Trần Quý Kiên – Bí thư Thành uỷ Hà Nội cuối năm 1938 – đầu tháng 9/1939
Được cha mẹ cho đi học ở trường tiểu học Yên Phụ, anh học trò nghèo nhưng hiếu học Trần Quý Kiên làm quen và kết thân với nhiều bạn đồng học có tinh thần yêu nước tiến bộ trong đó có Nguyễn Đạt Phát – người sau này đã sớm tham gia vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hà Nội. Năm 1928, phong trào công nhân yêu nước phát triển, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hà Nội được củng cố về mặt tổ chức. Thực hiện chủ trương “Vô sản hoá”, nhiều hội viên đã xuống tận cơ sở tuyên truyền vận động công nhân. Trực tiếp được người bạn đồng học Nguyễn Đạt Phát giác ngộ anh công nhân Trần Quý Kiên đã gia nhập tổ chức. Qua quá trình thử thách, tháng 5/1930, Trần Quý Kiên vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thi hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, góp phần chia lửa với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đang bị thực dân Pháp khủng bố dã man, ngày 11/10/1930 đồng chí Trần Quý Kiên trực tiếp phụ trách một tổ tuyên truyền xung phong mang cờ, biểu ngữ đến treo trước cổng trường Bách Nghệ phố Ca-rô (nay là phố Lý Thường Kiệt). Nhằm vào lúc tan học trước đông đảo học sinh đổ ra cổng trường, đồng chí đứng lên dõng dạc diễn thuyết kêu gọi mọi người “ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh”. Truyền đơn tung rải khắp trường, học sinh phấn khởi nhiệt tình hưởng ứng.
Kẻ địch điên cuồng khủng bố, truy lùng bắt đồng chí Trần Quý Kiên và kết án 5 năm tù giam. Lúc đầu ở Hoả Lò, sau chúng đẩy đồng chí lên nhà tù Sơn La. Những năm tháng ở tù cũng là những năm tháng đồng chí được sống hoà mình với anh em đồng chí thân yêu. Những tấm gương bất khuất hy sinh đến hơi thở cuối cùng vì nước, vì dân của bao đồng chí đã động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho trái tim nhiệt thành của đồng chí Trần Quý Kiên.
Đầu năm 1936, hết hạn tù, đồng chí trở về Hà Nội tìm bắt liên lạc ngay với tổ chức. Khoảng tháng 10/1936 để khôi phục lại cơ quan lãnh đạo và tổ chức Đảng, tại một địa điểm thuộc địa bàn Gia Lâm, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng một số đồng chí nữa đã nhóm họp hội nghị thành lập ra “Uỷ ban sáng kiến”. Uỷ ban này làm việc như một ban cán sự của Xứ uỷ Bắc kỳ và Thành uỷ Hà Nội khi chưa có đủ điều kiện để thành lập cấp uỷ Xứ và Thành. Đồng chí Trần Quý Kiên và một số đồng chí vừa thoát khỏi nhà tù đã tham gia vào Uỷ ban sáng kiến. Chấp hành sự phân công của tổ chức, tháng 11/1936, đồng chí đi Hải Phòng và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng.
Tháng 3/1937, Xứ uỷ Bắc kỳ được tái lập, đồng chí được cử vào Xứ uỷ, dsau đó Thành uỷ Hà Nội cũng được lập lại, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội.
Giữa lúc phong trào công khai đang phát triển, Đảng vẫn rất chú trọng các cơ sở liên lạc bí mật ở Hà Nội làm mạch máu giao thông của Đảng và để che giấu cán bộ khi cần thiết. Chính đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Tạ Quang Sẩn đã thuê một cửa hiệu ở gần bến Nứa, đầu cầu Long Biên, nguỵ trang dưới hình thức cửa hàng sửa chữa xe đạp, song thực chất là điểm liên lạc đầu mối hết sức quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc sông Hồng…
Cuối năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên được cử làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội đến đầu tháng 9/1939. Nhận trách nhiệm lãnh đạo Thành uỷ giữa lúc phong trào cách mạng cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh hợp pháp nửa công khai, đồng chí Trần Quý Kiên cùng Thành uỷ với sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ đã khéo léo lợi dụng giai đoạn “đệm” ấy để tiếp tục duy trì thúc đẩy một số cuộc đấu tranh, tập dượt quần chúng chuẩn bị bước vào một thời kỳ đấu tranh mới. Trong cuộc đấu tranh trên nghị trường đồng chí và Thành uỷ đã chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền tới các cử tri cho cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố ngày 5/4/1939. Những người do Mật trận dân chủ giới thiệu đã trúng cử với số phiếu cao nhất so với các thành phần khác. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng của cách mạng tăng lên nhiều trong các tầng lớp trung gian và tầng lớp trên. Nhân dịp ông Phan Thanh, một chiến sĩ dân chủ xuất sắc có uy tín trong phong trào dân chủ ở Hà Nội bị bệnh mất ngày 4/5/1939, Thành uỷ đã huy động quần chúng tham dự đám tang với quy mô chưa từng có. Hơn hai vạn người xếp hàng đi sau xe tang. Bằng cách đó đồng chí Trần Quý Kiên cùng với Thành uỷ đã chỉ đạo thành công cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng nhân ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Pháp 14/7 và cuộc vận động quần chúng phản đối bọn đế quốc thực dân và tay sai muốn quay trở lại Hiệp ước 1884. Tháng 8/1939, do áp lực của quần chúng, Bộ Thuộc địa Pháp cuối cùng đã phải huỷ bỏ ý định trên. Lúc đó, Thành uỷ Hà Nội cũng đã phát động một phong trào đấu tranh liên tục của công nhân thợ thủ công và anh em lao động để biểu thị thái độ trước âm mưu ráo riết của thực dân Pháp chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng cách vơ vét tài nguyên ở các thuộc địa.
Nhiều khẩu hiệu đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi phòng thủ Đông Dương, chống phát xít, ủng hộ Liên bang Xô Viết, đuổi bọn Tờ-rốt-kít ra khỏi phong trào… được công bố khắp thành phố với nhiều cuộc đình công, bãi thị nổ ra, buộc chúng phải nhượng bộ một số yêu sách.
Ngày 8/9/1939, Hội nghị Xứ uỷ Bắc kỳ họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông dưới sự chủ toạ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị ra Nghị quyết về việc Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, bảo toàn lực lượng, chuyển hướng vào một thời kỳ đấu tranh mới. Chấp hành chỉ thị, Thành uỷ Hà Nội mau chóng rút vào hoạt động bí mất. Đồng chí Trần Quý Kiên – Bí thư Thành uỷ được Xứ uỷ điều động đi xây dựng căn cứ bí mật ở một số địa phương khác cùng đồng chí Lương Khánh Thiện – nguyên Bí thư Xứ uỷ.
Ở cương vị Bí thư Thành uỷ trong một thời gian tuy ngắn nhưng ở thời điểm nút của thời kỳ chuyển hướng chiến lược quan trọng từ công khai hợp pháp sang bí mật, đồng chí Trần Quý Kiên đã góp phần giữ vững ngọn lửa cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong những ngày tháng đấu tranh của cao trào 1936-1939. Ngọn lửa đó âm ỉ cháy mãi đến ngày nhân dân cả nước vùng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào mùa thu năm 1945. Đồng chí Trần Quý Kiên được trận trọng ghi nhớ trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Hà Nội. Sau khi thôi giữ chức Bí thư Thành uỷ, năm 1940 đồng chí bị địch bắt ở Bắc Giang và đày đi tù Sơn La lần thứ hai đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Đồng chí mất ngày 9/8/1965 tại Hà Nội.
Thanh Minh
Nhà xuất bản Hà Nội