Trần Quốc Hoàn và những đóng góp trong phong trào cách mạng ở Hà Nội
Năm 1937, đồng chí Lương Khánh Thiện Thường vụ Xứ uỷ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, chỉ thị đồng chí Trần Quốc Hoàn rút vào hoạt động bí mật với bí danh là “Ba”. Anh Ba chuyển về làm việc ở nhà in IDEO, cư trú ở bãi Nghĩa Dũng. Lúc đó, đồng chí là Uỷ viên Thường vụ, Phó Bí thư Thành uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương thành phố Hà Nội những năm 1938-1939, người lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân nhà in IDEO đòi tăng lương, chống đánh đập, cúp phạt, sa thải thợ; người tổ chức các hội ái hữu, hội hiếu hỷ, đội bóng đá… để tập hợp, giáo dục, giác ngộ quần chúng, lựa chọn, bồi dưỡng những công nhân ưu tú cho Đảng.
Sau thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, nguy cơ chiến tranh phát xít đến gần, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương âm mưu đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng thuộc địa. Nhà in IDEO in mật lệnh của toàn quyền Ca-tơ-ru ra lệnh tiêu diệt cộng sản ở Đông Dương. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tổ chức lấy được mật lệnh này và chuyển đến đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Tháng 5/1940, đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng được đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ uỷ, Thường vụ Trung ương phụ trách Hà Nội, chỉ thị điều động sang phụ trách công tác in ấn xuất bản báo bí mật của Đảng đóng ở Đan Phượng (Hà Đông), rồi chuyển về Yên Lộ (Hoài Đức), Phú Liễn (Thanh Oai). Một thời gian sau đồng chí Hoàn lại chuyển sang phụ trách cơ quan giao thông của Xứ uỷ đóng ở Văn Điển, rồi làm Bí thư liên tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh… Tuy rời Thành uỷ Hà Nội đi nhận công tác khác nhưng Hà Nội vẫn là địa bàn quen thuộc và là mối quan tâm thường xuyên của đồng chí Trần Quốc Hoàn. Năm 1941, trên đường đi công tác đồng chí bị địch bắt và bị kết án 6 năm, 20 năm quản thúc rồi bị đày đi nhà tù Sơn La. Những hoạt động của chi bộ nhà tù Sơn La lúc bấy giờ, trong đó có phần đóng góp tích cực của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã giúp Đảng bổ sung nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng; đặc biệt là kinh nghiệm đấu tranh và đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù đế quốc. Thực tế cơ sở Đảng nhà tù Sơn La đã bổ sung một nguồn cán bộ rất quý giá cho phong trào trước, trong và sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám cho cả nước và cho cả phong trào cách mạng của tỉnh Sơn La lúc bấy giờ.
Tháng 3/1945, là Bí thư chi bộ nhà tù đồng chí tham gia lãnh đạo anh em tù chính trị ở nhà tù Sơn La đấu tranh và được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, trực tiếp tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội và Bắc bộ. Từ đây cuộc đời hoạt động của đồng chí lại tiếp tục gắn bó với Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng Tám, với cương vị Bí thư Xứ uỷ, đồng chí đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, bảo vệ chính quyền non trẻ ở Thủ đô. Ở Hà Nội, bọn Quốc dân Đảng phản động Việt Nam cấu kết với bọn Quốc dân Đảng Trung Hoa (quân Tưởng) âm mưu trung lập hoá Nha Công an để tạo điều kiện cho bọn phản động Quốc dân Đảng phá rối an ninh chính trị ở Hà Nội. Thực hiện chủ trương của trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tổ chức chỉ đạo phá tan âm mưu của địch, một mặt tìm cách đưa các cán bộ cốt cán vào Nha Công an, mặt khác thành lập các đội điệp báo và trinh sát Hà Nội để đánh vào tổ chức của địch. Đây là cơ quan tình báo phản gián bí mật của ta đã góp phần rất quan trọng trong việc vô hiệu hoá âm mưu của địch bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và chính quyền Hà Nội.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, đồng chí Trần Quốc Hoàn là phái viên của Trung ương trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Hà Nội. Đồng chí rất coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô. Trong thời gian ngắn, trung đoàn Thủ đô và đội quân cảm tử Hà Nội được thành lập và lập nên chiến công lừng lẫy trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 60 ngày đêm khói lửa, đồng chí Trần Quốc Hoàn bất chấp gian khổ hy sinh, đồng cam cộng khổ, sát cánh cùng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô anh dũng chiến đấu.
Sau đó đồng chí được Trung ương điều động đi nhận công tác khác. Tháng 4/1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của ta bước vào giai đoạn cầm cự tích cực, đồng chí lại được Trung ương cử về làm Bí thư đặc khu uỷ Hà Nội đến năm 1952. Lúc này Đảng bộ Hà Nội được Trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường Thủ đô phối hợp với chiến trường cả nước để chuyển sang phản công chiến lược. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nêu cao tư tưởng tiến công cách mạng, tích cực chủ động và chủ trương chuẩn bị lực lượng trong nội thành để kết hợp lực lượng bên ngoài giải phóng Thủ đô. Những hoạt động của Mặt trận Hà Nội đã phối hợp với chiến trường cả nước để bước vào giai đoạn phản công chiến lược tiến lên giải phóng Thủ đô.
Những ngày trước giải phóng Thủ đô (1945), đồng chí Trần Quốc Hoàn lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Công an, lại được Trung ương Đảng cử kiêm làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Đảng uỷ tiếp quản Thủ đô. Người dân Hà Nội mãi mãi không bao giờ quên những giờ phút lịch sử vô cùng xúc động và hạnh phúc khi đón mừng ngày Thủ đô giải phóng và ngày đón Trung ương Đảng, Bác Hồ về lại Thủ đô. Trong những ngày vui lịch sử này, đồng chí Trần Quốc Hoàn vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chính phủ trao tặng do lãnh đạo xuất sắc công tác tiếp quản Thủ đô.
Được sự quan tâm chỉ đạo của trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng Thành uỷ Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, sau đó lại bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, chuẩn bị cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với công lao và những đóng góp cùng thành tích lớn đối với cách mạng, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, Huân chương Quân công Hạng Nhất và nhiều Huân chương, Huy chương khác.
Nguyệt Hằng
Nhà xuất bản Hà Nội