Những di vật toả sáng nơi Hoàng thành Thăng Long xưa được phát lộ
Vì thế, ngay từ đầu thế kỷ XIX, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - người từng chứng kiến toà thành Thăng Long cuối cùng của thời Lê khi đứng trước toà thành mới thời Nguyễn đã không thể kìm lòng mà cảm thán rằng:
“Sông Lô, núi Tản trơ trơ…
Thăng Long dưới mắt, bạc phơ mái đầu
Dinh xưa, cung cũ còn đâu
Mà nay đường trước, thành sau khác rồi”
(Theo Trần Huy Liệu chủ biên, 2009: 579 – 581)
Chính vì vậy để tìm hiểu về kinh đô Thăng Long nói chung, Hoàng thành Thăng Long nói riêng qua các thời kỳ lịch sử đòi hỏi phải kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong nhiều chương trình nghiên cứu lớn và lâu dài mới hy vọng có thể tiếp cận được phần nào. Trong các nguồn tư liệu đó, nguồn tài liệu vô cùng quan trọng là tư liệu khảo cổ học. Các cuộc thảm sát, khai quật còn đang chỉnh lý, nghiên cứu nhưng bước đầu đã cho thấy giá trị to lớn một quần thể di tích kiến trúc khảo cổ học vô cùng phong phú, phức tạp của nhiều thời kỳ chồng xếp lên nhau, đan xen lẫn nhau từ thời Đại La đến Nguyễn, khẳng định tính thống nhất cao của khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm cả trục Trung tâm và khu vực di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Việc nghiên cứu khảo cổ học khu vực trục Trung tâm đã càng ngày càng làm rõ hơn giá trị cũng như tính chất trung tâm của di sản Hoàng thành Thăng Long.
Các di tích và di vật trong Hoàng cung Thăng Long qua các thời thật phong phú và đa dạng. Mỗi di tích, mỗi di vật khảo cổ đều là những thông điệp lịch sử - văn hoá có giá trị vô giá của cha ông gửi lại hôm nay và mai sau.
Nghiên cứu hệ thống các di tích kiến trúc hiện còn tại khu di tích (chủ yếu là móng, nền) có thể thấy được đặc điểm kiến trúc qua các thời kỳ như phương vị, hình dáng, quy mô, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng và các diễn biến kiến trúc, qua đó có thể hiểu được phần nào trình độ kinh tế - xã hội, trình độ văn hoá, văn minh Việt Nam thời xưa được thể hiện ở Thăng Long. Do vậy, nghiên cứu hệ thống di vật ta sẽ thấy được nhiều loại hình, chất liệu, hoa văn trang trí, kỹ thuật và phong cách thể hiện đời sống hoàng cung cũng như nhiều khía cạnh về kinh tế, xã hội, tính dân tộc trong giao lưu văn hoá của Việt Nam với các nền văn hoá trên thế giới.
Giá trị của di sản không chỉ hiện hữu ở những công trình kiến trúc trên mặt đất hay những di tích, di vật khảo cổ học đã phát lộ mà còn tiềm ẩn rất lớn trong lòng đất khu di sản. Bằng chứng là từ năm 2011 đến nay, với việc khai quật mở rộng theo khuyến nghị của Uỷ ban Di sản thế giới, tại khu vực Kính Thiên – Đoan Môn và Vườn Hồng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều dấu tích khảo cổ học độc đáo cùng hàng ngàn hiện vật gồm các loại gốm sứ gia dụng và vật liệu kiến trúc thuộc các thời kỳ khác nhau, từ thời Đại La, qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Trong các lớp văn hoá đó, bước đầu xác định các di tích kiến trúc, các di vật chồng xếp lên nhau tương tự Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Điều đó nói lên tính thống nhất cao của toàn bộ khu di sản.
Những phát hiện mới của khảo cổ học trong những năm gần đây tại di sản Hoàng thành Thăng Long càng khẳng định những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản đã được UNESCO vinh danh: chiều dài lịch sử, di tích di vật phong phú đa dạng và sự tiếp nối lâu dài, liên tục của trung tâm quyền lực quốc gia, cho đến tận hôm nay và mai sau. Đó là sự tinh tế, phong phú, đa dạng của các phù điêu trang trí trên mái, kiến trúc, là những hiện vật gốm sứ tinh xảo, đồ ngự dụng của hoàng cung xưa. Sự tài hoa và tinh hoa văn hoá của người xưa thể hiện ở từng kiểu dáng, từng mô típ trang trí, ở sự trang trí, ở sự đa dạng phong phú của các hiện vật được tìm thấy. Hơn hết là bề dày lịch sử của Thăng Long – Hà Nội được minh chứng rõ nét qua các dấu tích kiến trúc trong tầng văn hoá qua các thời kỳ chồng xếp lên nhau, trải dài suốt 13 thế kỷ.
Bạn đọc có thể chiêm ngưỡng những di vật toả sáng của Hoàng thành Thăng Long xưa qua cuốn sách ảnh “Di vật tiêu biểu Hoàng thành Thăng Long 2002-2013” do Trung tâm Bảo tồn Khu di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Nhà xuất bản Hà Nội biên soạn, xuất bản năm 2014. Cuốn sách là tập hợp những tư liệu, hình ảnh di vật tiêu biểu tìm thấy trong lòng đất khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua: những phát lộ tại khu di tích 18 Hoàng Diệu trước đây và những kết quả khai quật gần đây.
Minh Khánh
Nhà xuất bản Hà Nội