Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 25/02/2016 03:00
Kim Hoàng – một địa chỉ giàu truyền thống văn hoá, cách mạng đất Hà Nội

Đi qua Cầu Diễn, rẽ qua trái vào Thị Cấm. Từ Thị Cấm, tới ngã tư Canh rồi đi chừng một cây số nữa, rẽ trái là tới xã Kim Hoàng làng Vân Canh thuộc Hà Nội.

 
Xã Kim Hoàng làng Vân Canh đã nổi tiếng khắp vùng và trong cả nước. Đó là quê hương của cam Canh, của dòng tranh Kim Hoàng ngang vai với tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Kim Hoàng còn là một làng khoa bảng. Vào đời Lý, làng có bốn danh nhân, trong đó có một tể tướng tên là Đỗ Kính Tu. Đời Lê - Nguyễn, làng có 15 vị đỗ đại khoa. Làng có chừng 20 dòng họ: Nguyễn Tài, Nguyễn Sỹ, Bùi, Trần, Lý, Lê, Đỗ, Ngô… Nơi đây, nghề làm thuốc chữa bệnh có truyền thống từ rất lâu và duy trì đến tận nay. Dòng họ làm thuốc, chữa bệnh lớn nhất là Nguyễn Tài, là dòng họ có giáo sư, anh hùng lao động Nguyễn Tài Thu đã có công lớn trong việc giới thiệu nghệ thuật châm cứu Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, nơi đây còn có nhiều dòng họ có nghề chạm khắc, thêu, vẽ tranh đề thơ chữ Hán và chữ Nôm với những nét thư pháp rồng bay phượng múa. Họ chơi tranh và cũng chơi chữ. Chính nơi đây đã sản sinh ra một nghệ sĩ tài ba Bùi Xuân Phái, người làm vẻ vang cho nền hội hoạ Việt Nam. Ông là một trong bốn hoạ sĩ nổi tiếng của Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tứ Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái).
 
Nơi đây có mộ Lý Trần Quán thi đỗ tiến sĩ năm 1766, có cổng làng rất đẹp dựng năm 1701, đã được trùng tu nhiều lần, một ngôi đình nguy nga và một ngôi chùa cổ gọi là chùa Bi. Đình có tên là đình Kim Hoàng do hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng sát nhập lại xây nên. Đình có nhiều bức chạm khắc, phù điêu có giá trị nghệ thuật cao. Gian giữa trang nghiêm với những bức chạm rồng ổ, rồng cuốn, sóng, nước, mây lửa. Hai gian trái không phải là nơi hành lễ có chạm những nét rồng, phượng phiêu bồng và những cảnh sinh hoạt dân dã, trần tục như đánh vật, hội hè, cưỡi voi, thổi sáo. Lại có bức thể hiện cảnh trai gái vui đùa với nhau, mấy cô thiếu nữ tắm trong hồ sen tinh nghịch và lẳng lơ, cười đùa thoả thích. Có cô gái tốc cả váy lên thể hiện một dáng múa vũ trụ. Chùa Bi thật độc đáo, trên phần tam bảo còn có hai bệ cao đặt sáu pho tượng cổ đến nỗi những vẻ mặt và trang phục của tượng chỉ còn là sương khói. Trên cao nhất là bức hoành phi có đề bốn chữ: “Tây phương mỹ nhân”. Có lẽ tất cả các ngôi chùa trong toàn quốc chỉ có chùa này là có bức hoành phi này mà thôi.
 
Khi đến thăm chùa khách được hưởng chút tinh thần và không khí “Thiền”. Ngoài ra còn được vấn vương với tấm hoành phi có mấy chữ “Tây phương mỹ nhân” này. Để được hiểu biết thêm rằng kẻ tu hành cũng vui lòng nhận vào mình cái đẹp của con người chúng sinh. Mỹ nhân không phải chỉ là nữ mà là cả nam nữa. Cái đẹp của nam và nữ cũng mang đến cho con người điều thiện và tinh thần sáng tạo. Có điều, kẻ tu hành nhận vào mình cái đẹp của con người trần tục một ít thôi mà cho là đủ rồi, theo phương châm: “Nạp thiểu, tri túc”.
 
Ngày nay, làng Vân Canh (Kim Hoàng) là làng có nhiều lương y giỏi. Một số gia đình làm nghề chạm khắc, buôn bán. Họ đang cố gắng khôi phục lại truyền thống vẽ tranh Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng rực rỡ và sắc sảo. Không ai quên được những bức tranh gà Kim Hoàng có đề bài thơ cổ ca ngợi con gà. Bài thơ vốn bằng chữ Hán, được cụ Trần Kiền dịch nôm như sau:
 
Họ gà năm đức, dáng phượng hoàng
Rừng núi, đồng bằng tiếng gáy vang
Quỷ khóc, thần kinh, tà phải tránh
Quây quần làng xóm, mãi trường sinh…
 
Và người Kim Hoàng quý con gà trong tranh. Họ ca ngợi vẻ đẹp của con gà trống có 5 đức tính tốt đẹp: Gà có mào làm tăng vẻ bệ vệ và đẹp là có chất văn. Chân gà có cựa là gà có cả võ. Khi gặp đối thủ là gà nhảy vào chiến đấu rất dũng cảm tức là có chất “dũng”. Con gà mỗi khi kiếm được mồi là gọi con cháu, láng giềng đến cùng ăn là có “nghĩa”. Gà bao giờ cũng gáy đúng giờ là giữ chữ tín.
 
Có thể thấy, dân làng Kim Hoàng có truyền thống hiếu học. Mọi người đua nhau học tập và tiếp cận những điều mới mẻ. Mọi người đi học và đi làm việc ở nước  ngoài hoặc ở khắp nơi trong toàn quốc vẫn gắn bó mật thiết với quê hương. Họ thường đóng góp để xây dựng xóm làng. Họ rất nặng tình với xóm làng và có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế làng được liệt vào một trong bốn danh hương: “Mỗ, La, Canh, Cót” của ngoại thành Hà Nội.
 
Hơn nữa, làng Vân Canh cũng là làng có truyền thống cách mạng. Năm 1929, làng có hai người là thành viên của Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, tổ nông hội đỏ được thành lập tại đây. Đó là một tổ chức quần chúng đầu tiên của Đảng Cộng sản trên địa bàn Hà Đông. Trong lúc chủ quyền chưa thuộc về cách mạng, xóm nhà cụ Nguyễn Thị Ba đã có vinh dự được Trung ương và Xứ uỷ Bắc kỳ chọn làm an toàn khu. Vừa là đầu mối giao thông liên lạc với các cơ sở cách mạng vừa là địa điểm dự bị cho các cuộc họp quan trọng của Đảng trước những năm kháng chiến. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, con em làng Vân Canh đã có 82 liệt sĩ.
 
Làng Vân Canh nổi tiếng là một làng đẹp. Bởi, làng là cả một vườn hoa lớn, phong quang, có nhiều cây cổ thụ, đầm sen, ao cá. Giờ đây, dân làng Vân Canh đã bắt nhịp khá nhanh với cuộc sống mới, nhưng vẫn giữ được hương vị và nền nếp truyền thống tốt đẹp xưa. Vàì lẽ đó, mà hôm nay người ta biết đến Kim Hoàng – một địa chỉ giàu truyền thống văn hoá, cách mạng đất Hà Nội.
 
 
Khắc Lý
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)