Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/01/2016 03:49
Nhà số 312 phố Khâm Thiên – nơi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng

Trong những cơ sở cách mạng ở Hà Nội, nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội là nơi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Trước đây nhà số 312 Khâm Thiên một tầng, lợp ngói, nằm ngay mặt phố. Phía sau nhà hoặc vào ngõ có thể thông sang các ngõ ngách khác trong làng Thổ Quan và Văn Chương. Nơi đây, ngày 17/6/1929 đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

 
Sau khi bốn đại biểu của Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đưa kiến nghị thành lập Đảng Cộng sản ra Đại hội thanh niên toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đầu tháng 5/1929, nhưng không thành. Ba đại biểu bỏ Đại hội ra về nhưng có một người ở lại.
 
Ngày 1/6/1929 tại chùa Hương Tuyết (Bạch Mai) đoàn đại biểu đã ra tuyên bố: “Song phàm đã là người chân chính cách mệnh thì bất luận việc gì can thiệp đến công – nông, đến vô sản giai cấp đều phải bàn cả. Thế mà đại hội “Việt Nam cách mạng thanh niên” lại không cho bàn đến vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản là vấn đề cần thiết cho quần chúng vô sản giai cấp và nông dân nghèo ở An Nam (Việt Nam); Đại hội không cho bàn đến vấn đề này tức là Đại hội này không phải là đại hội cho vô sản giai cấp. Chúng tôi không thể công nhận được mà phải tuyên bố đại hội ra về”.
 
Bản tuyên bố đã thể hiện rất rõ tinh thần quyết tâm lập Đảng Cộng sản của các đại biểu đã dự Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ lần thứ hai. Có thể khẳng định đây là đại hội chuyển hướng về tổ chức của tổ chức thanh niên ở Bắc kỳ. Với nhận thức nhạy bén trước thời cuộc và tinh thần triệt để cách mạng, những người cộng sản trong chi bộ 5D Hàm Long đã tiến lên lập Đảng Cộng sản.
 
Ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cộng sản mới được thành lập ở Bắc kỳ đã họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng và lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ của Đảng. Hội nghị cũng quyết định tổ chức Tổng công hội đỏ, phát triển Nông hội, Sinh hội, tổ chức Hội phụ nữ giải phóng và các hội “biến tướng” công khai và hợp pháp như hội tương tế, đá bóng, nữ công…
 
Tờ báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của Đảng, xuất bản bí mật tại Hà Nội và các tổ chức quần chúng khác cũng lần lượt được ra đời.
 
Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 8 đảng viên trong chi bộ 5D Hàm Long, phân công: đồng chí Ngô Gia Tự, Trần Tư Chính có nhiệm vụ xây dựng cơ sở Đảng ở Nam kỳ; Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung ở Trung kỳ; Trịnh Đình Cửu làm Bí thư, phụ trách văn phòng và Ban Tuyên huấn; Nguyễn Đức Cảnh phụ trách công tác vận động công nhân, Nguyễn Tuân phụ trách công tác vận động nông dân; Đỗ Ngọc Du phụ trách giao thông tài chính Xứ uỷ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội.
 
Việc Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời tại Hà Nội đã đáp ứng xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, thúc đẩy phong trào cộng sản trong nước và ở Hà Nội phát triển.
 
 
Minh Nguyệt
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)