống và cùng phát triển, xây dựng mảnh đất này thành trung tâm kinh tế, văn hóa, và chính trị. Sự đóng góp của những tài năng văn hóa dưới góc độ lễ hội được thể hiện ở những tri thức về phong thủy, tín ngưỡng như việc thờ tứ trấn mà sau này trở thành các lễ hội. Bên cạnh những tri thức phong thủy mà người xưa dùng để xây dựng Hà thành, trí tuệ của các tầng lớp trí thức qua các triều đại còn góp phần tô điểm và làm phong phú bộ mặt văn hóa của một kinh đô ngàn năm. Những giá trị văn hóa đó vừa để răn dạy, vừa để đề cao đạo đức, lối sống nhân nghĩa hiếu trung của con người như trường hợp hội Thề đền Đồng Cổ. Song nó cũng là bài học mà đời trước dạy đời sau. Câu chuyện An Dương Vương ở hội đền Cổ Loa không chỉ là một bi kịch mà còn là bài học cảnh giác cho đời sau. Cũng phải qua tay nhào nặn của các trí thức Nho, Phật mới có câu chuyện về bi kịch ở hội Chùa Láng giữa sư Đại Điên và Từ Đạo Hạnh…
 
Bênh cạnh tài năng về trí tuệ khoa học, những tài năng khác như thủ công, thợ giỏi, nghệ nhân cũng được quy tụ về đây. Cũng qua các lễ hội, nhất là phần hội, cái tao nhã tài hoa của người Thăng Long - Hà Nội được thể hiện khá rõ. Ta thấy có hát ca trù, hát trống quân các hội như đình Thượng Lão (Xuân Canh, Đông Anh); hội đền Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm); hội Cống Yên (Cống Vị, Ba Đình)… Thú chơi cây thế, cây cảnh tạo nên mỹ cảm con người gần gũi với thiên nhiên như hội bên núi Sưa (Ngọc Hà, Ba Đình). Thú chơi chọi chim hay thả chim câu ở các làng Dục Tú (Đông Anh); hội Chèm (Thụy Phương, Từ Liêm); hội Đăm (Tây Tựu, Từ Liêm)…
 
Khả năng về nhân lực, vật lực của người Hà Nội cũng là một ưu thế đáng kể được thể hiện qua lễ hội dân gian. Ngoài tài khéo léo tổ chức, nguồn lực kinh tế đóng vai trò rất lớn trong thành công của bất kỳ lễ hội nào. Có những lễ hội vô cùng tốn kém điển hình như hội Gióng - Gia Lâm, lễ hội của thập tam trại xưa hay những đám rước lớn có sự tham gia của nhiều làng như hội năm làng Mọc, đám rước 9 làng của hội đền Thanh Nhàn,…
 
Từ lễ hội thể hiện phần nào khuôn mặt của người Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa cả nội thành và ngoại thành Hà Nội, các hội làng xưa kia đang dần trở thành các hội phố của người phố. Khi đã trở thành hội của phố, do người phố tổ chức thì lễ hội cũng mất đi nhiều nét truyền thống đặt ra cho người Hà Nội nhiều câu hỏi, hướng đi cần giải đáp để môi trường lễ hội Hà Nội vẫn giữ được bản sắc và giá trị nhân văn.
 
 
Duy Linh tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)