Tổ chức Công hội ở Khương Thượng – cơ sở cách mạng thu hút thanh niên Khương Thượng khát khao giành độc lập dân tộc
Trong những năm 1927 – 1928, một số thanh niên ở Khương Thượng được tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tuyên truyền, giác ngộ đã gia nhập tổ chức Công hội, như ông Vũ Huy Toàn (học sinh trường Bách Nghệ), ông Nguyễn Đình Hang. Tuy vậy, tổ chức Công hội vào những năm 1927 - 1928 không hình thành được vì địch khủng bố rất gắt gao, một số người lúc đó dao động, không dám đứng ra hoạt động nữa. Nhưng ở Khương Thượng có một số người phải đi kiếm sống ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có một số được vào làm trong xưởng hậu cần nhà binh của Pháp.
Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Văn Thuận (cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên làm y tá trưởng của một bệnh viện tư do bác sĩ Gioăng người Pháp làm chủ), dưới hình thức chữa bệnh cho bà con ở Khương Thượng đã tuyên truyền, vận động quần chúng ở đây theo đường lối của “Việt Nam cách mạng thanh niên”. Sau một thời gian tuyên truyền, đồng chí đã lập được một tổ Công hội. Hội viên của tổ Công hội vừa phát huy ảnh hưởng ở địa phương mình vừa hoạt động ở nơi mình làm việc. Tổ đã góp phần rải truyền đơn trong các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1/5), ngày chống đế quốc chiến tranh (1/8), kỷ niệm Cách mạng tháng Mười (7/11), góp phần vào phong trào đấu tranh cách mạng chung của Hà Nội năm 1930.
Ngày 1/5/1930, các đồng chí của tổ Công hội đã tổ chức rải truyền đơn vào trong nhà súng của Pháp. Sở dĩ tổ Công hội này làm được là vì: trong quá trình làm việc, tổ đã tuyên truyền, giác ngộ và lập được nhiều tổ chức Công hội. Đáng chú ý là tổ Công hội đỏ đã lôi kéo được cả số lính thợ Pháp tham gia. Bằng hoạt động khôn khéo của tổ Công hội nên các đồng chí đã gây được cảm tình với một số lính thợ Pháp và họ đã biết tổ chức nghiệp đoàn riêng, bí mật để đấu tranh. Cũng tại nhà súng, sau đó một tổ Công hội ở bộ phận mộc được hình thành gồm các hội viên: Nguyễn Đình Hang, Nguyễn Văn Sơ và đồng chí Cai Mộc. Trong những ngày tháng sôi nổi của Hà Nội lúc đó, tổ công hội trong nhà súng của Pháp tuy mới hình thành, nhưng đã hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú. Đó là các tổ Công hội người Việt Nam, tổ lính thợ Pháp, tổ vừa có người Việt Nam vừa có lính thợ Pháp gồm các hội viên: Nguyễn Văn Thuận, Lê Văn Bảo, Nguyễn Đình Hang. Sau tháng 5/1930, tổ Công hội ở Khương Thượng đã trở thành một chi bộ cộng sản.
Phát huy kết quả hoạt động đã đạt được, chi bộ được Đảng chỉ thị giao mỗi tổ Công hội của lính thợ Pháp cho công hội cấp trên phụ trách. Về sau này, đồng chí giao mối ở trong nhà tù mới rõ cán bộ phụ trách được gặp vào một đêm tháng 5/1930 ở vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lênin) chính là đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), người phụ trách công tác địch vận của Đảng lúc đó.
Các hoạt động của những tổ Công hội đang sôi nổi thì khoảng 10 ngày sau khi đốt cổng chào do Pháp dựng để đón tên toàn quyền Nam Dương (tức Inđônênxia), bộ phận công tác binh vận trong nhà súng bị lộ, hầu hết các cán bộ chủ chốt của ta bị bắt, vào tù các đồng chí mới biết nhau. Trong tù, bọn đế quốc thực dân đã tìm mọi cách tiêu diệt tinh thần đấu tranh của người chiến sĩ cách mạng. Chúng tra tấn dã man, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng. Nhưng cách mạng không lùi bước. Những đồng chí còn sống không ngừng trưởng thành và đã trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng, như các đồng chí Giang Đức Cường, Nguyễn Đình Hang, sau khi ở tù Sơn La về lại có vai trò tích cực ở quê hương Khương Thượng của mình.
Khương Thượng có truyền thống cách mạng vẻ vang. Nhiều người con của Khương Thượng đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Nhiều người trong thời gian hoạt động bí mật liên lạc với tổ chức vẫn tìm cách quay về địa phương bắt mối và tham gia hoạt động cách mạng, góp phần bồi đắp vào truyền thống đấu tranh oanh liệt của quê hương. Khương Thượng đã có cơ sở và phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngay từ những ngày đầu năm 1930 và tiếp tục có những hoạt động tích cực góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc.
Ngày nay, bộ mặt Khương Thượng có nhiều thay đổi, khách sạn chuyên gia, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, khu tập thể cho những người lao động được xây dựng và ngày càng mở rộng phục vụ cuộc sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Thế hệ trẻ Khương Thượng hôm nay, luôn ghi nhớ những tấm gương cách mạng cùng truyền thống cách mạng, yêu nước của mình mà học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành những người thanh niên có ích, phát huy cao truyền thống của cha ông.
Minh Khuê
Nhà xuất bản Hà Nội