Hãng sửa chữa ô tô A-vi-a một điển hình cho truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Thủ đô và cả nước
Những năm đầu của thế kỷ XX, tên A-vi-a (tên chủ người Pháp) đã xuất hiện ở Hà Nội. Mới đầu từ xưởng đóng móng ngựa và sản xuất xe ngựa kéo ở phố Hàng Vôi, sau khi xây dựng xong trụ sở ở đường Phan Chu Trinh, hãng A-vi-a chuyển sang sản xuất xe rơ-moóc, phụ tùng và lắp ráp ô tô. Hãng A-vi-a trở thành một trong những hãng sửa chữa ô tô lớn nhất của tư bản Pháp ở Việt Nam.
Bộ máy quản lý gồm người phụ trách kinh doanh, người phụ trách kỹ thuật (2 cháu của A-vi-a), 7 đốc công người Pháp, một số thư ký người Việt, một số người da đen gác cổng. Lực lượng công nhân của xưởng A-vi-a ở nơi mới thường xuyên gấp 20 lần trước (200), có lúc gấp 100 lần. Số lượng công nhân tăng và chất lượng kỹ thuật cũng hơn nhiều lần. Hầu hết đây là những công nhân kỹ thuật tiện, phay điện, hàn, rất ít lao động làm nghề khuân vác. Công nhân được phân vào 8 bộ phận: lắp ráp, đại tu, phụ tùng, điện, đóng be, kho và cửa hàng dầu mỡ. Đông nhất là bộ phận làm phụ tùng tới 150 người, bộ phận động cơ 70 đến 80 người, người Hoa có khoảng 20 người.
A-vi-a khai thác chủ yếu khả năng kỹ thuật của người thợ. Là cơ sở sản xuất tổ chức hiện đại, xưởng A-vi-a thu hút khá đông lực lượng công nhân áo xanh. Công nhân phải làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, nghỉ hai tiếng giữa ngày. Mỗi buổi làm, chủ mở cửa 15 phút cho thợ đi vệ sinh. Ai bí quá đi lung tung thì bị chủ tìm lôi ra đánh. Mùa đông rét buốt công nhân nung cục sắt ngâm vào nước để rửa cho ấm cũng bị đánh chửi tàn nhẫn. Đi làm chậm giờ bị cúp lương, khi về có tây đen khám túi, ra vào có bấm thẻ chấm công vào đồng hồ. Chủ nhật, ngày lễ, công nhân nghỉ không có lương. Làm trước, lĩnh sau 15 ngày. Ai dùng thuốc của xưởng đều bị chủ trừ tiền vào lương. Làm hỏng hoặc để mất đồ vật gì đều bị chủ bắt đền. Nghỉ 1 ngày không xin phép gạt một ngày lương. Người ốm đau hay bận việc phải nghỉ luôn 3 ngày đều bị đuổi, rơi vào cảnh thất nghiệp sống lang thang. Ngoài việc cúp lương, bạt tai, đá đít, chủ hay quản đốc còn đánh thợ đến đổ máu mồm, máu mũi.
Để duy trì chế độ bóc lột áp bức này, chủ dựa vào bọn mật thám. Trong hãng lúc nào cũng có mật thám giả làm thợ, học nghề, thư ký. Ai sơ ý có thái độ khác một chút là bị bắt ngay. Tên đốc công xưởng đóng be chính là một tên mật thám chuyên nghiệp. Chủ liên hệ chặt chẽ với một tên thanh tra mật thám khác. Tên này kiêm chủ xưởng đúc, có ô tô chờ khách đường Hà Nội – Hà Đông, và lúc nào cũng có thể có xe tới hãng bắt những người công nhân tiến bộ.
