Thơ ca Quốc ngữ bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ XX
Thơ ca Quốc ngữ xuất hiện trước tiên từ Nam bộ. Bước chuyển mạnh của nền thơ Quốc ngữ buổi ban đầu phải đợi tới khoảng thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX mới thực sự diễn ra. Sách vở và báo chương chữ Quốc ngữ ra đời ngày một nhiều hơn, ngày càng có uy vọng lớn hơn. Người ta bắt đầu quen với việc sáng tác được in ấn, phát hành; văn chương được coi như là hàng hóa và viết văn Quốc ngữ cũng có thể là một phương kế mưu sinh. Trong lời đề Khối tình con thứ nhất ra đời giữa khoảng thời gian này (1916), Tản Đà lần thứ nhất công nhiên nói tới việc hẹn bán thơ ca nơi phường phố: Còn non, còn nước, còn trăng gió,/ Còn có thơ ca bán phố phường.
Sự phát triển của chữ Quốc ngữ và thơ Quốc ngữ - Thứ văn hóa mới ấy - Văn hóa Quốc ngữ - sống và lớn lên chủ yếu nhờ những con người mới của thời đại bấy giờ chấp nhận. Đó là những bậc thi sĩ, những nhà trí thức mà các tầng lớp tư sản, tiểu tư sản đã cổ xúy cho chữ Quốc ngữ và hào hùng hơn là từ giữa lòng Hà Nội, trong thơ Đông Kinh nghĩa thục: Trước hết phải học ngay Quốc ngữ/ Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau./ Chữ ta ta đã thuộc làu/ Nói ra lên tiếng, viết câu lên bài… Chính nhờ những con người có trí óc sáng suốt, mới mẻ lại vẫn hoàn toàn hòa hợp với tinh thần dân tộc và trái tim yêu nước sắt son mà chữ Quốc ngữ đã thực sự trở thành “hồn trong nước” .
Như vậy, biểu hiện rất quan trọng của sự trưởng thành thơ Quốc ngữ là sự xuất hiện thơ ca Quốc ngữ trên đất Bắc, khi vừa bén duyên văn tự Bắc Hà thì thơ Quốc ngữ đã mang vẻ trau chuốt, thanh tao, với những vần thơ ngay từ đầu đã sớm lộ anh hoa của một Tản Đà hay một Trần Tuấn Khải. Bên cạnh đó Đoàn Như Khuê đã trợ lực cho thi sĩ lớn Tản Đà và Á Nam Trần Tuấn Khải cắm những cột mốc đánh dấu cho sự lớn lên của thi ca Quốc ngữ. Tuy nhiên, trong những công trình nghiên cứu gần đây lại cho rằng năm 1920 mới thực là thời điểm quan trọng trên chặng đường phát triển của văn chương Quốc ngữ và thi ca Quốc ngữ. Quả thật ở giai đoạn này thơ Quốc ngữ có nhiều thay đổi lớn. Số tác giả và tác phẩm thơ tăng lên gấp bội. Thơ Quốc ngữ bày tỏ nhiều và công khai với niềm hoài vọng thiết tha về quá khứ oai hùng của dân tộc. Trước đây, mới chỉ thưa thớt một tập Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca và Điếu cổ hạ kim của Nguyễn Liên Phong, một số thơ và từ khúc của Doãn Kế Thiện, Vũ Thanh Đàm, của Ái Hoa; Bây giờ thơ vịnh sự dào dạt của Bùi Kỷ, Nghiêm Xuân Lãm, Đạm Phương, Vũ Khắc Tiệp, Tao Đàn, Trần Ngọc Hoàn, Nguyễn Văn Áng, Trần Phụng Lãm, Phạm Văn Cung… đấy chỉ là một danh sách còn xa mới có thể coi là tạm đủ những tác giả hồi bấy giờ đã đi tìm cảm hứng thơ theo phương hướng mà sau này nhà thơ Sóng Hồng sẽ còn hào hùng khích lệ: Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng,/ Để tâm hồn dào dạt với Chi Lăng/ Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt. (Là thi sĩ)
Khai thác đề tài lịch sử trong thơ ca Quốc ngữ phải nhắc đến Nguyễn Phan Lãng với bài thơ Mơ Tổ mắng, đã thực sự đạt mức độ độc đáo cả về hình thức thể hiện đến nội dung cảm xúc. Nguyễn Phan Lãng đã lựa chọn một con đường đi khác nhiều so với những bài thơ vịnh sử cổ truyền: Cũng nói tới Hùng Vương, nhưng ở đây Tổ tiên không phải là được gợi nhớ ra mà chủ động hiện về, tay cầm quốc, tay cầm bầu nước, để quở mắng lũ cháu con: Quốc còn quốc mất hay không hay!/ Nước còn nước hết bao trôi thây!/ Giang sơn cơ nghiệp ta ở đấy/ Thôi thôi ta chắc cậy gì bay?. Nói thế để thấy rằng, ngay trong chục năm được coi là tương đối ổn định hơn cả của chế độ thực dân thì thơ ca Quốc ngữ chân chính vẫn là nhịp đập của trái tim người dân Việt. Dưới sự đe dọa gắt gao, thơ chân chính vẫn níu giữ đến cùng sự trinh tiết của bản chất thơ, vẫn thổn thức không nguôi nỗi niềm cố quốc. Ý niệm về bản ngã, về cái tôi, sự nổi dậy về mặt tinh thần, một sự không cam chịu đã dần xuất hiện trong thơ ca ở giai đoạn những năm 30 của thế kỷ này.
Trần Tuấn Khải là tác giả của không chỉ mười lăm bài vịnh sử, trong đó nhiều bài có thể xếp vào loại hay nhất của loại thơ này như bài thơ Chơi thành Cổ Loa, Trương thán thi, Hai chữ nước nhà, Con hoàng oanh… Thi sĩ đã gắn tình yêu non sông đất nước như một tuyên ngôn thơ: Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn có non sông mới có hồn. Hẳn là vì thế mà ông đã thành một tài năng khó ai vượt nổi trong địa hạt sáng tác phong dao. Nhiều bài phong dao của ông đã thực sự trở thành ca dao, nghĩa là vượt khỏi vòng tay của người sáng tạo để trở thành tài sản, tâm hồn dân tộc. Song đỉnh cao của thơ Trần Tuấn Khải phải kể đến bài Gánh nước đêm hay bài Anh Khóa. Ở đó hồn ái quốc cao vời bỗng chuyển hóa thành tiếng lòng gần gũi, của con tim yêu thương: Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng/ Nước non gánh nặng/ Cái đức ông chồng hay hỡi có hay?/ Em trở vai này… (Gánh nước đêm) hay như: Anh Khóa ơi! Cái máy phân ly xình xịch sắp chia duyên/ Thôi anh ngồi lại để em bước lên trên mạn bờ./ Gió hiu hiu ngọn nước chảy lờ đờ/ Dưới sông con tàu chạy, trên bờ em với trông. (Tiễn chân anh Khóa xuống tàu). Có thể thấy trong những bài thơ đặc sắc nhất của mình, Trần Tuấn Khải không diễn tả lòng yêu nước của những hào kiệt như Phan Bội Châu hay những đấng tài hoa như Tản Đà đã làm. Thi sĩ gởi trọn tâm sự yêu nước vào tiếng nói của vợ anh Khóa, của một người đàn bà gánh nước đêm, những người phụ nữ bình dị nhất. Có thể nói, trong thời đại bấy giờ, Trần Tuấn Khải là người đi xa nhất trên con đường đưa nghệ thuật về gần với người bình dân và nâng tiếng nói của nhân dân lên hàng nghệ thuật.
Thi sĩ hơn cả trong số những thi sĩ đương thời, Tản Đà xuất hiện trên đời với một gánh tình nặng trĩu: Nặng lắm, ai ơi, một gánh tình (Chơi Hòa Bình). Con người Tản Đà có một khát vọng lớn lao là được hòa mình với đời, với người, với non nước. Chẳng khó gì nhận ra điều đó trong thơ ông, qua những bài như Vịnh bức địa đồ rách: Nọ bức dư đồ thử đứng coi/ Sông sông núi núi khéo bia cười/ Biết bao lúc mới công vờn vẽ/ Sao đến bây giờ rách tả tơi?/ Ấy trước ông cha mua để học/ Mà sau con cháu nghĩ là chơi!/ Thôi thôi có trách chi đàn trẻ/ Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi. Hay trong nỗi buồn giận, xót xa, lắng đọng: Ôi, Lý Trần Lê đâu mất cả/ Mà thấy hươu nai đủng đỉnh chơi (Chơi trại Hàng Hoa).
Trong những thập kỷ này, Tản Đà là nhà thơ Quốc ngữ đã bộc lộ nhiều nhất “nguyện vọng mãnh liệt muốn thoát ra khỏi thực tại” vốn là cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn, được thể hiện bằng những lời tuyệt vời của bài Tống biệt: Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,/ Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi./ Nửa năm tiên cảnh,/ Một phút trần ai…
Thơ Quốc ngữ có thuận lợi là được ra đời khi hấp thụ thành quả của thơ ca chữ Hán và chữ Nôm. Song thơ Quốc ngữ là một dạng văn tự mới mà vận mệnh gắn liền với sự rời bỏ một thời kỳ lịch sử. Vì thế, thơ Quốc ngữ sẽ nhanh chóng để lại sau mình nhiều rơi rớt cũ để làm bà đỡ cho một thi cảm yêu nước và trữ tình mới mẻ.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội