Bí thư Thành uỷ Hà Nội lâm thời (17/3/1930 – 5/1930): Đỗ Ngọc Du
Vốn thông minh, chăm chỉ, năm 15 tuổi khi học hết tiểu học đồng chí thi đậu vào trường trung học Bưởi, do người Pháp thành lập năm 1909. Đây là trường tú tài bản xứ, chuyên dành cho người Đông Dương. Cùng học ở trường Bưởi hồi ấy có nhiều học sinh giàu lòng yêu nước như các đồng chí: Ngô Gia Tự (Ngô Sĩ Quyết), Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu (Lê Đình)… Đồng chí Đỗ Ngọc Du đã cùng các đồng chí đó tham gia cuộc vận động phản đối tên hiệu trưởng Lam-béc-giê vì mỗi lần lên lớp học giảng giải thường giở giọng điệu khinh miệt học sinh “bản xứ”. Cũng vào giai đoạn đó, phong trào cách mạng ở Hà Nội bắt đầu bước vào một thời kỳ mới. Nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài được đưa về Hà Nội đã kích thích mạnh mẽ ý thức yêu nước, chí nhiệt thành của lớp thanh niên học sinh trí thức, trong đó có đồng chí Đỗ Ngọc Du. Bất chấp sự theo dõi, khủng bố đàn áp của thực dân Pháp, chịu ảnh hưởng của sách báo tiến bộ, đồng chí đã được giác ngộ, tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng.
Ở trường Bưởi, đồng chí Đỗ Ngọc Du và các bạn vận động học sinh bãi khoá. Bị nghi là người cầm đầu đồng chí đã bị đốc học đuổi khỏi trường. Khi được biết ở Quảng Châu hiện đang có tổ chức cách mạng yêu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tổ chức và lãnh đạo, nhiều thanh niên yêu nước đã tìm con đường xuất dương đến Quảng Châu để tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và các lớp huấn luyện ngắn ngày do Tổng hội tổ chức. Khoảng tháng 10/1926, đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng với các đồng chí Nguyễn Danh Đới, Phạm Văn Đồng được đồng chí Nguyễn Công Thu dẫn đường đi Quảng Châu học lớp huấn luyện chính trị khoá II. Qua các buổi học tập, đồng chí Đỗ Ngọc Du thấu suốt lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau một thời gian học tập, đồng chí Đỗ Ngọc Du được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Năm 1928, phong trào công nhân cả nước, đặc biệt là ở miền Bắc và Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Thực tế đòi hỏi Kỳ bộ thanh niên Bắc kỳ phải có sự chỉ đạo sát sao hơn và đi đến những quyết định quan trọng. Ngày 18/9/1928, tại một địa điểm ở ngõ Tràng An, gần chợ Hôm, sau chuyển về nhà đồng chí Ngô Gia Tự ở làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh đại hội Kỳ bộ thanh niên Bắc kỳ lần thứ nhất đã họp. Sau Đại hội, đồng chí Đỗ Ngọc Du được bầu vào Ban chấp hành kỳ bộ Bắc kỳ trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Nhưng bọn mật thám đã chú ý theo dõi hoạt động của đồng chí Đỗ Ngọc Du. Trước tình hình đó, Kỳ bộ quy định điều đồng chí về công tác tại Kỳ bộ Bắc kỳ phụ tách giao thông và tài chính.
Năm 1928, nhiều tác phẩm kinh điển của Mác – Lênin cùng bản Luận cương và Nghị quyết của Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VI và nhiều tư liệu quốc tế đã đến với những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ. Đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí trong Kỳ bộ thường xuyên trao đổi, thảo luận về vai trò, khả năng lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam và được một số anh chị em đi “Vô sản hoá” ở các hầm mỏ, nhà máy báo cáo về xu hướng cộng sản đang lan rộng trong công nhân, về tình hình đấu tranh của công nhân cả nước với số liệu thống kê cụ thể về các cuộc đình công, bãi công… Qua đó đồng chí Đỗ Ngọc Du và các đồng chí của anh đã thấy rõ sự hạn chế của Việt Nam cách mạng thanh niên trước yêu cầu mới của cách mạng.
Để thành lập Đảng, trước hết cần tổ chức chi bộ cộng sản. Tháng 3/1929, các đồng chí tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật đến nhà số 5D Hàm Long – Hà Nội, họp tuyên bố thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên, trong đó có đồng chí Đỗ Ngọc Du.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ họp ngày 18-29/3/1929, đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng một số đồng chí khác soạn thảo các văn kiện chủ yếu để chuẩn bị thành lập Đảng. Ngày 17/6/1929, trước yêu cầu cách mạng đang lên cao, cần phải có Đảng lãnh đạo, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, các đồng chí cách mạng trung kiên trong chi bộ 5D Hàm Long đứng ra triệu tập một Hội nghị, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị xem xét tình hình phong trào cách mạng ở trong nước và bàn những vấn đề mà chi bộ 5D Hàm Long nêu ra. Hội nghị thảo luận thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng.
Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng cử ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí Đỗ Ngọc Du được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được Trung ương phân công phụ trách giao thông, tài chính Xứ uỷ Bắc kỳ.
Ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được tổ chức gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du giữ chức Bí thư Xứ uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc kỳ kiêm Bí thư Thành bộ Hà Nội.
Ở cương vị mới, với số lượng đảng viên còn ít, đồng chí Đỗ Ngọc Du đã cùng Tỉnh bộ Hà Nội đẩy mạnh công tác vận động quần chúng. Nhiều xí nghiệp, nhà máy ở Hà Nội đã có tổ chức “công hội đỏ” hoặc chuyển từ công hội thành “công hội đỏ”. Cùng với việc tăng cường công tác vận động công nhân, công tác vận động nông dân cũng được đẩy mạnh. Các làng xã như Ngọc Hà, Bưởi, Mọc, Khương Thượng, Vân Canh… đã có tổ chức nông hội đỏ.
Tỉnh bộ còn chú ý vận động các tầng lớp nhân dân. Nhiều tổ học sinh được thành lập ở các trường: Cao đẳng Thương mại, Cao đẳng Sư phạm, Bách nghệ, các trường phổ thông: Yên Thành, Đỗ Hữu Vị, Trần Nhật Duật, Mạc Đĩnh Chi… Ngoài ra còn có các tổ viên chức ở nhà ga Hàng Cỏ, Phủ toàn quyền, nha Tổng giám đốc Tài chính Đông Dương…
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Sau sự kiện vĩ đại trên, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Nội được thành lập gồm 3 đồng chí do đồng chí Đỗ Ngọc Du làm Bí thư.
Cuối tháng 3/1930 cũng tại số nhà 42 Hàng Thiếc – Hà Nội, vừa là nơi ở của đồng chí Đỗ Ngọc Du cũng là trụ sở của Xứ uỷ Bắc kỳ và Đảng bộ Hà Nội, các đồng chí Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc đã họp nghe hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu (đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng) đi dự Hội nghị “hợp nhất” báo cáo kết quả Hội nghị, bàn kế hoạch thực hiện ở các cấp.
Cuối tháng 4/1930, cơ quan tài chính ở 22 Bi-sô bị mật thám đến khám xét, tịch thu và niêm phong. Địch truy nã ráo riết đồng chí Đỗ Ngọc Du, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cử đồng chí Đỗ Ngọc Du đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Hoạt động ở nước ngoài nhưng đồng chí cùng với các đồng chí khác vẫn bị địch theo dõi. Tháng 6/1931 đồng chí Đỗ Ngọc Du bị địch bắt trong khi đang tuyên truyền cách mạng cho binh lính ở vườn hoa Hồng Khẩu (Thượng Hải). Bị tra tấn dã man nhưng trước sau như một các đồng chí vẫn giữ vững phẩm chất cao quý của người cộng sản, không hề khai báo một lời.
Giữa tháng 7/1931, địch giải đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Đỗ Ngọc Du từ Thượng Hải vể Sài Gòn. Cuối năm 1931, địch đưa đồng chí Đỗ Ngọc Du ra xét xử ở toà án tỉnh Hải Dương. Dưới sự tra tấn dã man và tàn bạo của địch đồng chí vẫn kiên cường giữ bí mật. Hội đồng đề hình, một loại toà án đặc biệt của thực dân Pháp, tại phiên xử từ ngày 15-17/11/1931 đã kết án đồng chí khổ sai chung thân. Năm 1932 đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La với số tù T 5268. Đế quốc Pháp đưa tù lên nhà tù Sơn La là một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất của đế quốc Pháp để tù nhân “chết dần chết mòn”, nhưng vấp phải ý chí cách mạng kiên cường của những chiến sĩ cộng sản, địch đã không thực hiện được ý đồ tàn ác đó. Tháng 12/1933 đồng chí lại bị đày ra Côn Đảo với số tù 6064 T.F.P.
Tại Côn Đảo, đồng chí Đỗ Ngọc Du được sinh hoạt trong chi bộ đặc biệt do đồng chí Nguyễn Hới (Đan) làm Bí thư. Đồng chí hăng hái hoạt động góp phần tuyên truyền giáo dục, vận động anh em đấu tranh chống chế độ hà khắc của lao tù. Trước sức đấu tranh của những người tù Côn Đảo, phong trào đấu tranh của quần chúng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ; áp lực dư luận của nhân dân Pháp cũng như trên thế giới, đế quốc Pháp buộc phải “ân xá” tù chính trị, đồng chí Đỗ Ngọc Du được trả tự do cùng nhiều đồng chí khác.
Về đến Hà Nội, tuy bị địch quản thúc, song đồng chí vẫn liên lạc với Đảng góp phần vào việc viết và phát hành sách báo của Đảng. Bị tra tấn đánh đập trong nhà tù, sức khoẻ của đồng chí giảm sút rất nhiều, cộng thêm bệnh lao phổi ngày càng trầm trọng, đồng chí đã qua đời ngày 12/1/1938 tại phố Châu Long, Hà Nội.
Nguyệt Thanh
Nhà xuất bản Hà Nội