Kỳ Đài - Cột cờ Hà Nội: Một trong những di tích lịch sử trên mặt đất của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Thời gian xây dựng Kỳ Đài, hiện có hai ý kiến, một cho rằng Kỳ Đài được xây dựng năm 1805, hai là được xây dựng năm 1812. Theo Phan Thúc Trực: Quốc sử di biên, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn 1973, Tập thượng, trang 115, đoạn văn chép như sau: “Về việc xây đắp lại thành Thăng Long, mùa hè năm Giáp Tý (1804) khởi công, đến mùa thu năm Ất Sửu (1805) hoàn thành, nhà vua phái Quận công Nguyễn Văn Thành trông coi việc ấy. Phía trong thành làm Hoàng thành, lấy cửa Đoan Môn, điện Kính Thiên làm chuẩn đích. Ở phía trước thành Thăng Long, xây dựng một cột cờ được gọi là Điền Đài, cao 100 thước”. Từ năm 1824 quy định lễ kéo cờ thường dùng là Kỳ Đài. Trong sách Đại Nam thực lục năm 1812 không có ghi chép nào về việc xây dựng Cột Cờ. Một số sách nước ngoài chép Kỳ Dài xây năm 1812, nhưng không rõ xuất xứ.
Kỳ Đài gồm 3 tầng đế và một thân cột, cao 33,4m. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m, cao 3,1m, có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai, mỗi chiều dài 27m, cao 3,7m, có 4 cửa, cửa hướng Đông đắp hai chữ Nghênh Húc (Đón ánh sáng ban mai), cửa Tây có 2 chữ Hồi Quang (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với 2 chữ Hướng Minh (Hướng về ánh sáng), cửa Bắc không đề chữ. Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m, cao 5,1m, có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Kỳ Đài cao 18,2m, hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có 54 bậc cầu thang xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể Kỳ Đài được soi sáng và thông hơi bằng 39 hình lỗ rẻ quạt. Những lỗ này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có từ 5-6 lỗ. Đỉnh Kỳ Đài được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh. Giữa lầu là hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ làm huy hiệu vào những ngày đại lễ, ngày rằm và mùng một.
Ngày nay, Kỳ Đài là một trong 5 điểm di tích nằm trên trục chính tâm của di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Dù có nhiều công trình cao lớn hơn hiện diện bên cạnh, nhưng công trình Cột cờ Hà Nội vẫn rất hoành tráng, sừng sững chiếm một vị trí quan trọng trong lòng Hà Nội.
Văn Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội