Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 25/01/2016 05:00
Tục khao vọng

Khao vọng là tập tục cũ lưu truyền rộng rãi trong các làng quê ở nông thôn Việt Nam. Ngày nay, tập tục này không còn tồn tại nữa, thế nhưng nó còn để lại dấu ấn khá đậm nét trong các thư tịch cổ của chúng ta và đôi khi vẫn hiển hiện trong đời sống thường ngày.

 
Nhân dịp anh bạn đồng nghiệp được thăng chức lên trưởng phòng, anh chị em trong phòng chúc mừng anh và không quên lời nhắc khéo “tiệc khao”. Là bạn thân, tôi hiểu gia đình anh cũng chẳng khá giả gì, nhưng các đồng nghiệp đã nhắc thì có khó khăn mấy cũng phải cố làm một bữa cho ra trò. Và rồi tiệc khao lên chức của anh cũng được lên lịch ngay trong buổi chiều hôm ấy tại một nhà hàng khá sang trọng cạnh Hồ Tây. Mọi người hân hoan chúc mừng nhân vật chính và anh thấy mình thật vinh dự, hạnh phúc. Nhưng tôi hiểu, bữa tiệc ấy được đổi bằng cả tháng lương của anh, và tôi bỗng nhớ đến tục Khao vọng của người xưa được nhắc đến trong tác phẩm “Tự liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Hương ước Tục lệ” do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí chủ trì tuyển dịch và giới thiệu trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Lệ khao vọng thời xưa có nét tinh tế, có sự phiền hà, có lẽ vì thế mà dường như nó đã bị loại trừ ra khỏi hương thôn, song rất có thể nó sẽ tiếp tục gây phiền hà cho những ai muốn khai thác di sản văn hóa của ông cha mà lại không biết về nó. Lễ Vọng là lễ để báo cáo với thần linh trong nhà và trong làng xã khi mình đạt được kết quả gì đó, theo đó ở mỗi làng quê thường có các lễ vọng như: vọng giáp, vọng đình, vọng lão, vọng tư văn, vọng quan viên… Lễ vọng ở cấp làng xã phải có trầu cau, rượu đến báo với phe, giáp rồi các hương lý, quan viên. Sau khi được chấp thuận thì biện cỗ ra cúng thần linh và đãi quan viên. Lễ khao được tổ chức ngay sau lễ vọng, có nơi tổ chức rước người được bằng sắc ngồi trên võng ra cúng ở đình rồi quay về lạy gia tiên, mở tiệc cho tất cả dân làng tới dự. Người xưa có câu “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” có lẽ bởi thế mà ai ai cũng muốn chiếm được một chỗ ngồi nơi hương đảng để lấy làm vinh dự, họ khao khát làm ông phó, ông xã, tranh nhau ăn trên, ngồi cao… để oai với thiên hạ và cũng là để “Một người làm quan cả họ được nhờ”, và cái nếp nghĩ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết người Việt cho đến tận ngày nay. Và khi đã đạt được tham vọng của mình thì phải rùm beng, đánh trống khua chiêng cho cả làng, cả thiên hạ được biết là chuyện đương nhiên, nhưng quan trọng hơn, việc ra mắt thiên hạ cũng là cái lệ của làng, của nước.
 
Những người thi đỗ, được bổ làm quan, được phẩm hàm, lên lão làng... đều phải tổ chức bữa tiệc thịnh soạn để chiêu đãi chức sắc trong làng, bà con chòm xóm và bạn bè thân hữu, để dân làng tới dự chứng nhận tư cách pháp nhân của người tổ chức tiệc khao, nếu ai đó không tổ chức hoặc tổ chức không đúng nghi thức quy định thì dân làng mặc nhiên không công nhận tư cách của người đó. Thường thì phải giết trâu mổ lợn làm cỗ linh đình, sau này kinh tế phát triển hơn thì quy đổi ra tiền mặt. Số tiền và lễ vật hoặc dùng toàn bộ làm cỗ khao làng, hoặc trích lại một phần giao lại cho bản giáp, còn lại thì đem khao làng. Tiệc khao thường tổ chức một lần, cá biệt có những trường hợp tổ chức nhiều lần. Triều đình cũng đã đặt lệ giản tiện cho người ta dễ theo. Đại để như đỗ tú tài thì khao một con gà, một đĩa xôi và ba quan tiền; đỗ cử nhân thì khao một con lợn, một mâm xôi và năm quan tiền… Nhưng ngặt vì "Phép vua thua lệ làng",  tục dân đã quen, chiếu làng đã định thì họ cũng phải chịu, đám nào kém thì đã thấy lắm kẻ hậm hà hậm hực, lời ra tiếng vào. Bởi thế mà có nhiều người khuynh gia bại sản, tan cơ sạt nghiệp, khánh kiệt gia tài vì một bữa hương ẩm, vì một việc tức khí nơi hương thôn. Đó là chưa kể sau khi ăn uống no say thì giở ra thói chơi bời, cờ bạc, thuốc phiện... làm lu mờ, bại hoại nhân cách con người.
 
Ngày nay, tục khao vọng tuy không còn tồn tại dưới hình thức bắt buộc như trước đây. Nhưng nó vẫn hiển hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, những cuộc liên hoan, nhậu nhẹt vô bổ thực sự là gánh nặng, gây ra không ít phiền toái cho nhiều người, nhiều gia đình. Dẫu biết việc lưu giữ văn hóa của ông cha là cần thiết, song cần phải loại trừ những gì thuộc về thói hư tật xấu trong dân gian mới mong có được một đất nước phồn vinh với nền văn hóa văn minh, lịch sự.
 
 
Trần Thọ

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)