Đời sống tư tưởng và tôn giáo, tín ngưỡng ở Thăng Long thời Lê sơ
Có thể nói, học thuyết Tống Nho là một hình thức đổi mới của Khổng giáo thích ứng với yêu cầu phát triển mới của chế độ phong kiến Trung Quốc đương thời. Nội dung của học thuyết Tống Nho ấy cũng rất phù hợp với yêu cầu phát triển của chế độ phong kiến Đại Việt thế kỷ XV. Vì vậy các vua nhà Lê sơ đã nâng học thuyết Tống Nho lên địa vị thống trị, dùng làm cơ cở ý thức hệ phong kiến, làm nền tảng của luân lý và đạo đức phong kiến, củng cố chế độ quân chủ tập quyền và ổn định trật tự xã hội vừa được xây dựng. Tài liệu học tập và tập quyền và ổn định trật tự xã hội vừa được xây dựng. Tài liệu học tập và tài liệu thi cử đều lấy trong Tứ thư, Ngũ kinh, Tính lý, Bắc sử, đặc biệt là bộ Tứ thư, Ngũ kinh do Chu Hy và các học giả của phái Tống Nho chú giải. Các vua nhà Lê sơ, đặc biệt là Lê Thánh Tông đã từng soạn ra 24 điều giáo huấn, bắt các xã trưởng đem đọc và giảng trong những buổi hội hè, đình đám ở xã thôn để phổ biến rộng rãi những nguyên tắc về luân lý đạo đức phong kiến theo quan niệm Nho giáo. Ý thức hệ Nho giáo, từ thế kỷ XV, được quán triệt trên mọi chính sách của nhà nước phong kiến và có ảnh hưởng sâu sắc trong các lĩnh vực văn hoá đương thời.
Bên cạnh Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo không còn chiếm ưu thế trong xã hội như trước và bị nhà nước hạn chế, nhưng vẫn được duy trì và có xu hướng đi về nông thôn, phát triển trong sự dung hoà với các tín ngưỡng dân gian. Lê Lợi sau khi lên ngôi đã ra lệnh cấm “vũ trung tà đạo” mê hoặc dân chúng và đặt lệ thi tăng nhân, chỉ cho những nhà sư trên 50 tuổi, thông hiểu kinh Phật, giữ được giới hạnh được chủ trì các chùa, còn lại đều phải “hoàn tục”, trở về quê sản xuất. Lê Thánh Tông còn ra lệnh cấm xây dựng thêm chùa quán mới, cấm tự tiện đúc chuông, tô tượng và bắt các địa phương ngăn cấm những thầy cúng, cô đồng, bà cốt mê hoặc, lừa dối nhân dân. Nhà nước chỉ hạn chế mặt mê tín của Phật giáo và Đạo giáo có hại cho sản xuất, có thể xâm phạm đến lễ giáo phong kiến, làm dao động nhân tâm, nhưng vẫn công nhận và duy trì Phật giáo và Đạo giáo, các vua nhà Lê sơ đã nhiều lần cho tu bổ các chùa bị hư hỏng, phái các triều thần đến cầu cúng, làm ma chay ở các chùa.
Như vậy, các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian trên đều phát triển trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc cao. Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài, đến thế kỷ XV, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã trưởng thành với nhận thức sâu sắc về “nước Đại Việt ta thực là một nước văn hiến”, “cõi bờ núi sông đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác”, “trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đều xưng đế một phương” (Bình Ngô đại cáo). Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc thấm đượm trong văn học đương thời và giữ vai trò chi phối đời sống tư tưởng của xã hội. Triều Lê sơ xây dựng chế độ quân chủ tập quyền theo mô hình Nho giáo, nâng Nho giáo lên vị trí thống trị nhưng trên tinh thần độc lập dân tộc, vận dụng nguyên lý Nho giáo theo yêu cầu xây dựng một quốc gia độc lập, thịnh vượng.
Có thể thấy, trong thời Lê sơ, cùng với vai trò chi phối của Nho giáo, các nghi lễ tế đàn Nam giao, đàn Xã Tắc, tế Khổng Tử ở Văn Miếu, tế Thái Miếu được coi trọng và quy định thành thể chế vào thời Lê Thánh Tông.
Đàn Nam Giao được sửa sang và mở rộng, gồm điện Chiêu Sự 3 gian 2 chái; hai bên có Đông vũ và Tây vũ, mỗi dãy 7 gian; điện Canh Y và Trai cung đều 1 gian 2 chái, nhà bếp 3 gian, phòng ăn chay 1 gian, kho tế khí 3 gian (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập II, tr.58). Ngày tế Giao, rước Hoàng đế ra điện làm lễ tế Trời Đất rất trọng thể. Di tích của đàn Nam Giao được xác định ở gần cửa Nam thành Đại La, tức cửa ô Cầu Dền, khoảng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo trước đây, nay nằm giữa các phố Mai Hắc Đế, Thái Phiên, Đoàn Trần Nghiệp, Bà triệu, thuộc quận Hai Bà Trưng. Năm 2007, khảo cổ học đã tiến hành khai quật và phát hiện dấu tích kiến trúc cùng các di vật thời Lý, Trần, Lê sơ đến Lê Trung hưng sau này.
Thời Lý, Đàn Xã Tắc được xây dựng ở ngoài cửa Trường Quảng (cửa ô Chợ Dừa hay Thịnh Quang). Nhà Lê sơ cũng tu sửa, gồm nền đàn, Nội nghi môn 3 gian, điện Canh Y 1 gian 2 chái, nhà Túc yết 5 gian 2 chái, kho Tế khí và nhà bếp đều 3 gian. Vị trí đàn Xã Tắc còn được lưu dấu qua các tên đất như phường Xã Đàn, ngõ Xã Đàn, chùa Xã Đàn, hồ Xã Đàn thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Năm 2006, khảo cổ học khai quật và đã tìm thấy di tích kiến trúc cùng nhiều di vật thời Lý, Trần, qua Lê sơ đến Lê Trung hưng. Đàn Xã Tắc để tế Thổ thần và Cốc thần, cầu mùa màng phong đăng.
Tại Văn Miếu có điện Đại Thành là nơi thờ Khổng Tử được suy tôn là Tiên thánh. Thái Miếu nhà Lê ở phía đông Cấm thành.
Ngoài ra, theo tín ngưỡng dân gian, năm 1435, vua Lê Nhân Tông còn dựng đàn tế thần Gió, Sấm, Mây, Mưa và lập đền thờ Đại thành hoàng ở kinh đô. Nhà Lê sơ vẫn duy trì lễ cày Tịch điền, và năm 1484 vua Lê Thánh Tông lập thêm đàn Tiên Nông ở xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàm, với những nghi lễ nêu cao vai trò của nghề nông. Đặc biệt, năm 1449, vua Lê Nhân Tông lập đàn tế Âm hồn để tế những vong hồn không ai thờ cúng, biểu thị tinh thần nhân văn mà Phan Huy Chú nhận xét là “lệ này có từ đầu nhà Lê, về sau vẫn làm theo không đổi, đó cũng là để giữ đạo trung hậu” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Lễ nghi chí, T. I, tr.376).
Có thể thấy, trong cung đình hàng năm có lễ sinh nhật của nhà vua được gọi chung là lễ Thánh thọ và mỗi vua đặt tên riêng. Vua Lê Thái Tổ gọi là Vạn thọ khánh tiết, vua Lê Thái Tông gọi là Kế thiên khánh tiết, vua Lê Nhân Tông gọi là Kế thiên khánh tiết, vua Lê Thánh Tông gọi là Sùng thiên khánh tiết. Lễ Minh thệ có từ thời Lý, Trần tổ chức hàng năm ở đền Đồng Cổ hay ở Long Trì trong Cấm thành được coi là lễ hội lớn ở kinh thành, nhưng sang đời Lê sơ thỉnh thoảng mới tiến hành. Vua Lê Thái Tông lấy ngày 15 tháng Giêng làm lễ Minh thệ. Nhà vua ngự ra Trường Đua chứng kiến trăm quan hội thề, giết ngựa trắng ăn thề.
Rõ ràng, thời Lê sơ trong các phường của kinh thành vẫn duy trì phổ biến các lễ chùa, lễ đền, lễ làng, trong đó có những lễ hội lớn như lễ Gióng ở đền Phù Đổng, lễ đền Hai Bà Trưng và lễ Vu lan (rằm tháng 7) theo truyền thống Phật giáo.
Phan Huy
Nhà xuất bản Hà Nội