Động lực phát triển của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội
Với cuộc sống sôi động và đầy biến động của mảnh đất Kinh kỳ, chính quyền phong kiến khi xưa đã nhiều lần can thiệp trực tiếp vào lối sống, lối làm của người dân, tức là can thiệp vào quá trình vận hành của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội. Ví dụ như năm 1430, vua Lê Thái Tổ đã có “chiếu chỉ cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười biếng” hoặc vào năm 1485, vua Lê Thánh Tông khi ban bố “hai mươi tư huấn điều” cũng đã dụ các quan: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, phàm những phép dạy dân nên phong tục tốt… không cái gì là không nói ra trong lời huấn dụ…”. Cùng với những điều chỉnh bằng chỉ dụ, đạo luật hành chính như thế, dân gian qua các thời cũng luôn có những đúc kết và chỉ dẫn riêng. Chủ yếu là nêu ra những đặc trưng và bài học cho cuộc sống ở đất Kinh kỳ như: sự cần thiết của phẩm chất thông minh (Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ), cốt cách tài hoa (Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ), cần cù chịu khó (Con gái ở trại Hoàng Hoa/ Ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm)…
Tuy triều đình và dân gian đều có những tác động ít nhiều vào hệ thống phong tục tập quán theo cách riêng của mình nhưng trên tổng thể, sự vận hành của ý thức hệ người dân đất Kinh kỳ mới là nhân tố chính tạo nên sự vận hành của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội. Trong hệ thống ý thức của người dân, ý thức về tinh thần dân tộc giữ vai trò tiên quyết. Có thể nhận ra rằng hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội cổ truyền, khi thì bộc lộ, khi thì thầm lặng nhưng luôn hiện diện để bảo tồn và kế tục những yếu tố mang tính chắc chắn và bền vững của tinh thần dân tộc. Vì thế, trống đồng và những gì liên quan đến trống đồng từ thủa bình minh lịch sử đã thấy xuất hiện ở khắp nơi, trên khắp các mặt của văn hóa nghệ thuật. Vào những lúc tòa thành lâm vào cảnh hiểm nghèo cả về vận mạng sống còn lẫn về sự tồn vong phong tục - chẳng hạn như khi lũ giặc Minh chiếm đóng, không chỉ bắt đổi tên gọi “Đông Đô” thành “Đông Quan” mà còn bắt thay đổi cả lối ăn mặc xống áo… - thì cái tinh thần dân tộc ấy đã trỗi dậy, định hướng cho cả dân tộc đấu tranh giữ lấy đất nước, giữ lấy phong tục. Đầu xuân Kỷ Dậu, năm 1789, khi những người Thăng Long đứng lên cùng vua Quang Trung làm “Một trận rồng lửa, giặc tan tành” để được thấy lại cảnh: “Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” thì đó là lúc tinh thần dân tộc thúc giục họ đứng lên bảo vệ núi sông, bảo vệ phong tục như câu nói: “Đánh, cho để tóc dài/ Đánh, cho để đen răng…”!
Rõ ràng là xuyên suốt nghìn năm văn hiến, vai trò vận hành phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội là thuộc về tinh thần dân tộc. Chính tinh thần này đã giúp người Việt trong đó có người Thăng Long - Hà Nội đồng hóa những phong tục từ nhiều miền du nhập.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội