Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ chỉ đạo phong trào cách mạng Hà Nội
Thực hiện Nghị quyết trên, mùa hè năm 1938 đồng chí Hoàng Văn Thụ với tư cách là thành viên ban lãnh đạo Xứ uỷ Bắc kỳ cùng một đồng chí nữa được cử giúp việc để xây dựng cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận thuộc đồng bằng Bắc bộ. Đến Hà Nội, hai đồng chí bắt mối liên lạc với các sở trong nội thành. Lúc đầu ở hiệu đối trướng Tùng Lâm 11 phố Hàng Giấy, sau đó bắt mối vào cơ quan toà soạn báo Tin tức ở số nhà 102 phố Hăng –ri-oóc lê-ăng (nay là phố Phùng Hưng), cơ quan tuyên truyền vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương. Tiếp đó, các đồng chí được giới thiệu đến một cơ sở mới – nhà ông Nguyễn Bá Song, thợ cắt tóc ở số 1 phố Hàng Mành. Tại đây đồng chí Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Tôn và giữ chân kéo quạt cho cửa hàng để dễ dàng hoạt động.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ở Hà Nội, các tổ chức hợp pháp, nửa hợp pháp do Đảng tổ chức hoạt động đều bị cấm. Trước tình hình đó, ngày 29/9/1939, Trung ương Đảng gửi Thông cáo cho các cấp bộ Đảng rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Với tác phong sâu sát, nắm rõ vị trí quan trọng của địa bàn đô thị, đồng chí lại trở về xây dựng cơ sở trong nội thành, đóng vai một học sinh trọ học ở một cơ sở nhà số 38 phố Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân). Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị Xứ uỷ cho xuất bản báo Giải phóng. Đồng chí trực tiếp phụ trách, viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương cách mạng của Đảng về việc vận động thành lập “Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế”. Thời gian đồng chí phụ trách báo Giải phóng do gần gũi giác ngộ được nhiều quần chúng che chở và giúp đỡ. Những quần chúng giúp toà soạn như anh Lý, anh Khanh (làng Vạn Phúc), anh Dương Quảng Bàn, bà Đồ Hoan (làng La Cả)… đã góp phần bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho toà soạn báo thực hiện được nhiệm vụ tuyên truyền trong những ngày kẻ thù khủng bố phong trào.
Cuối năm 1939, do sự khủng bố của địch và sự phá hoại của các phần tử Tờ-rốt-kít, nhiều cơ sở Đảng gặp khó khăn trở ngại trong việc tổ chức hoạt động. Đảng bộ Hà Nội gặp phải tổn thất lớn. Với cương vị là Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nhiều lần liên hệ với Thành uỷ Hà Nội và trực tiếp củng cố lại tổ chức Thành uỷ sau nhiều lần bị vỡ, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng của Hà Nội theo sát xu thế tiến triển chung của cả nước.
Đầu năm 1940, Xứ uỷ Bắc kỳ họp tại làng Vạn Phúc - Hà Đông. Tại Hội nghị này đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu lại làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp phổ biến Nghị quyết lần thứ 6 của Trung ương cho Đảng bộ Hà Nội, nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương là giải phóng dân tộc, quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Trước tình hình cách mạng cả nước đang có những chuyển biến mới, tháng 11/1940 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VII được triệu tập tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Để kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng sau thời kỳ khủng bố trắng của thực dân Pháp, Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ vinh dự được Trung ương phân công phụ trách một nhóm gồm 3 người đi Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc gặp mặt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xin chỉ thị về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ VIII.
Để đối phó với tình hình thực dân Pháp khủng bố ác liệt phong trào cách mạng của nhân dân ta, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII họp từ ngày 10 đến 19 tháng 5/1941 tại Pắc Bó (Cao Bằng), dưới sự chủ toạ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tại Hội nghị lịch sử này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Trong những năm 1941 - 1943, với cương vị là Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã ra sức xây dựng và phát triển phong trào Việt Minh, củng cổ giữ vững cơ sở Đảng và phong trào quần chúng.
Tháng 6/1942 Thành uỷ Hà Nội lại bị vỡ. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp liên lạc với đồng chí Lê Đình Thiệp (bí danh là Mộc), Thành uỷ viên Thành uỷ Hà Nội để xây dựng lại tổ chức, bồi dưỡng đào tạo cán bộ cho Hà Nội. Cùng nhiều đồng chí trong Thường vụ Trung ương đồng chí đã dầy công suy nghĩ, chỉ đạo và xây dựng thành công an toàn khu ở các huyện ngoại thành và các tỉnh phụ cận bao quanh Hà Nội là bàn đạp vững chắc thúc đẩy phong trào cách mạng trong nội thành, ngoại thành.
Nhận thức rõ vị trí của công tác vận động công nhân ở địa bàn đô thị, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng Xứ uỷ đã kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm công tác vận động công nhân thời kỳ trước để vận dụng trong điều kiện mới bằng cách bám sát các quyền lợi thiết thân của quần chúng, vận động tập dượt quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao.
Với khả năng bình tĩnh nhạy cảm, khôn khéo, biết thuyết phục và cảm hoá con người, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ uỷ phân công đặc trách công tác binh vận. Nhận nhiệm vụ này, đồng chí bất chấp mọi nguy hiểm thường lui tới các trạm, trại gặp gỡ anh em binh lính lầm đường lạc lối giác ngộ quay trở về với nhân dân, với cách mạng. Tối ngày 25/8/1943 đồng chí bị địch bắt trong khi đến một cơ sở địch vận ở ngõ Năm Diệm thuộc khu Tám Mái do bị phản bội.
Bắt được đồng chí, kẻ thù vui mừng tưởng sẽ moi được nhiều điều quan trọng nhưng chúng đã lầm. Những ngày bị giam trong tù đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu tấm gương sáng của một người cộng sản kiên trung một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Gương chiến đấu kiên trung và câu nói đanh thép của đồng chí trước phiên toà đại hình của thực dân Pháp ngày 27/12/1943 ở Hà Nội: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng” và những lời hô cuối cùng của đồng chí ở trường bắn Tương Mai sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim đồng bào, đồng chí chúng ta mỗi khi ôn lại những tấm gương liệt sĩ đã quên mình hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Xuân Hằng
Nhà xuất bản Hà Nội