Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 17/02/2016 11:35
Làng Yên Thái và nhịp chày giã dó như còn vang vọng đến hôm nay

Làng Yên Thái là một trong những làng Bưởi làm giấy, đây là làng làm nhiều nhất, có quy mô và có thời gian thịnh vượng lâu dài hơn cả. Và “nhịp chày Yên Thái” từ lâu đã là một nét văn hoá tượng trưng cho cả mấy làng Bưởi làm giấy. Làng giấy cung cấp giấy cho làng Đông Hồ làm tranh, đó là loại giấy dó, dai, bền và giữ màu. Làng giấy còn cung cấp nguyên liệu cho nghề làm vàng mã, nghề đúc, nghề làm khuôn…

 
Thời thịnh vượng của nghề giấy có phiên chợ Cầu Vuông nổi tiếng. Cầu Vuông ở ngay đầu làng Yên Thái, là trung tâm của các làng giấy. Chợ họp cứ 7 hôm một lần, câu ca dưới đây sẽ nói lên điều đó:
 
Cầu Vuông một tháng bốn phiên
Để em xeo giấy cho chàng bút nghiên
 
Cầu Vuông gồm 10 gian. Một gian dành cho việc thờ cúng bà cô Tổ. Còn 9 gian đề bày bán giấy. Ở đây có đủ loại giấy, người mua kẻ bán tấp nập suốt ngày. Khách Hà Nội và các tỉnh về ăn giấy nhộn nhịp. Những năm 30 - 45 của thế kỷ XX, đối với những người ưa chữ nghĩa, không có món quà nào quý hơn những tập sách như “Thơ thơ”, “Phấn thông vàng”, “Ngày xưa”, “Vang bóng một thời”… được in riêng một số lượng trên giấy “dó lụa” “dó vân”, không bán, mà chỉ để tặng cho những người thân thiết… Những năm sau cách mạng Tháng Tám có cuốn Kiều rồi đến năm 1969, Di chúc của Hồ Chủ tịch được in trên giấy dó đặc biệt. Chúng ta đều biết những trang sách, những tài liệu ghi chép, những sắc phong từ các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn còn giữ được chất lượng giấy dó như nguyên, không bị suy thoái theo thời gian. Đó là một loại giấy bền lạ, đẹp mà chưa có một loại giấy nào làm bằng phương pháp hiện đại so sánh nổi. Các thư viện lớn trên thế giới có giữ những sách và tư liệu bằng giấy dó Việt Nam đều công nhận như vậy.
 
Về thể loại giấy, giấy có mấy loại chính như: giấy bản, giấy moi, giấy hẩm, giẩy sề, giấy phèn, giấy lịnh… Giấy phèn là loại giấy có phết thêm phèn chua và keo da trâu. Giấy lịnh là giấy phải qua động tác “nghè” giấy. Làng Nghĩa Đô chuyên môn làm giấy lịnh nên gọi là làng Nghè.
 
Về kỹ thuật làm giấy, theo nghiên cứu và những gì được kể lại, để làm nên cái loại giấy dó, người ta ngâm kỹ vỏ cây dó, cây dướng, cây du của miền trung du (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái) rồi nấu cách thuỷ trên những vạc lớn. Vỏ các loại cây dó được tước đi vỏ đen ở ngoài cùng với những mẩu đầu thừa đuôi thẹo rồi đem giã nhỏ thật mịn bằng hệ thống chày, cối. Bột dó được đưa vào các tầu xeo, có nhiều nước và một lượng dung dịch gỗ mò, trơn như thể glycerine. Các cô gái dùng cỗ “liềm”vớt dung dịch bột giấy và cho lắng trên một lớp mành mỏng (liềm) để tráng thành một tờ giấy ướt. Tờ nọ ốp tờ kia mà không dính vào nhau là nhỏ có dung dịch gõ mò. Sau đó, người ta ép những chồng giấy ướt cho kiệt nước rồi gỡ ra từng tờ, hong khô. Đàn ông làm giấy vất vả, làm các công tác nặng nhọc. Còn đàn bà, con gái, tuy cũng đi sớm về hôm nhưng mưa không đến đầu, nắng không đến mặt nên vẫn được liệt vào loại “Em là con gái trong song cửa”. Họ trắng trẻo, ưa nhìn nên gọi là gái Yên Thái, trai Đoan Môn mà… Mặc dù, ca dao có than phiền: “Tàu xeo nước giá như đồng”
 