Vào tháng 3/1929, những hội viên tiên tiến trong tổ chức thanh niên đã thành lập Chi bộ cộng sản tại ngôi nhà 5D phố Hàm Long – Hà Nội. Từ đó bắt đầu một quá trình bôn-sê-vích hoá tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Ngay sau khi ra đời, Chi bộ cộng sản đã chú trọng lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động, tiêu biểu là cuộc bãi công có tiếng vang lớn của công nhân xưởng sửa chữa ô tô A-vi-a. Theo sự phân công của Chi bộ cộng sản, đồng chí Ngô Gia Tự đã liên lạc và chỉ đạo tổ chức Công hội nhà máy, thành lập ra Uỷ ban bãi công gồm các ban: Tuyên truyền, Cứu trợ, Bảo vệ, đặt trụ sở tại chùa Hương Tuyết (Bạch Mai) để lãnh đạo cuộc đấu tranh. Ngày 28/5/1929, công nhân A-vi-a đã đồng loạt bãi công với khẩu hiệu chống cúp phạt, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Do có sự chuẩn bị chu đáo, có sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của công nhân các nhà máy, các trung tâm công nghiệp, nhân dân lao động ở Hà Nội của nông dân các vùng phụ cận, công nhân A-vi-a đã kiên cường duy trì cuộc bãi công hơn 2 tuần lễ, vượt qua những khó khăn, thử thách do chủ nhà máy và chính quyền thực dân gây ra. Trong những ngày này, Tổng Công hội Hà Nội đã kêu gọi công nhân toàn thành phố ủng hộ, phối hợp với cuộc đấu tranh của công nhân A-vi-a. Hàng trăm tờ truyền đơn của Tổng Công hội Hà Nội được phân phát đi khắp nơi, mang theo những lời kêu gọi thiết thực: Anh em thợ thuyền! Vì làm việc quá nhiều, lương lại ít, vì chủ độc ác, công nhân A-vi-a đã đình công từ ngày 25/5/1929 làm cho chủ nhà máy thiệt tới 1.500đ. Anh chị em A-vi-a cương quyết đình công cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 10/6/1929, cuộc đấu tranh bền bỉ của công nhân A-vi-a thắng lợi. Chủ phải tăng lương từ 1,5 hào đến 2 hào một ngày cho thợ. Đồng chí Ngô Gia Tự khi kiểm điểm quá trình diễn biến, kết quả, ý nghĩa của cuộc bãi công đã đánh giá: “Đây là một cuộc đấu tranh có tổ chức chặt chẽ do Chi bộ cộng sản tổ chức và lãnh đạo, là kết quả của phong trào “vô sản hoá” được cán bộ thâm nhập vào công nhân, giáo dục và vận động quần chúng đấu tranh. Cuộc đấu tranh này mở màn cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân (Những người cộng sản, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1977, tr.30).
Cuộc đấu tranh của công nhân A-vi-a thắng lợi như luồng gió thổi vào than hồng đang âm ỉ, châm ngòi và thúc đẩy một số cuộc bãi công khác nổ ra ở Hà Nội: thợ nề Sở ươm cây (8/1929), công nhân Dệt Tếch-xo (10/1929), nhà máy Gạch Hưng Ký (4/1930)… Công nhân nhà máy Diêm đưa yêu sách đòi tăng lương. Hàng loạt cuộc đấu tranh ở nhiều nơi khác: Sợi (Nam Định, Sợi (Hải Phòng), nhà máy Tràng Thi (Vinh)… 6 tháng cuối năm 1929 ghi được 24 cuộc đấu tranh nữa của công nhân. Phong trào Bắc, Trung, Nam hợp thành một đợt sóng cuồn cuộn dâng lên. Kịp thời đón lấy phong trào, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ngày 17/6/1929, ngay sau khi cuộc bãi công của công nhân A-vi-a kết thúc thắng lợi.
Bọn thực dân tư bản rất run sợ trước thắng lợi của công nhân A-vi-a. Ngay từ tháng 8/1929 chúng quay lại tấn công lực lượng công nhân ở đây. Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng và Công hội anh em không chùn bước. Anh em trong hãng đã kịp thời sửa chữa hoàn chỉnh một ô tô lấy phương tiện làm tài chính cho Đảng. Dù bị đày ải, kiểm soát, trục xuất đi nơi khác hay còn ở lại, người công nhân A-vi-a tiếp tục giữ vững truyền thống, góp phần tích cực vào phong trào cách mạng, thể hiện ý thức cao đối với sứ mệnh giai cấp.
Sự kiện A-vi-a đã đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân. Phong trào công nhân A-vi-a dưới sự chỉ đạo của chi bộ cộng sản đầu tiên là cái mốc chuyển hướng mới trong phong trào công nhân. Có phương hướng mục tiêu đấu tranh đúng đắn, có tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, cuộc đấu tranh ở A-vi-a đã làm mẫu mực cho những cuộc đấu tranh khác.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh tại xưởng sửa chữa ô tô A-vi-a đã củng cố niềm tin của những người cách mạng vào vai trò và sức mạnh của giai cấp công nhân, góp phần khẳng định dứt khoát lập trường giai cấp công nhân Việt Nam là người có sứ mệnh xoá bỏ chế độ tư bản thực dân giải phóng đất nước.
Minh Nguyệt
Nhà xuất bản Hà Nội