Vua Văn Chương đời Chu chết sau một ít ngày lại sống trở lại do sai sót về sổ sách giữa Nam Tào và Diêm Vương. Vua được tham quan cuộc sống dưới âm. Vì không ăn bát cháo “lú lẫn” nên tỉnh táo mà quan sát được cuộc sống ở đó rồi lại trở lại với dương thế. Vua phổ biến cho mọi người thấy dưới âm phủ thiếu thốn mọi bề và đề xướng việc người trên dương thế hãy gửi đồ tiếp tế xuống cho người thân ở dưới âm phủ. Các mầm mống tôn giáo lợi dụng chi tiết này mà bày vẽ ra nhiều chuyện huyền hoặc. Thế là hình thành một lớp người chuyên sản xuất các đồ dùng, đồ vật bằng giấy gửi xuống cho người chết qua một quá trình sản xuất rồi đốt đi. Việc làm này gọi là đốt vàng mã. Những người làm vàng mã chế tạo ra đủ mọi thứ như nhà cửa, sập gụ, tủ chè, chõng tre, nồi, ấm, mâm, bát, đĩa, áo quần, giầy dép, xe, ngựa, chó, thuyền, xe đạp, hình nhân, kính, bút, tráp ăn trầu, vàng, tiền,… Có người còn đốt cả xe máy, xe ô tô, tủ lạnh, nhà ba tầng có mái bằng, tiền, đô la… mang dáng dấp hiện đại.
Những người chết không có họ hàng thân thích nghĩa là không được tiếp tế qua việc thờ cúng là những cô hồn phiêu dạt, chỉ biết trông chờ vào việc đi xin hoặc đợi chút quà bánh và mấy hớp cháo lá đa ngày xá tội vong nhân rằm tháng bảy. Họ biến thành những ma đói, đi phá phách làm nhiều điều càn rỡ: “Đói ăn vụng, túng làm càn”.
Trước khi đốt vàng mã, gia chủ khấn với các vị thần linh, xin chuyển hộ mọi thứ xuống cho thân nhân của mình theo đúng, tên, tuổi. Lẽ dĩ nhiên, những người thực hiện việc chuyển giao đó cũng có phần bằng cách được trích ra một số của cải hoặc đồ dùng mà gia chủ gửi xuống. Khi đó, gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đốt lên một hoặc ba nén nhang. Cũng có lúc đốt năm nén, rồi vái ba vái, bày tỏ nguyện vọng của gia chủ. Đốt một nén nhang gọi là “tâm nhang” để tỏ lòng mình đối với người thân đã khuất, cũng là có sự mong mỏi được người thân giúp đỡ. Đốt ba nén gọi là “cầu nhang” nhấn mạnh yêu cầu được che chở cho mọi mặt. Đốt năm nén nhang là gồm cả tâm nhang và cầu nhang. Nhưng đó là vào những ngày giỗ, chạp chính hoặc chập vào những ngày lễ, tết, hội hè trong năm. Từ trước đến nay, có nhiều người tưởng rằng cứ đốt càng nhiều nhang càng tốt. Nhưng không phải vậy. Có người đốt từng bó nhang lớn làm khói bay mù mịt. Đó không phải là thắp nhang mà chỉ là làm cho mọi người xung quanh bị ngạt mà thôi.
Việc đốt vàng mã cũng tuỳ theo túi tiền của gia chủ. Giàu thì vẽ vời vô kể và đủ mọi điều. Nghèo thì giản đơn nhiều. Có thể là một bó nhang khoảng 50 nén, một sấp vàng giấy (vàng lá) ở giữa có quết một số vệt ngân nhũ. Trên lớp ngân nhũ là màu vàng hoè, một xếp giấy bạc 5 ngàn đồng của ngân hàng âm phủ, một xếp tiền đô la âm phủ… Đấy là đủ yêu cầu đơn giản cho một lần cúng gia tiên. Hàng năm, mỗi gia đình có khoảng 10 lần cúng gia tiên như vậy cộng với hai lần giỗ nội, ngoại và một lễ tảo mộ. Nhưng ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Táo lên chầu giời thì nhà nào cũng phải có, sắm thêm ba cái mũ và ba cái áo giấy. Ba ngày Tết phải có một nghìn vàng thỏi. Đến ngày Nguyên tiêu, nhiều nhà mua thêm vài bộ quần áo và một, hai con ngựa. Tết Đoan ngọ và Tết mồng ba tháng ba (tết Hàn thực) cũng sắm thêm chút vàng, mã. Ngày rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân. Ngày này dưới âm phủ, mọi người được giải phóng. Trên trần, mọi người thi nhau đốt vàng mã. Rằm tháng tám đốt thêm ngựa, xe và các hình nhân thế mạng. Trong dịp này, mọi người nô nức sắm các loại đèn và ông tiến sĩ bằng giấy. Những buổi lên đồng, chừng 4, 5 giá, tiền vàng mã mất chừng một đến hai triệu đồng và nhiều hơn nữa tuỳ thuộc vào giá lớn, giá nhỏ. Những ngày giỗ cha, mẹ, các con cháu góp tiền lại mua vàng, mã đốt mất chừng ít nhất vài trăm ngàn.
Những người làm hàng mã, cỡ bậc thầy chỉ cần làm một vụ vào tháng 7, tháng 8 âm lịch là đủ cho cả một năm. Họ có câu: “Quanh năm chỉ cần hai tháng”. Những người làm hàng mã giỏi thường là những người ở làng Mái (Đông Hồ), nơi ven sông Đuống thuộc Hà Bắc (Nay là Bắc Ninh). Làng Mái là quê hương của làng làm vàng mã và tranh Đông Hồ nổi tiếng. Hai phần ba làm vàng mã và một phần ba làm nghề vẽ, in tranh Tết. Nhiều gia đình làm cả hai mặt hàng. Chính họ là những người đầu tiên ra mở cửa hàng bán vàng mã ở phố Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân. Họ sản xuất ở làng Mái rồi đem hàng ra bán và nhận đặt hàng ở phố Hàng Mã. Phố này lúc nào cũng tấp nập. Nó chỉ chừng hơn 40 cửa hàng hình thành hai dãy phố ngắn. Nhưng cửa hàng nào cũng có chiều sâu hun hút đủ để vừa ở, vừa bán hàng và sản xuất các mặt hàng về vàng mã cung cấp khắp nơi. Hiện nay, phố Hàng Mã vẫn là nơi tấp nập buôn bán đồ vàng mã phục vụ cho tục đốt vàng mã. Ngoài ra đây là phố bán đồ chơi, đồ giấy phục vụ cho tết trung thu.
Chuyện đốt vàng mã cho người đã chết, cho ông bà tổ tiên là một tập tục có từ xưa, mọi người tìm thấy niềm an ủi, niềm tin khi tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên vớ quan niệm “trần sao âm vậy” mà giờ những tiện nghi hiện đại như nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động và nhiều vật phẩm khác mà chúng ta sử dụng cho cuộc sống trần gian đều được làm bằng vàng mã để nhân những ngày lễ, giỗ quan trọng con cháu hoá gửi cho các cụ gia tiên, ông bà. Đây là một tập tục thể hiện một nét riêng trong văn hoá tín ngưỡng người Việt. Nhưng đừng để mù quáng, say đắm vào việc tín ngưỡng và những tập tục như đốt vàng mã mà mê muội gây tiêu tốn nhiều tiền của, lãng phí khi kinh tế gia đình còn khó khăn.
Như Quỳnh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội