Đi lễ Rằm tháng Giêng - Phong tục Hà Nội có từ xưa
Tết đến, bên cạnh việc chơi hoa, ta còn có phong tục chơi quả, trong đó có quất. Thú chơi quất cảnh có từ bao giờ thì chưa khẳng định, nhưng cây quất đích thực là đặc sản của nước Nam ta tuy quất là một từ Hán - không phải từ Nôm. Một bằng chứng rất cụ thể về quê gốc của loại cây này là từ xa xưa từng có một nhà thi hào người Trung Quốc (Khuất Nguyên 340-278 tr.CN) làm thơ ca ngợi cây quất và nói về đất tổ của nó. Dưới đây là một số câu dịch nghĩa của bài thơ đó:
Cây đẹp giữa trời đất
Lá cây quất đã quen thổ ngơi
Nhận mệnh không đổi đời
Sinh ở nước Nam
Rễ sâu khó chuyển lay
Khí tiết bền
Lá xanh hoa trắng
Rộn ràng mừng thay…
Quả tròn từng cụm
Vàng xanh đua chín
Như thêu dệt rực rỡ
(Theo Đào Duy Anh)
Nguyễn Khuyến ở thế kỷ XIX có bài thơ Ái quất (Yêu quất) chủ yếu là ca ngợi phẩm chất của quất nhưng cũng hé cho ta thấy ngày đó quất cũng được xếp vào hàng “hoa” ngang với hoa sen, hoa cúc:
Yêu cúc cùng yêu sen
Mỗi người ưa mỗi thứ
Ta tính vốn yêu rộng
Đến già chỉ yêu quất…
Hoàng Đạo Thúy trong sách “Phố phường Hà Nội xưa” cho biết thủa ông còn nhỏ, tức đầu thế kỷ XX, ở Hà Nội đã có nhiều nhà chơi quất. Và hai làng ven nội thành chuyên trồng quất đó là Tây Hồ, rồi đến Nghi Tàm. Nay vùng ven Hồ Tây vẫn còn những nhà trồng quất, nếu còn đất. Tại những nơi đó, trồng quất đòi hỏi kỹ thuật cao và đồng thời cũng là nghệ thuật nữa. Hoa quất thơm ngát, không quá nhẹ như hoa chanh cũng không nồng nàn như hoa bưởi. Đảo quất là một kỹ thuật quan trọng để hãm cho cây ra quả rồi chín đúng vào dịp tết. Khoảng rằm tháng Chạp là quất kìn kìn vào nội thành mang theo mùa xuân. Người Hà Nội vẫn thích chơi quất vào dịp tết vì bền hơn các loại hoa mà lại thêm “vận đỏ”. Người chơi quất thường chọn cây có quả sum suê, trĩu nặng, quả to, đỏ au vàng thắm, lá xanh tươi, cành mập mạp để có sức giữ được quả và giữ lâu.
Cây quất gốc gác phương Nam hẳn sẽ mãi mãi là thứ cây đã sinh ra loài quả khả dĩ cạnh tranh với các loài hoa, tô thắm cho ngày tết của mọi nhà.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội