Hiệu Bối Thịnh - Số 5 Ô Chợ Dừa - một địa điểm liên lạc, hoạt động của Tân Việt và Xứ uỷ Bắc kỳ ở Hà Nội
Từ năm 1925 – 1927, tổ chức Tân Việt ở Bắc kỳ do đồng chí Tôn Quang Phiệt phụ trách phát triển khá mạnh, tập hợp lực lượng chủ yếu là những thanh niên, trí thức yêu nước, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, trường Y khoa… Lúc này tổ chức Tân Việt có hai chi bộ: một ở Hồng Gai, nơi tập trung một số lượng khá lớn công nhân công nghiệp; một ở Hà Nội là đầu não kinh tế, chính trị của cả nước. Chi bộ ở Hà nội lấy Bối Thịnh làm một trong những địa điểm qua lại hoạt động, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Ngô Đức Mẫn, Nguyễn Tuấn Thức, Nguyễn Tạo…
Hiệu Bối Thịnh từ những năm 1927 – 1928 cũng là địa điểm qua lại thường xuyên của nhiều đảng viên Tân Việt, như: Nguyễn Tạo, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Mai, Vũ Đức Diêu, Nguyễn Hạp… trong số này, anh Nguyễn Tạo hầu như ăn, ở thường xuyên ở đây.
Tháng 4/1931, cơ sở Đảng ở Hải Phòng bị vỡ, nhiều đồng chí ở Trung ương và Xứ uỷ Bắc kỳ bị bắt. Đồng chí Trần Quang Tặng, Xứ uỷ viên, đi công tác vắng nên không bị sa vào tay địch. Tháng 5/1931, đồng chí bí mật lập lại Xứ uỷ lâm thời và đã lấy hiệu Bối Thịnh ở Hà Nội làm địa điểm liên lạc và chắp mối đường dây tổ chức với các địa phương. Đồng chí đã điều một số công nhân ở Nam Định lên (trong đó có các đồng chí Đào Đình Hưởng và Nguyễn Văn Lan). Số công nhân này vừa tham gia sản xuất ở hiệu Bối Thịnh và một số nhà máy khác của Pháp vừa tham gia hoạt động cách mạng. Khoảng tháng 9/1931, đồng chí Trần Quang Tặng đã lập lại Thành uỷ Hà Nội gồm 3 đồng chí: Trần Quang Tặng, Trần Văn Các, Tạ Văn Cấp. Đồng chí Trần Quang Tặng Bí thư Xứ uỷ lâm thời trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Đồng chí Đào Đình Hưởng và Nguyễn Văn Lan vừa làm thợ cho hiệu Bối Thịnh vừa làm liên lạc cho Xứ uỷ Bắc kỳ. Cũng từ đó, hiệu Bối Thịnh trở thành cơ quan liên lạc cho Xứ uỷ Bắc kỳ.
Tổ chức Đảng vừa được khôi phục thì ngày 21/1/1932, do có nội phản, Sở mật thám Bắc kỳ vây bắt được đồng chí Nguyễn Văn Lan tại cơ quan giao thông của Xứ uỷ ở số 5 Ô Chợ Dừa (hiệu Bối Thịnh). Cùng ngày chúng vây bắt cơ quan Thành uỷ ở bãi Phúc Xá. Đồng chí Bí thư cùng cấp uỷ và một số đảng viên rơi vào tay kẻ thù. Năm 1932, một số đồng chí được trả tự do liền bắt tay khôi phục lại phong trào. Tháng 7/1932, tại một cơ sở ở làng Trung Tự (ngõ chợ Khâm Thiên) một chi bộ Đảng được thành lập, gồm 4 đồng chí: Đỗ Danh Vưu, Hoàng Đình Dinh, Nguyễn Thị Nhâm, Nguyễn Trần Đỗ. Vì chưa liên lạc được với cấp trên nên các đồng chí lấy tên là “chi bộ dự bị”. Đầu năm 1933, chi bộ liên lạc được với hai trong bảy đồng chí vượt ngục đêm Nô-en (1932) là đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Đình Tuyển. Đồng chí Nguyễn Tạo đã chắp nối được với “chi bộ dự bị” của Hà Nội. Cùng với đồng chí Lê Đình Tuyển, đồng chí Nguyễn Tạo đã góp nhiều ý kiến cho chi bộ trong việc khôi phục phong trào cách mạng Hà Nội.
Trong gần 10 năm từ 1926 – 1934, qua cơ sở Bối Thịnh, hoạt động của Tân Việt ở Hà Nội cũng như của Xứ uỷ Bắc kỳ sau này được giữ vững. Thông qua hiệu Bối Thịnh một số người đã đến với cách mạng, các đảng viên bị mất liên lạc trong quá trình hoạt động cũng tìm về được với tổ chức của Đảng… Có thể coi hiệu Bối Thịnh là một trong những cơ sở cách mạng của Hà Nội thời dựng Đảng.
Kim Thanh
Nhà xuất bản Hà Nội