Hương ước góp phần giữ gìn phong tục Hà Nội xưa
Phần lớn các văn bản hương ước được viết bằng chữ Hán, một số bằng chữ Nôm. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền địa phương buộc các làng phải viết hương ước bằng chữ quốc ngữ, bắt đầu từ sau cuộc cải tổ bộ máy hành chính làng xã, gọi là cải lương hương ước chính vào năm 1921.
Trong sưu tập hương ước bằng chữ Hán và Nôm, đa số các văn bản hiện còn giữ được là có niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX. Một số ít là có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI, XVII, XVIII). Văn bản hương ước sớm nhất còn giữ được ở vùng đất Hà Nội cũ là của làng Tương Trúc (nay thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) soạn năm Long Đức thứ hai (1630), rồi tới văn bản của làng Dương Liễu (1666). Thực ra tất cả các văn bản hương ước thường định sửa đổi bổ sung để hợp với thực tế từng thời điểm. Ví như hương ước Tương Trúc được bổ sung vào các năm 1687, 1719, 1741, 1771… Bản hương ước Dương Liễu cũng từng được bổ sung vào các năm 1668, 1670, 1691, 1739, 1749, 1754, 1760, 1800…
Vì do từng làng soạn thảo trên cơ sở những đặc điểm riêng của địa phương mình nên nội dung và số điều khoản trong hương ước của mỗi làng thường khác nhau. Trần Từ trong sách Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ đã nhận xét: “Làng nào có hương ước nấy và hương ước của từng làng thường gồm trong nội dung cụ thể của nó những chi tiết mà làng khác không có. Hơn thế nữa, mỗi hương ước lại có thể mang một hợp thể riêng, nghĩa là có thể đề cập đến một số vấn đề hay khía cạnh mà hương ước các làng bên cạnh không đả động đến”.
Nói chung các hương ước đều xoay quanh những quy định về cơ cấu tổ chức làng xã; các quan hệ xã hội; cách xử lý đối với công điền công thổ; an ninh trật tự; tục lệ cưới xin, ma chay; các nghĩa vụ thuế má, phu phen, binh dịch đối với nhà nước cùng với những điều khoản về khen thưởng trừng phạt.
Như đã nêu ở trên, các hương ước gồm các điều khoản về nhiều mặt: thiết chế tổ chức làng xã, thứ bậc các quan viên dân hạng, an ninh xóm làng, đời sống tâm linh, nghi thức thờ cúng, lễ lạt, các nghĩa vụ với chính quyền, khen thưởng và xử phạt...
Tóm lại, hương ước là bộ luật khung của từng làng, được mỗi làng tự soạn ra để xác định nhiệm vụ công dân, để điều hòa các mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa cá nhân và cộng đồng và để thể hiện lệ làng trong khuôn khổ phép nước, tức là có ảnh hưởng không nhỏ đến phong tục.
Thu Linh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội