“Ngõ” - một không gian gắn bao kỷ niệm của mỗi người Hà Nội xưa và nay
Ở vùng Bưởi, khoảng giữa làng Nghĩa Đô và làng Dâu cổ có một cái ngõ mà khắp vùng biết tiếng – đó là “Ngõ Noi”. Nó ăn hun hút vào con đường dẫn đến làng Cổ Nhuế. Nó nổi tiếng từ lâu về vẻ đẹp. Nó hình thành bởi hai rặng tre xanh tươi bám chặt lấy nhau, chồng chéo lên nhau ở bên trên, để lại một con ngõ được vít xuống thành một cái cổng tò vò như kiểu cái cổng chào thiên nhiên. Những cây tre hai bên đường rủ xuống, che kín cả quãng đường vào ngõ. Đây là nơi tránh ánh nắng mặt trời gay gắt của những ngày hè oi ả. Gió từ mọi phía thổi vào cứ mát rượi, dịu êm. Về phía trái gần ngõ Noi là một mảnh vườn xanh mướt, có những hàng cỏ tóc tiên. Đó là vườn của nhà báo Phùng Bảo Trạch. Ngay bên phải ngõ Noi là một vườn hoa lớn nhất vùng, được gọi là Vạn Hoa trang, nghĩa là cái vườn này có rất nhiều loài hoa cho cả bốn mùa. Những hoa thơm cỏ lạ đều có trong vườn này. Đây cũng là nơi gặp gỡ của những tao nhân mặc khách. Những ngày hè, mọi người ở xung quanh và cả những người ở Kẻ Chợ (Hàng Ngang, Hàng Đào)… về đây nghỉ ngơi, ngắm cảnh, mua hoa. Những cặp tình nhân cũng rủ nhau đến đây để nói với nhau những lời tình tứ như: “Thương ai về ngõ vắng” hoặc như “Ngõ cũ chiều nay, em lại về”…
Và cái ngõ Noi này đã gây thêm cảm hứng cho nhà thờ Hoàng Cầm có được hai câu thơ rất hay trong kịch thơ Kiều Loan nổi tiếng của ông:
Tôi đứng chở thu xanh biếc ngõ
Thấy ông ôm mặt khóc Tần phi…
Hình ảnh cái ngõ chiếm một vị trí trong quan họ. Chẳng thế mà có hẳn một bài hát làm cho mọi người cứ thao thức – bài: “Ra ngõ mà trông”. Người ta trông ngóng nhau, đợi nhau, đi đi lại lại, ngắm cái ngõ mà tìm nhau, mà bồn chồn, khấp khởi, hy vọng và có lúc cũng thất vọng… Người ta dặn dò to nhỏ với nhau ở cái ngõ. Cái ngõ gắn liền với họ. Hình ảnh cái ngõ thật thân mật với họ.
Ở Hà Nội cũng có rất nhiều ngõ. Vì thành phố cần phải làm nhiều con đường to, nhỏ, cũng cần xây dựng nhiều khu phố. Do vậy, có nhiều khu nhà ở được mở cửa ra ngoài đường. Cũng có rất nhiều cụm nhà ở phải dẹp vào bên trong, hình thành nhiều cái ngõ. Có khi gọi là ngõ vì nó có con đường đi sâu vào bên trong. Ở Hà Nội có rất nhiều ngõ khá nổi tiếng vì các dấu tích xưa. Ngõ Trại Găng là như vậy. Có khi gọi là ngõ vì nó có con đường đi sâu vào bên trong. Ngõ Trại Găng ở khu Bạch Mai xưa có mấy xóm gồm những người dân lao động nghèo. Những phu kéo xe, những người làm trong lò lợn thành phố. Ở đây có cái lò võ, có phường múa sư tử nổi tiếng, có ôten (hotel- khách sạn) Đồng Lợi. Sau này có bãi đua ngựa của Tây chiếm đất nên ôten Đồng Lợi phải dọn lên phía nhà ga. Ở ngay ngõ Trại Găng là ngõ Văn Chỉ. Một thời gian, nhà văn Nguyễn Đình Lạp có cô em gái thật xinh tên là cô Tuyên. Nhà thơ Nguyễn Bính đem lòng yêu mến cô. Ông đã đi lại mòn hai cái ngõ này và làm rất nhiều bài thơ tại đây. Đi xuống một chút nữa là ngõ Bò, là nơi cư trú của nhà thơ Đinh Hùng. Đối diện với ngõ Bò là nhà của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Gần chợ Mơ có ngõ Giếng Mứt. Vì xưa ở đây có cái giếng nước trong và ngọt nên gọi là Giếng Mứt. Ngõ Quỳnh có hồ Quỳnh. Ngõ Cống Trắng phía sau Khâm Thiên ngập ngụa và lầm than nhưng với nhà thơ đau khổ mà lạc quan Trần Huyền Trân đã tả nó thành cái Ngõ Trúc mơ mộng, xinh đẹp và đa tình qua hai câu thơ:
Ngõ hoàng đã nở dăm màu bướm
Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau…
Vì thế, người ta đã gọi ngõ Cống Trắng là ngõ “Thương cảm”.
Ngõ Hàng Bún, ngõ Yên Ninh xưa kia chỉ có mấy gia đình ngâm giá bán. Họ ở cùng làng với nhau rồi cùng rủ nhau ra Hà Nội. Họ sống với nhau như ở quê nhà. Họ sang nhà nhau cứ như vào nhà mình, săn sóc nhau, bàn nhau cách làm ăn rất thân mật. Ban trưa ngõ yên tĩnh lạ lùng, đến nỗi nghe rõ tiếng chim cu gù nhau. Nơi đây thật sự là cái cảnh làng trong phố.
Ngõ chùa Liên Phái là cái ngõ ngoằn ngoèo đi ngay bên cạnh ngôi mộ xây của cô Ba Tý – Hàng Bạc (mộ phần vẫn còn nhưng không được nguyên vẹn).
Hà Nội ta còn rất nhiều cái ngõ nổi tiếng, đã đi vào ca dao như ngõ Sầm Công, ngõ Vạn Thái, ngõ Tạm Thương, ngõ Trạm, ngõ Mai Hương, ngõ Huy Văn, ngõ Văn Chương, ngõ Hội Vũ, ngõ Thổ Quan, ngõ Trung Phụng, ngõ Yên Thái, ngõ Trung Yên…
Nhiều khi cái ngõ là cái quảng trường rộng lớn để trẻ em thoả sức chơi đùa. Chúng đến đây họp mặt, vui đùa, chơi bi, đánh đáo… nhất là vào những đem trăng sáng. Tuy nhiên, với cuộc sống phức tạp ngày nay, trẻ em không còn tham gia vui thú nơi ngõ nhỏ vì xe cộ, vì học hành,… nên không được chơi đùa thoải mái nơi ngõ nhỏ như xưa.
Còn với người lớn, cái ngõ là nơi gặp gỡ, bàn tán mọi chuyện, nơi đón nhau và nơi ly biệt nhau, cũng là nơi hẹn hò, tình tứ… vì thế mà nó trở nên thiêng liêng và đầy ý nghĩa đối với những người dân ở gần nó. Người ta thường nói: “Vui từ trong ngõ vui ra”, “Ngõ nhà ai thơm ngát hương đưa”, “Ai về ngõ lạnh bước mau mau”…
Qua năm tháng, qua những thăng trầm của cuộc đời, những cái ngõ thân thương, rêu phong ghi kỷ niệm của nhiều mảnh đời sẽ mất dần nếu ta không biết gìn giữ nó như những phố cổ. Chúng sẽ chỉ còn trong sương khói ký ức là chứng nhân lịch sử của một cộng đồng nhỏ.
Đối với nhiều người, thì cái “ngõ” dường như đã gắn bao kỷ niệm tuổi thơ cùng những vui buồn của cuộc đời, chắc hẳn những ai đã gắn bó cuộc đời với cái ngõ nhỏ phố nhỏ nơi ngôi nhà nhỏ của mình ở đó sẽ luôn nhớ đến và yêu cái “ngõ” thân thương của mình biết bao…
Sưu Tầm
Nhà xuất bản Hà Nội