Điện Kính Thiên: Biểu tượng trung tâm hành chính và quyền lực của Cấm thành Thăng Long xưa
Điện Kính Thiên được xây dựng vào năm 1428 đầu đời Lê, trên nền điện Thiên An thời Lý, Trần và điện Càn Nguyên thời Lý. Điện Kính Thiên được coi là một trong những tuyệt tác của kiến trúc An Nam. Theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, núi Nùng hay Long Đỗ (Rốn Rồng) là nơi hội tụ khí thiêng của non sông đất nước nên chính điện của vương triều được xây dựng ngay trên ngọn núi thiêng này. Vì thế các điện Càn Nguyên, Thiên An, Kính Thiên kế tiếp nhau đều được xây dựng trên đỉnh núi Nùng. Nền móng của toà điện và thêm rồng đến nay vẫn còn.
Năm 1802, nhà Nguyễn định đô ở Huế, vẫn giữ điện Kính Thiên nhưng chỉ đặt làm Hành cung để nhà vua nghỉ mỗi khi tuần du Bắc Thành. Năm 1815, các cột gỗ của điện Kính Thiên bị mục nát đã được dỡ xuống và xây dựng trên nền điện một kiến trúc mới là nhà Phan Vọng. Năm 1841, vua Thiệu Trị không chỉ coi đây là Hành cung cho vua mỗi khi tuần du mà còn sử dụng làm nơi cử hành đại lễ, cho xây dựng thêm một số công trình và đổi gọi là điện Long Thiên. Năm 1886, điện Long Thiên bị quân Pháp phá huỷ để xây dựng Sở chỉ huy pháo binh.
Phần quan trọng nhất của điện Kính Thiên còn tồn tại cho đến nay là nền điện và bậc thềm bằng đá đi lên điện có lan can chạm đôi rồng (thềm rồng). Thềm rồng phía trước điện được xây năm 1467, có 9 bậc bằng đá, mỗi bậc cao 20cm, rộng 40cm và dài 13,6 m. Từ đầu rồng ở bậc thềm thấp nhất đến chân tường có bậc thềm cao nhất dài 5,45m. Thềm chia thành 3 lối lên xuống đều nhau bằng đôi rồng đá nguyên khối, được tạo tác đẹp và trau chuốt. Đầu rồng ở bậc thấp nhất được tạc rất lớn, thân uốn khúc nhịp nhàng chạy dài theo bậc lên xuống, râu, tóc và vây kết thành hình đao bay trên lưng. Mỗi chân rồng đều có 5 móng, biểu tượng cho quyền lực đế vương.
Thềm rồng phía sau nền điện được tạo tác khoảng đầu thế kỷ XVII với quy mô nhỏ hơn so với thềm rồng phía trước, chỉ có một lối lên xuống với 7 bậc. Đôi rồng này dài 3, 4m và cũng được tạo tác rất tỉ mỉ, miệng ngậm ngọc và chân cũng có 5 móng như đôi rồng phía trước.
Điện Kính Thiên là trung tâm quyền lực, đồng thời cũng là trung tâm của Hoàng thành. Nhiều cung điện khác trong khuôn viên Cấm thành vẫn để lại dấu vết tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Văn Tín
Nhà xuất bản Hà Nội