Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 15/01/2016 04:33
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Một trong những người thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước

Chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Hà Nội với dáng vẻ dong dỏng cao, mặt trái xoan, da trắng, đầu đội khăn xếp, tính tình trầm tĩnh, ít nói, làm việc nhiều đó là Nguyễn Văn Sắc (khi hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Thanh Sắc, Nguyễn Phong Sắc, tức Thịnh).

 
Nguyễn Phong Sắc sinh ngày 1/2/1902 tại làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Ô Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi có truyền thống yêu nước chống thực dân Pháp. Cha của đồng chí là ông Nguyễn Đình Phúc (tức Trưởng Nhàn) hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bị giặc Pháp bắt giam đày đi Côn Đảo.
 
Vốn thông minh và chăm chỉ, học hết bậc tiểu học, đồng chí thi vào trường Bưởi và đã tốt nghiệp loại xuất sắc năm học 1924-1925. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phong Sắc xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương. Tại đây đồng chí được phân công làm ở phòng 4 – phòng chuyên làm kế toán ngân sách Đông Dương. Là người tính toán nhanh, chính xác lại thông thạo tiếng Pháp, chẳng bao lâu, Nguyễn Phong Sắc đã trở thành một nhân vật nổi tiếng của Sở Tài chính, sau đó Nguyễn Phong Sắc được đề bạt làm tham biện. Tiếng tăm của anh làm cho tên Pê-rôn-sơ, Phó giám đốc Sở phải ký quyết định trả lương cho anh mỗi tháng 100 đồng Đông Dương. Với số tiền này, anh có thể nuôi sống cả gia đình với nhiều miệng ăn. Ngoài thời gian công tác, Nguyễn Phong Sắc còn dạy các em và các con hàng xóm học tập.
 
Nhận rõ bộ mặt thật nham hiểm của bọn thực dân Pháp, với tinh thần dân tộc, lại được thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, Nguyễn Phong Sắc không muốn kéo dài việc làm thuê cho Pháp. Nhân một hôm tên sếp người Pháp không vừa ý trước cử chỉ của một nữ nhân viên phục vụ người Việt, y mắng chị là “đồ con lợn”, Nguyễn Phong Sắc lắng nghe chuyện này, rất giận liền đến gặp tên sếp phản đối lời nói thô tục của y. Tên sếp cậy thế mắng lại anh, hắn còn đe doạ sẽ đánh anh nếu anh cãi lại. Cũng vì việc này mà anh đã viết đơn xin thôi việc. Hành động của Nguyễn Phong Sắc làm xôn xao dư luận và được bạn bè kính phục. Tự hào về văn hoá dân tộc, anh đã dứt khoát từ bỏ chức vụ cao, lương bổng hậu của đế quốc.
 
Khi rời Sở Tài chính, Nguyễn Phong Sắc đã đi nhiều nơi để tìm những người bạn tâm huyết có chí hướng như mình… Sau một thời gian, anh trở về Hà Nội, được tiếp xúc với các bạn trí thức yêu nước và bí mật đọc các sách báo cách mạng (Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Le Paria…) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết bằng chữ Pháp. Hướng theo ngôi sao Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, Nguyễn Phong Sắc cùng các bạn đồng tâm, bắt đầu nhìn thấy ánh bình minh của dân tộc đang toả sáng trên bầu trời Việt Nam.
 
Cuối năm 1926, đồng chí Lý Thuỵ - một trong những bí danh của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc hoạt động ở Quảng Châu, cử một cán bộ vừa được đào tạo về nước để tổ chức cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Phong Sắc đã bắt liên lạc được với tổ chức này. Sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng chí là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng, là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng và xây dựng các chi bộ của tổ chức “thanh niên” ở Hà Nội. Trên cơ sở phát triển mạnh của tổ chức này, tháng 3/1927, Kỳ bộ “Thanh niên” Bắc kỳ được thành lập và đặt cơ quan lãnh đạo ngay tại Hà Nội để đẩy mạnh việc tuyên truyền và phát triển tổ chức “Thanh niên” ra các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…
 
Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội cũng được thành lập gồm ba đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Phạm vi hoạt động của Tỉnh bộ “Thanh niên” Hà Nội lúc ấy gồm các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Phú Thọ và huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội). Cùng với các đồng chí Tỉnh bộ đồng chí Nguyễn Phong Sắc hăng hái đi tuyên truyền giác ngộ anh chị em công nhân, nông dân, học sinh… và vận động họ gia nhập tổ chức “Thanh niên”. Sự trưởng thành nhanh chóng và vững mạnh của tổ chức “Thanh niên” ở Hà Nội có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển tổ chức “Thanh niên” ở một số tỉnh thuộc Bắc kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những chiến sĩ tiên phong tham gia truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối của lãnh tụ Nguyễn Ái Quóc nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của phong kiến, đế quốc.
 
Sau khi Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban chấp hành Trung ương họp vào tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã đổi tên Đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương và thông qua Luận cương chính trị, bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đang làm Bí thư phân cục Trung ương ở Trung kỳ, trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh, nên không đi dự được. Nhưng Hội nghị vẫn tín nhiệm đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đã cử đồng chí làm Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương chính thức của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc bám sát phong trào, hoà mình trong quần chúng, được quần chúng rất thương yêu, đùm bọc và bảo vệ. Là người lãnh đạo kiên cường và có uy tín, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng và Xứ uỷ Trung kỳ phát động cao trào cách mạng 1930 – 1931, đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, được Quốc tế cộng sản và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao. Là linh hồn của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc thể hiện rõ bản lĩnh của người lãnh đạo kiên cường, bất khuất, hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, tin tưởng sắt đá vào tương lai rực rỡ của cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng và lý tưởng cộng sản.
 
Lòng trung thành với Đảng, ý thức trách nhiệm, tận tuỵ trong mọi công tác, tinh thần chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hy sinh vì cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta học tập.
 
Xuân Hằng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)