Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 29/02/2016 02:57
Rằm tháng giêng và tục lễ rằm tháng giêng - ngày đẹp nhất trong một năm

Ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch, còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, ngày đẹp nhất trong một năm. Vì vậy, người dân các nước châu Á coi việc cúng rằm này là rất quan trọng. Rằm tháng giêng là một trong những ngày lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Vào ngày này, mọi người thường đi lễ chùa, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình.

 
Ở thời mẫu hệ, mặt trăng được coi trọng hơn mặt trời. Mặt trăng là mẹ dịu hiền, là tất cả. Đến thời phụ hệ thì mặt trăng xuống hàng thứ hai. Hàng đầu là mặt trời, tượng trưng cho người cha, cho vương quyền. Nhưng người ta vẫn gắn bó nhiều với mặt trăng. Ban ngày nóng nực, phải kiếm ăn quá vất vả, người ta chỉ có ít thì giờ nghỉ ngơi, họp mặt nhau, vui vẻ với nhau để sáng tạo ra những chuyện kể, những trò chơi, hát, hò… Người ta sáng tạo ra chị Hằng, chú Cuội… Nhưng, những điều ấy thường chỉ thực hiện được trong những đêm trăng sáng, nhất là trong những ngày rằm, có vành trăng tròn đầy. Gọi là trăng buổi dậy thì. Những đêm rằm, trăng sáng vằng vặc đối với mọi người là cả một hạnh phúc to lớn. Người ta ca ngợi đêm rằm, vui, buồn cùng trăng, ngắm trăng, tâm sự với trăng… Do đó, trăng nhuốm màu thiêng liêng. Ngày rằm tháng giêng là ngày rằm đầu tiên một năm.
 
Sau này, ngày rằm được gán vào với các tôn giáo. Người ta chọn ngày rằm là ngày hệ trọng. Là ngày Ngọc Hoàng thượng đế cho triệu tập tất cả các thế lực quyền uy bất tử ở trên trời và ở dưới đất lại để xét duyệt các đơn từ (sớ tấu), nguyện vọng, cầu xin của người trần mắt thịt trong cả một năm. Đạo giáo cho ngày rằm là ngày thiêng liêng cho sự tu luyện trở thành siêu nhân. Trong đêm rằm có diễn ra hội quần tiên, hội bàn đào… Phật giáo cho ngày rằm là ngày tốt đẹp, ngày cầu bình an, ngày của tấm lòng và sự hài hoà, của điều thiện. Người ta coi ngày rằm là ngày của Bụt, của Thánh. Từ đó, dân gian có câu: “Trăng rằm còn đó trơ trơ”. Hoặc như “Hôm nay 14, mai rằm. Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa”. Thị Mầu trong vở “Quan Âm Thị Kính” muốn cho một tháng có “đôi rằm”. Anh chàng quan họ đã tự mình chẻ tre đan nón cho người yêu để cô ta đi xem cái đêm hội rằm.
 
Ở ta, đã từ rất lâu, người ta cứ đinh ninh rằng ngày rằm tháng giêng là ngày đẹp nhất trong một năm. Ai cũng bảo: “Lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Bởi ngày rằm có ý nghĩa thiêng liêng hơn tất cả những ngày rằm trong năm. Nó là tuần trăng đầu tiên trong năm, ở vào lúc mà không khí ngày tết Nguyên đán cổ truyền vẫn còn đằm thắm trong lòng mọi người. Lại đúng vào lúc nông nhàn, trời trong sáng, không rét buốt như những ngày trong năm cũ.
 
Trong ngày 14 và rằm tháng giêng, tất cả các đình, chùa, đền, miếu đều đèn, nến sáng trưng, khói hương mù mịt. Các sư, sãi, ông từ, bà đền đều ăn mặc theo tôn giáo làm lễ, tụng kinh, chạy đàn, rước xách, múa “lục cúng” có kèm theo âm nhạc và những động tác múa từ xa xưa giàu chất nghệ thuật và biểu diễn. Các con công đệ tử chen lẫn nhau đến lễ, mang theo các lễ vật. Người khấn vái đứng, kẻ khấn ngồi. Cái quan trọng nhất là người nào cũng phải dâng một lá sớ tâu lên Ngọc Hoàng thượng đế và các bậc siêu nhiên để xin được che chở, giúp đỡ. Lá sớ là do các ông thầy cúng hay chữ viết cho.
 