Theo truyền thuyết kể, buổi đầu, quê hương số một của mấy làng giấy không phải là làng Yên Thái. Ông tổ nghề giấy đặt chân đầu tiên lên làng Yên Quyết, cũng gọi là làng Cót. Lúc này làng Cót làm loại giấy dó đẹp nhất, thuộc loại cao cấp nhất. Các làng khác phải mua lại những nguyên liệu loại thứ hai, thứ ba của làng Cót thải ra để làm các loại giấy cấp thấp với số lượng ít. Lẽ dĩ nhiên lúc đó làng Cót là làng sung túc nhất vùng.
 
Truyện kể rằng, khi ấy, có người con gái họ Vũ làng Yên Thái nổi tiếng khắp vùng về nhan sắc duyên dáng. Nhiều chàng trai xung quanh và từ Kẻ Chợ về, đều nhờ những tay mối lái tài ba đến cầu hôn. Nhưng nàng không ưng ai mà tự mình đi làm quen với các chàng trai ở làng trên xóm dưới. Sau cùng, một chàng công tử con một gia đình làm giấy giàu có ở làng Cót cưới được nàng về. Nàng có ý thức chọn một vài đứa cháu trai trong họ, gọi chúng xuống chơi nhà, cho làm quen với các cô gái làng Cót. Nàng thuyết phục các cô gái làng Cót lấy các cháu của nàng. Thậm chí nàng còn vận động các cô gái làng Cót lên chơi làng Yên Thái. Cứ như vậy, nhiều đám cưới có ý nghĩa chuyển giao nghề nghiệp đã diễn ra giữa hai làng giấy. Sau đó vài năm, nàng không chịu được sự gò bó của gia đình nhà chồng và ngay cả với chồng. Nàng ưa tự do vùng vẫy và cũng vì lẽ nàng không có con nên nàng bỏ lảng Cót và về làng Yên Thái sống một mình cùng với các cháu và những người thân. Nàng giúp mọi người làm các loại giấy tốt như ở làng Cót. Vị trí địa lý của làng Yên Thái lại rất thuận tiện cho việc giao thông đi lại, vận chuyển hàng hoá. Có nhiều khách đến mua, việc sản xuất được cải tiến và đẩy mạnh. Thế là 10 gian chợ Cầu Vuông được xây dựng. Chín gian để bày giấy bán, còn một đầu để không. Làng Yên Thái ở vào cái thế: “Nhất cận thị, nhị cận giang” nên việc làm ăn càng trở nên thịnh vượng, làm ra thêm nhiều loại giấy đáp ứng nhu cầu của xã hội.
 
Nàng họ Vũ trở về già. Các cháu trai, cháu gái của bà và những người được bà giúp đều đã có cuộc sống dễ chịu. Họ thấy bà không có con và yêu mến họ nên tất cả đều gọi bà là “mẹ”. Đời sau của họ gọi bà là bà cô Tổ, và dành một gian Cầu Vuông để thờ cúng bà. Họ nhớ đến công ơn to lớn của bà mà lập bàn thờ ở đó với mấy chữ: “Bản nghệ thần từ” nghĩa là “đền thờ bà thánh của nghề nhà”.
 
Những năm làm ăn thịnh vượng, cả mấy làng giấy đều sớm khuya rậm rịch tiếng chày giã dó. Riêng ở làng Yên Thái đã có chừng 30 hệ thống chày cối. Những tiếng chày Yên Thái vang lên, tượng trưng cho sự trù phú. Đến năm 1940 – 1941 những hệ thống này được máy xay giấy (pile raffineuse) thay thế.
 
Qua nhiều năm tháng, nghề giấy thủ công vùng Bưởi và tiếng chày Yên Thái chỉ còn là những kỷ niệm. Nhưng chúng ta còn hy vọng là tiếng chày này sẽ còn vang lên với một cung cách, một sự nâng niu đặc biệt để sản xuất ra loại giấy dó độc đáo dùng cho những yêu cầu đặc biệt của thị trường ngày nay. Ngày nay, tại đây vẫn có một số nhà công nghệ và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước đang đặt vấn đề để khôi phục lại nghề làm giấy dó ở quy mô nhỏ nhưng độc đáo… để nhịp chày Yên Thái vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau.
 
Minh Huy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)