Thành Cổ Loa trong văn học hữu danh
Nói đến thơ ca thì Cổ Loa đích thực là một nguồn cảm hứng dài lâu. Văn học dân gian nói về dải đất và con người vùng Cổ Loa từ lâu đã được sưu tầm thu thập. Ca dao và vè thì được in trong sách Ca dao ngạn ngữ Hà Nội do Hội văn nghệ Hà Nội xuất bản. Truyền thuyết, truyện cổ thì in trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi. Đặc biệt trong sách Địa chí Cổ Loa của nhóm tác giả N.Q. Ngọc in năm 2006 riêng về hát ống (tức hát đúm) có tới vài chục trang toàn là lời ca lục bát. Rồi phần chuyện kể thì nào là Nguồn gốc Thục Phán, Thục Phán chọn đất đóng đô, Nguồn gốc làng Quậy, Thục Phán xây thành và Rùa Vàng, Thần Bạch Kê, Cao Lỗ, Mỵ Châu, Giếng Ngọc, Các quan trấn cửa thành, Xây đình Cổ Loa, Truyền thuyết về các đầm, hồ, gò bãi… có tới dăm bảy chục trang nữa. Tất cả đều là mới bắt đầu sưu tầm. Riêng mảng văn chương hữu danh thì chưa có sưu tập nào. Văn chương hữu danh là những tác phẩm có tên tác giả, dù ít dù nhiều cũng mang tính bác học sâu xa không thua kém mảng văn học dân gian với ca dao tục ngữ, truyện cổ là những sáng tạo mà tác giả không để lại tên tuổi thành ra dân gian. Ở đề tài văn học Cổ Loa, từ lâu đã được nhiều nhà văn, nhà thơ quan tâm và có nhiều tác phẩm đặc sắc, nhất là về tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy. Bắt đầu từ tác giả Đặng Minh Khiêm - tác giả vịnh sử hàng đầu, ông có tập thơ Thoát hiên vịnh sử thi tập với bài Vịnh An Dương Vương chú trọng tới bản lĩnh người đứng đầu:
Nhọc lòng xây thành Tư Long hàng trăm vĩ
Khoan hãy khoe nỏ thần khuất phục được mọi người
Là đấng quân vương mà mê muội không lường mưu địch
Còn trách gì phận nữ nhi phải cân nhắc việc nước non.
Tác giả còn có bài thơ vịnh Mỵ Châu, ông chỉ trách là ngây dại, không đọc ra âm mưu nham hiểm của gã chồng Tàu, lại nhẹ dạ nối giáo cho giặc (thả lông ngỗng làm tín hiệu cho địch đuổi theo):
Chư nhận ra được (âm mưu) đổi móng rùa ở nỏ thần
Lại còn thả lông ngỗng chỉ dẫn đường thì thật là ngây dại
Cái giếng rửa ngọc còn mãi nghìn năm
Nhưng không sao rửa hết được vết nhơ.
Đó là ý tứ của Đặng Minh Khiêm thế kỷ XV. Đến thế kỷ XIX, vua Tự Đức cũng có một bài về Mỵ Châu cảm thông với sự khờ dại của nàng:
Móng rùa lẫy đỏ đã ngầm đổi
Chăn gấm lông ngỗng vẫn (cứ) gọi giặc tới
Nguyện làm châu ngọc để tỏ lòng trung tín
(Vậy nên) Nước giếng còn giúp rửa sáng châu ngọc.
Đồng thời với vua Tự Đức là Nguyễn Văn Siêu, ông soạn nhiều sách: văn, thơ, sử, địa, chính luận… Trong sách Phương Đình mạn hứng của ông có bài thơ ngũ ngôn nhan đề Quan An Dương Vương miếu tại Cổ Loa tỏ vẻ ngờ vực về sự tồn tại của nhà Thục và nguồn gốc của Loa thành:
Cung cũ đóng đầu sông
Lũy xưa quanh ruột ốc
Làm sao đất quận Giao
Lại có thành vua Thục?
Bách Việt, Tần quen gọi
Phong Khê, Hán đặt ra
Sử theo lời trích quái
Ai tỏ sự sai ngoa.
Cùng thời với Nguyễn Siêu cũng có tác giả kể tới chuyện thành Loa và cuộc hôn nhân Mỵ Châu - Trọng Thủy trong Đại Nam quốc sử diễn ca, sách này do hai ông Lê Ngô Cát người làng Hương Lang, huyện Chương Mỹ sáng tác và ông Phạm Đình Toái sửa chữa. Hai ông đã để lại 68 câu lục bát kể về triều đại Thục Vương với nội dung xây thành, thần Kim Quy giúp chống Triệu Đà rồi chấp nhận thông gia… và tình sử Mỵ Châu.
Đến khi quân Pháp xâm lược và đặt được ách đô hộ thì văn chương về Cổ Loa có khác. Trong đền, trên gác ghi môn có một đôi câu đối của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1895) ở làng Cói - Du Lâm đề cao uy linh của vua Thục với truyền thống đánh giặc:
Ngài lên xuống ở chỗ chín tầng thiêng, khi vào tới cửa (đền) còn tường tới kiếm báu trong cung thần./Hưng vong để lại hận nghìn năm, qua cõi đất này chỉ thấy quạ kêu trên cành cổ thụ.
Nói về thiên bi tình sử Mỵ Châu, tác giả cũng có một đôi câu đối:
Trải suốt nghìn năm, là phải hay trái ai biện bạch được, lẫy nỏ móng rùa còn truyền ở ngoại sử./ Trong đạo ngũ luân, nghĩa cha tình chồng đằng nào sâu hơn, ngọc trai nước giếng một mối tình thâm.
Cũng trong tâm trạng đó là nhà thơ tài hoa Chu Mạnh Trinh (1862-1905) quê làng Phú Thị, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Cảm thông với Mỵ Châu là nạn nhân của chính cái nghĩa cha con sâu nặng và cái tình vợ chồng thủy chung.
Sang thế hệ các nhà thơ viết bằng chữ quốc ngữ, đề tài Loa Thành và Mỵ Châu vẫn là nỗi ám ảnh. Thi sĩ Tản Đà (1889-1939), vào năm 1915 có viết bài thơ nhan đề: “Mỵ Châu - Trọng Thủy” trong tập Khối tình con - quyển I. Thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983) nổi tiếng với bài thơ “Chơi thành Cổ Loa” in trong tập Duyên nợ phù sinh vào năm 1928:
Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa
Trải bao gió táp với mưa sa
Nỏ thiêng hờ hững dây oan buộc
Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha
Cây cỏ vẫn cười ai bạc mệnh
Cung đình chưa sạch bụi phồn hoa
Hưng vong biết chửa người thiên cổ
Tiếng cuốc năm canh bóng nguyệt tà.
Văn học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX một mặt khẳng định uy linh của vua Thục, truyền thống chiến đấu của dân tộc, đồng thời cũng có ý trách cứ vua Thục nhẹ dạ, mất cảnh giác, một mặt - mà đây là mặt chính - nói lên sự thông cảm vô hạn đối với nàng công chúa tội nghiệp đáng thương mà sang thế kỷ XX thi sĩ Tố Hữu vẫn than rằng: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biến sâu”.
Tựu chung, mảng văn chương gắn với Loa Thành vừa dẫn ở trên chủ yếu vẫn nằm trong mô hình tư duy nghệ thuật cổ điển. Nhưng ở đây cảm xúc đều rất thật cho nên dù là thơ văn chữ Hán hay thơ văn chữ quốc ngữ, tất cả đều khiến người đọc chấp nhận, đặc biệt là về nghệ thuật thì thực sự cuốn hút.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội