Nguồn tư liệu quý góp phần nghiên cứu phong tục, văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội
Lâu nay, việc sưu tầm và khảo cứu về văn hóa dân gian ở Hà Nội thường dựa trên các nguồn:
Những tác phẩm biên soạn bằng chữ quốc ngữ của các trí thức hồi đầu thế kỷ XX như Nguyễn Văn Ngọc, Phan Kế Bính, Vũ Khắc Tiệp, Phạm Quỳnh, Doãn Kế Thiện và các cây bút uyên bác của tạp chí Nam Phong, tập san Trí Tri, tạp chí Tri Tân…
Nguồn chữ Pháp gồm các sách của một số nhà Việt Nam học như G. Dumoutier, A.Cheson, P.Ory… và các tác giả trên các báo, tạp chí, tập san chữ Pháp.
Ngoài hai nguồn thư tịch trên là công việc đi điền dã, ghi chép từ những nhân chứng sống. Công việc này đã góp phần thu thập tư liệu không nhỏ song cũng có đôi chút hạn chế vì ký ức của các nhân chứng sống cũng chẳng đi ngược thời gian được bao nhiêu.
Trong thực tế còn có một nguồn tư liệu khá phong phú mà bấy nay chưa khai thác được bao nhiêu. Đó là những sách Hán - Nôm về văn hóa dân gian hoặc liên quan đến văn hóa dân gian vùng Thăng Long - Hà Nội. Đối với số sách này có thể phân chia thành 6 loại:
1. Những sách bản thân chúng là những sưu tập văn hóa dân gian: Ca dao tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích, phong tục tập quán, nghệ thuật… như Lãm cổ ký (Ghi chép nhân xem các sự tích xưa) là một sưu tập các dã sử, truyền thuyết trong đó có các câu chuyện xung quanh nhà Giám, đàn Nam Giao, chùa Kim Liên, hồ Trúc Bạch… hay Mã Lân dật sử ghi lại một số truyền thuyết liên quan đến Hà Nội: Kim Quy thần nỗ, Trấn Vũ thần mộng hiển ứng ký… Về ca dao có thể nêu An Nam phong thổ thoại sưu tập ca dao ngạn ngữ vùng Bắc. Đặc sắc nhất là sách Long Thành cảnh trí ca là một bài ca lục bát gần 850 câu giới thiệu quang cảnh các phố phường Hà Nội vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các lâu đài, dinh thự, công sở, cảnh buôn bán, sinh hoạt thường ngày…
2. Loại sách thứ hai là những sách địa chí, bút pháp khảo cứu nặng về địa lý lịch sử nhưng vẫn có những trang, những mục mang tính địa chí văn hóa dân gian đậm nét. Nổi bật đó là Hà Nội địa dư, Hà Nội sơn xuyên phong vực, Bắc thành địa dư chí lược giới thiệu về hình thế, phường phố, phong tục, danh thắng, di tích, thành trì, núi sông đền chùa, quán miếu.
3. Loại thứ ba là các khoán ước, hạng lệ, khoán lệ, tục lệ, điều lệ, gọi chung là hương ước của các làng thôn mang rất nhiều thông tin về văn hóa dân gian. Trong kho sách của Viện Hán Nôm bộ sưu tập này gồm 647 cuốn, ghi chép về tục lệ, khoán ước của 74 huyện, phủ, châu thuộc 18 tỉnh phía Bắc, từ Nghệ An trở ra. Ngoài ra Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng còn lưu các bản tục lệ hương ước của nhiều làng ở Hà Nội rất có giá trị trong việc tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa, phong tục, tập quán của một Hà Nội cổ xưa như An Lãng dân phong tục lệ ghi về vị trí, diên cách, phong tục của làng Láng, Bạch Mã từ tam giáp hương lệ chép về lệ cúng tế và khoán lệ của ba giáp thuộc khu vực Hàng Buồm hay Pháp Vân tiên hiền bạ ghi các điều lệ của làng Pháp Vân (Thanh Trì) về các khoản hội đồng, quyền thi hành, tài chính, việc sổ sách, việc tuyển lính, tuần phòng, cưới xin, ma chay... Nói tóm lại hương ước là “hiến pháp” của một đơn vị dân cư, trong đó có một số nội dung liên quan đến phong tục tập quán như quy định về thờ cúng, ma chay hiếu hỷ, về thưởng phạt, về quan hệ hàng xóm, về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
4. Loại văn khắc tức là các loại hình văn bản tạo chữ trên đá, gỗ, kim loại. Ở Hà Nội nơi lưu giữ văn khắc là các đình, chùa, đền, miếu, lăng mộ, đạo quán, văn chỉ, nhà thờ họ… Căn cứ vào chất liệu, chúng ta có văn khắc trên đá (văn bia, khánh), văn khắc trên đồng (chuông), văn khắc trên gỗ (biển ngạch, hoành phi, câu đối)… Căn cứ vào nội dung ta có thể phân loại: Loại bia hậu ghi việc gửi giỗ, bầu hậu thần, hậu phật; Loại bia trùng tu xây dựng ghi lại sự việc tu bổ xây dựng một di tích; Loại bia ghi sự tích; Loại bia ghi sự kiện.
Nơi có nhiều văn khắc nhất là Văn Miếu, ngoài 82 bia Tiến sĩ đề danh còn một số bia ghi việc tu sửa, cải tạo cảnh quan khu vực. Có di tích chỉ còn một tấm bia như đình Đông Hà (phố Hàng Gai) có tên là Đông giáp bi ký.
5. Loại thứ năm là phả lục, ngọc phả, thần tích của các làng. Đó là các tài liệu ghi chép về lai lịch, hành trạng và công đức lớn lao của hàng ngàn vị thần linh, thành hoàng được thờ cúng ở khắp các làng xã. Thần tích Hà Nội gồm 57 cuốn ghi chép thần tích các vị thần được thờ ở các huyện Gia Lâm, Hoàn Long, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh. Đây là nguồn tài liệu rất phong phú, phải kể đến Đại Nam thần lục trong đó có chép mười lăm lai lịch của mười lăm vị thần thờ ở Hà Nội.
6. Loại thứ sáu là các tập thơ, các thi tập của các Nho sĩ. Đó là những bài thơ về Thăng Long - Hà Nội có chứa đựng thông tin quý về đất đai, sông hồ, con người, dân tình, quang cảnh phố phường… Còn một cái quý nữa đối với những người nghiên cứu địa chí văn hóa dân gian là các tiểu dẫn trên các bài thơ. Các lời tiểu dẫn này có những thông tin khá cụ thể về một di tích, một nhân vật, một nghề nghiệp… Như Minh Quyên thi tập của Nguyễn Hành (cháu Nguyễn Du) có một bài ghi về cảnh sinh hoạt ở phường Đồng Xuân đầu thế kỷ XIX. Chư gia văn tập có chép cả các ca khúc về Thăng Long - Hà Nội. Tây Hồ phú ghi các bài phú và thơ vịnh cảnh nói về nguồn gốc Hồ Tây. An Nam thắng cảnh có 20 bài thơ vịnh cảnh đẹp Hà Nội như chùa Một Cột, cảnh Hồ Tây, tiếng sáo Cầu Đông… La Thành cổ tích vịnh gồm 25 bài thơ vịnh các danh thắng, cổ tích ở La Thành (Hà Nội) như núi Nùng, hồ Tả Vọng, chùa Một Cột, chùa Ngọc Hồ, quán Trấn Vũ, Quốc Tử Giám, miếu Trung Liệt…
Đây là các sách cổ cần được tổ chức dịch và giới thiệu rộng rãi để vốn liếng văn hóa dân gian của Thủ đô ngày thêm dày dặn, góp phần đáng kể vào việc giới thiệu bản sắc của mảnh đất và con người Hà Nội.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội