Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 25/02/2016 02:56
Điện Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam

Tín ngưỡng Mẫu là tín ngưỡng cội nguồn, đích thực của Việt Nam, trường tồn với dân tộc vì nó có được lòng tin cao cả, có quy mô về tâm linh và về lượng tín đồ trong cả nước. Người Việt Nam ta có câu: “Phúc đức tại mẫu” để khuyên các bà mẹ ăn ở phúc đức, không làm điều ác và điều không hay cho cộng đồng. Như vậy, sau này con cháu sẽ được những điều tốt lành, để phước cho đời sau. Và các con cháu cũng sẽ làm theo bà, theo mẹ mà nhắc nhau những điều khuyến thiện trừ ác. Đức tính tốt đẹp này có từ cái thời xa xưa và được truyền lại cho đời sau bằng những lời truyền miệng, ca dao, bài hát… Và trong tâm đức sâu thẳm của mọi người. Mẫu (mẹ) là tất cả, là nguồn gốc. Từ mẹ, người ta được sinh ra, đến khi chết, lại trở về đất mẹ.

 
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Mẫu và tục thờ Mẫu. Qua những thời kỳ mà mọi người sống với Mẹ ở trên cây rồi đến giai đoạn vừa trên cây, vừa dưới đất… Và rồi đến lúc Mẫu Thượng Ngàn không nuôi nổi những đàn con cháu mỗi ngày một đông, đã xảy ra những cuộc di dân nguyên thuỷ. Mẫu đứt ruột, phải đưa các con cháu về đồng bằng để tìm kiếm sự sống, xuôi theo những dòng sông chảy xiết… Lúc này, có sự trợ giúp và bảo vệ của Mẹ Nước và Mẹ Đất. Mẹ Nước là Mẫu Thoải, mẹ Đất là Mẫu Quỳnh Hoa.
 
Những đàn con, cháu về được đồng bằng, sung sướng quá nhưng họ cũng gào thét, khóc lóc vì nhớ Mẹ Thượng Ngàn, nhớ những người anh em ruột thịt bị nước cuốn đi trong cuộc di dân đầy máu và nước mắt… Họ hát lên câu Mẹ, ca ngợ công lao của Mẹ, ca tụng cuộc sống mới và những bài hát này còn kể lại những chặng đường đi đầy kinh hãi và bi kịch từ biệt Mẹ Thượng Ngàn. Chúng là nguồn gốc của những điệu hát văn, ca trù, chèo… Về sau này, nếu những giọng hát văn, ca trù, chèo… mà không có nước mắt, ngậm ngùi, sóng nước vạn trùng, biệt ly, tử nạn… thì thiếu mất cái hơi hướng nguyên thuỷ của chúng. Nghĩa là mất gia phả, không thể hay được.
 
Thế là người ta thờ Tam phủ ở tầng trên trong điện Mẫu. Mẫu Thượng Ngàn ở giữa mặc áo xanh, tượng trưng cho cây và núi, rừng. Mẫu Thoải phụ trách về sông nước, mặc áo trắng. Mẫu Địa phụ trách đồng bằng, mặc áo vàng. Mẫu Thoải ở bên trái. Mẫu Địa ở bên phải.
 
Sau đó, người ta thời Tứ phủ vì có thêm Mẫu Liễu Hạnh. Bốn Mẫu Tứ phủ ngồi ở tầng thứ hai trong điện Mẫu. Mẫu Liễu Hạnh là tượng trưng cho sắc đẹp và nữ tính. Mẫu dũng cảm, bênh vực kẻ yếu, giúp đỡ mọi người lương thiện, trừng phạt kẻ làm càn, độc ác. Mẫu đầu thai vào một gia đình họ Lê. Lớn lên được gọi là Giáng Tiên, Giáng Tiên kết duyên cùng Đào Lang, được hai mặt con rồi về trời. Giáng Tiên lại xuống trần lần nữa, thăm mẹ chồng và chồng con. Nhưng lần này, người tiên giới không sống theo người phàm tục. Giáng Tiên đi mây về gió, hoá phép thành mọi kiểu người và đùa cợt với người đời. Khi là bà già, khi là cô gái nhan sắc, lúc trở thành bà bán quán. Giáng Tiên đi khắp nơi rồi tạt vào Nghệ An, phải lòng một chàng thư sinh rồi lấy anh ta. Nhưng chỉ ít lâu lại về trời. Lần sau nữa, Giáng Tiên lại cùng với những cô thị nữ xuống trần để cứu giúp chúng sinh.
 
Qua những lời dẫn trên, chúng ta thấy Mẫu Liễu Hạnh là tiên, là thánh, là cô gái, là người mẹ, người vợ rất bình thường mà cũng rất không bình thường. Mẫu Liễu Hạnh biểu trưng cho sức sống, cho sự giải phóng ý thức tự do và lòng nhân đạo của phụ nữ.
 
Hàng thứ ba trong điện Mẫu là Ngũ vị tôn ông. Những vị này là những trang nam nhi dũng cảm, văn võ song toàn, một lòng vì đất nước, vì mọi người. Họ là những người giúp đỡ các Mẫu và thi hành sứ mệnh của các Mẫu. Các vị này được dân kính trọng và yêu mến nên được gắn vào những vị anh hùng dân tộc như Trần Quốc Toản, Cao Lỗ, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng…
 
Hàng thứ tư trong điện Mẫu dành cho các Cô, các Cậu. Là những vị nhỏ tuổi, làm phụ tá cho các tôn ông, các ông hoàng. Nhưng cũng gần gũi với các Mẫu. Như cô Bé Bắc Lệ là thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn… còn có những cô Bơ, cô Chín Giếng, cô Thác Bờ, cô Bé Đông Cuông, cô Đền Sòng…
 
Bên cạnh các Mẫu còn có những Kim Đồng, Ngọc Nữ. Đó là những vị thánh ở tuổi nhi đồng. Họ tượng trưng cho Ngày Mai.
 
Đi theo với tín ngưỡng Mẫu có tục hầu bóng. Không phải chỉ riêng ta mới có tục này. Đó là hiện tượng mời linh hồn anh linh của những bậc siêu nhân nhập vào một người đồng nào đó rồi lên phán những lời khuyên răn, dạy bảo, an ủi mọi người sống trong cuộc sống nhiều khó khăn khổ ải. Siêu nhân còn chữa bệnh cho người trần mắt thịt. Linh hồn của các vị thánh thần nhập vào người hầu đồng trong môi trường khói hương mờ ảo có cung văn, hát những bài hát ca ngợi Mẫu, cầu Mẫu và những vị giúp việc cho Mẫu. Đồng thời cũng ca ngợi đất nước tươi đẹp nở hoa được Mẫu và các vị thánh thần che chở. Các lời hát được đệm bằng những tiếng đàn, tiếng tiêu, cảnh, trống… réo rắt mà nghiêm trang. Hiện tượng này gọi là “nhập đồng”. Với tín ngưỡng Mẫu, các vị thần linh rất gắn bó với con người trong cuộc sống để giúp đỡ con người, bảo vệ con người vượt qua mọi rủi ro, như thể Mẹ cao cả bảo vệ giúp đỡ con vậy. Lòng yêu Mẫu và lòng yêu đất nước hoà quyện làm một. Do đó, tín ngưỡng Tứ phủ được trường tồn.
 
Theo nhà nghiên cứu Durand thì Mẫu không nhập đồng, chỉ có những vị thánh là hoá kiếp của Mẫu cùng với những ông hoàng, các công chúa là những người phụ tá cho Mẫu nhập đồng mà thôi.
 
Trong sinh hoạt hầu bóng, hát văn (chầu văn) có giá trị nội dung và văn chương rất cao. Âm nhạc đậm đà, bay bổng mà sương khói nhiều vẻ. Nghe lầu không biết chán. Vũ đạo giản đơn, đầy những nét tượng trưng và mang trong mình nhiều tín hiệu của những thời xa xưa bị lãng quên. Điện thờ được bài trí choáng ngợp, nhiều màu sắc. Những nghi lễ được tình bày nghiêm trang là những mô típ lấy từ cuộc sống. Tất cả những điều này cộng với lòng tôn thờ, kính trọng, đặt niềm tin vào Mẫu, đã làm cho tín ngưỡng Mẫu có một sức sống mãnh liệt để có thể tồn tại cùng với những tín ngưỡng nơi Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Tín ngưỡng sớm nhất của con người Việt Nam là tín ngưỡng thờ Mẫu.
 
Trên đất nước ta, chùa nào cũng có điện Mẫu. Ngay cả sau khi Phật giáo trở nên quốc đạo, các điện Mẫu vẫn tồn tại ngay trong chùa. Có một số chùa được xây dựng trên nền đất của một điện Mẫu đã bị sụp đổ. Chùa xây lên cũng dành vị trí nhất định cho một điện Mẫu. Ví dụ như chùa Dâu, chùa Keo ở Hà Bắc. Điện Mẫu lớn nhất ở ta là điện Mẫu Phủ Giày. Điện Mẫu toàn bằng lim, có ao hồ vỉa đá xanh cùng với nhiều công trình với các kiểu kiến trúc và trang trí ở một trình độ nghệ thuật cao. Ở đền Lộ, thuộc Hạ Hồi cũng có ba điện thờ Mẫu rất nguy nga… Chỉ tính riêng một huyện Từ liêm sát ngay Hà Nội cũng có chừng hơn 20 điểm thờ Mẫu với đủ mọi tích chuyện cảm động về các Mẫu được hoá thân vào các vị anh hùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước… Đâu đâu, người ta cũng kể cho nhau nghe về một thế giới Mẫu qua những câu chuyện huyền ảo mà có thật bay lên từ cuộc sống.
 
Qua những phân tích trên, chúng ta có thể nói, tín ngưỡng Mẫu là tín ngưỡng cội nguồn, đích thực của Việt Nam. Nó trường tồn với dân tộc vì nó có được lòng tin cao cả, có quy mô về tâm linh và về lượng tín đồ trong cả nước. Điện Mẫu phản ánh những mảng sống và tâm linh từ thời mẫu hệ. Điện Mẫu là một phần của lịch sử, đã được bắt rễ trên mảnh đất tràn đầy ánh sáng của chúng ta.
 
Quỳnh Như
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)