Và người ta đón ngày rằm từ trước đó mấy ngày. Ngày 14 tháng giêng là tưng bừng nhất. Ngày 14, người ta tắm rửa sạch sẽ gọi là rũ bụi, mặc các bộ quần áo mới hoặc sạch sẽ nhất. Đặc biệt là ở Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), các bà các chị ăn mặc cầu kỳ và đủ lệ bộ. Ngoài bộ quần áo mớ ba mớ bảy nhiều màu sắc ra họ còn đeo dây lưng có xà tích, ống vôi quả đào… Nhiều nhà không ăn mặn mà ăn chay. Nhiều người kiêng khem cả chuyện chăn gối. Đêm 14 náo nức tựa như đêm Noel của đạo Thiên Chúa. Họ đi lễ tại các đình, chùa, miếu trong hai đêm 14 và 15. Họ đệ sớ lên xin với Ngọc Hoàng thượng đế, đức Phật, vua Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu, các Mẫu, các vị Thánh… Các lá sớ được viết từ mấy hôm trước. Người đi lễ dâng sớ trình bày nguyện vọng, sở ước của mình trong suốt một năm. Thường chỉ xin một, hai điều chính yếu. Ví dụ như xin được buôn may bán đắt, được làm nhà, có con trai… Đồng thời trong sớ cũng kèm theo một vài điều sám hối của mình. Những điều này được giữ bí mật tuyệt đối. Nghĩa là chỉ có đương sự và ông thầy cúng viết sơ biết mà thôi. Chẳng hạn như đương sự đã phạm phải một vài hành động độc ác hoặc không công bằng gì đó kiểu như đương sự đuổi nàng dâu ra khỏi nhà, đối xử tàn tệ với bạn… Những điều này, ngay cả chồng hoặc con đương sự cũng không được biết. Lại có một số điều bí mật ở cỡ cao hơn nữa.
 
Chẳng hạn như đương sự đã từng có hành động ngoại tình thì đương sự chỉ khấn sám hối không ra tiếng khi ngồi lễ. Những chuyện như vậy thật là bí mật mà cũng rất là con người. Đương sự đã dám sám hối khi tin vào một sức mạnh truyền kiếp và suy tưởng. Thà là tin vào một cái gì còn hơn là chẳng tin vào cái gì cả. Vì như vậy thì con người sẽ trở nên liều lĩnh bản năng, không có được sự viện trợ của văn hoá. Vả chăng, con người có văn hoá cũng phải có điều gì để tôn thờ và suy nghĩ. Họ còn có tin tưởng và suy nghĩ là đã có được sự chế ngự bản năng, hạn chế được sự gây tác hại cho cộng đồng. Đó là sự khuyến thiện trừng ác cao cả.
 
Và trong những ngày 14 và rằm, mọi người có được một không gian thiêng liêng và thời gian thiêng. Mọi người đều có tấm lòng rộng mở, hướng về các bậc bề trên linh thiêng, những con người siêu phàm. Trong đó có cả các vị anh hùng có công với đất nước. Không gian thì hoành tráng, nguy nga những đền, đài, chùa, đình tráng lệ, có tiếng chuông, tiếng mõ, hương khói lại sự tươi mát của thuở ban sơ. Tất cả mọi sự vật diễn ra hàng ngày bị vẩn đục, bỗng có những giây phút được sáng ngời lên như buổi mới được sinh ra. Người ta kính mến Bà Trưng, Bà Triệu, lại thương Thị Kính, coi vết thương của Thị Kính như thể là vết thương của người đàn bà bị hành hạ. Người ta thêu dệt sự khổ đau và cao cả của một người đàn bà, cầu mong cho người ấy bất tử. Người ta không bất tử, nhưng người ta mong muốn được phục vụ cho cái bất tử. Người ta đi lễ, xem rước, nghe nhạc lễ, xem múa lễ… sẽ thấy thanh thản, sung sướng. Họ thấy đứa trẻ trong họ được sống lại một cách cải tử hoàn sinh.
 
Không phải ngẫu nhiên, cái tập tục coi ngày này là ngày đẹp nhất trong một năm, coi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng cứ được giữ cái trang trọng truyền thống lâu dài trong văn hoá Việt Nam như vậy. Nó tồn tại với cái tinh thần cao cả và cái đẹp đến thiêng liêng ăn sâu vào lòng mọi người.
 
 
Minh Thư sưu tầm, tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)