Cái bình đựng vôi ra đời từ rất sớm. Trước hết là những cái bình bằng đất nung, bằng sành có đựng nước lã. Người ta thả vào trong bình một vài cục vôi sống. Vôi tan ra và tạo nên một khối vôi loãng, sột sệt. Đó là vôi để ăn trầu. Xa xưa, một xóm làng mới có một bình vôi như vậy với hình dáng rất lớn. Nhà nào dùng vôi thì ra nơi công cộng lấy về một chút để dùng dần. Sau này, nhà nào cũng có một bình vôi cho riêng mình.
Cái bình vôi có dáng dấp một quả bí ngô cao lên hoặc dẹp xuống. Cũng có hình một cái ấm tích, một chiếc lọ tuỳ theo cách tạo dáng hơi kỳ quặc của nghệ nhân. Những bình vôi sau này bằng gốm, sứ được tráng men trắng hoặc xanh, được trang trí bằng những hình vẽ màu nhẹ nhàng, sinh động. Có cây, có hoa núi non, sông nước. Một bình vôi có mấy nét cỏ, một đám mây và một vẻ thôn xóm đã gợi ý cho một nhà thơ viết nên một câu thơ rất hay: “Cỏ Bồng, mây trắng, vắng làng thu”. Bình vôi hình một cái bình có quai xách. Phía trong bình chứa vôi trắng. Một bên là một lỗ tròn với đường kính chừng 2 - 3cm. Lỗ tròn này có dáng vểnh lên cao một chút. Qua cái lỗ tròn này, người ta cho nước vào cùng với những cục vôi. Đối diện với lỗ có đám vểnh lên là một lỗ nhỏ để thoát hơi.
Nằm trong bình vôi là lớp vôi đã được tôi ở dạng sữa đặc có màu trắng nõn nà gợi đến nước da trắng ngọc ngà của phái nữ. Người ta vuốt một que tre dài có dáng chiếc bơi chèo, chọc vào lỗ bình vôi mà kều vôi ra để quệt vào lá trầu rồi nhai với cau. Cái quai xách (tay xách) cũng được trang trí bằng những hoa văn như hình bát quái, âm dương hoặc hình vẽ vài quả cau để nhắc đến chuyện trầu cau cổ tích. Cái bình vôi được đặt ở một vị trí dễ thấy trong gia đình. Khi đã sử dụng lâu, vôi trong bình bị cứng hoặc bị rạn nứt tí chút, chủ nhà mua luôn cái mới và cái bình vôi cũ được mang ra đặt cạnh các cây đa cổ thụ hoặc cạnh miếu thờ, đền thờ. Như vậy là nó được đặt vào nơi có những bàn thờ nhỏ luôn luôn được nhang khói: người ta thường quấn rễ con buông rủ xuống của cây đa vào quai xách những chiếc bình vôi làm cho chúng được treo lên lơ lửng. Ban đêm hoặc có trăng lên, ta thấy bức mành rễ đa đu đưa nhẹ nhàng theo gió cùng với những chiếc “đèn lồng” bình vôi. Đó là một cảnh tượng quen thuộc. Người đời sau thấy vậy lại nhớ đến những đám cưới xin, ăn hỏi có các bà, các chị xúm nhau lại quệt vôi và têm trầu với những tiếng cười, những câu chuyện râm ran.
Cách nay khoảng gần hai chục năm, ở cây đa nhà Bò phố Lò Đúc, cây đa cửa quyền phố Hàng Bông còn có nhiều chiếc bình vôi. Bên cạnh đền Long Tỉnh, bên cái bàn thờ của cái giếng đá vẫn còn chừng năm chục chiếc bình vôi. Lúc đó, các thuỷ thủ nước ngoài đã mua hàng trăm chiếc bình vôi Việt Nam. Bình vôi càng cổ càng có giá trị và việc này còn tiếp diễn, khách mua bình vôi còn đào sâu vào truyền thuyết bi kịch trầu cau đầy tính tâm linh và triết học của Việt Nam.
Khánh Phương tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội