Thăng Long và con người Thăng Long trong thơ Nguyễn Du
Bài Đại nhân hí bút Thăng Long được tác giả viết từ thời trai trẻ, khi Nguyễn Du sống ở Thăng Long. Lúc đó là thời còn Lê – Trịnh. Và đây là một Thăng Long đẹp và sang dưới con mắt của một người trẻ: Kinh đô đông đúc, nhà chen chúc ra tận bến sông Hồng. Thành thị tưng bừng như mùa xuân. Cầu quán, lầu gác nguy nga trải dài từ Đông sang Tây. Khách ngoại quốc chen vai đủ cả Hán, Hồ. Ba bài sau là được viết vào dịp tác giả ghé lại cố đô trên đường đi sứ Trung Quốc (1813 - 1814). Những bài này đều nói lên một tâm trạng: Thoạt đầu là niềm vui vì tác giả có cơ hội trở lại đất Thăng Long. Nhưng niềm vui nhanh chóng vụt tắt vì cảnh và người thay đổi quá nhanh. Bài Mộng đắc thái liên được viết trong thời gian ở xa Thăng Long và kể về một giấc mơ đẹp đã lùi xa. Chỉ có bài Điếu La Thành ca giả là chưa rõ xuất xứ.
Cho đến nay chúng ta mới chỉ biết tới có ba bài thơ của Nguyễn Du có viết về con người thực của cố đô Thăng Long. Song điều lý thú nằm ở chỗ: những con người mà hình ảnh khắc ghi trong cả ba bài thơ đó đều là phụ nữ; và hơn thế nữa, đều là những phụ nữ làm nghề đàn hát, những cầm nữ hoặc ca cơ. Hoặc là một đào nương như nhành hoa xuân nồng nàn, thắm đượm trong Điếu La Thành ca giả, là một giọng hát khác, từng dịu dàng cất lên cùng tay áo lụa hồng mềm mại trong Ngô gia đệ cựu ca cơ… Và là người chơi đàn một thời nức tiếng, đến mức người ở chốn kinh thành thủa ấy vẫn lấy ngay tên đàn để gọi tên cô - cô Cầm - hình tượng nghệ thuật chính trong bài ca dài về Long Thành cầm giả…
Hình ảnh người phụ nữ Thăng Long trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có những nét rất riêng, không thể trộn lẫn với một ai. Người ca nương, hay cầm giả của Nguyễn Du chỉ được kể tới, được ghi chép lại vào lúc họ đã đến chặng đường đau khổ nhất của một đời người. Hoặc là trong cảnh sinh ly, để khi nhìn lại mặt nhau thì đáng thương sao, hai mái đầu đều đã bạc: “bạch đầu tương kiến khúc lưu ly” (Ngô gia đệ cựu ca cơ). Hoặc là khi tử biệt, son phấn đã tàn phai theo người mệnh bạc, không sao rửa sạch những chướng căn trong kiếp trước: “Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng” (Điếu La Thành ca giả). Lại có khi lẫn lộn hai cõi tử sinh, hai cặp mắt trân trân nhìn nhau mà như có ngàn trùng cách trở, khiến đôi kẻ tương tri, biết nhau đấy mà trong đám tiệc, cứ phải làm như thể chẳng nhận ra nhau: “Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng/ Khả lân đối diện bất tương tri” (Long Thành cầm giả ca).
Cả ba người đàn bà đó đều đã từng là những “phồn hoa nhân vật” của chốn kinh kỳ. Nhưng khi họ xuất hiện trong các bài thơ thì liễu kia đã úa, hoa nọ đã tàn, nhan sắc gia nhân đã suy. Bởi thế, cô đào ở đất Đại La xưa, người gảy đàn ở thành Rồng cũ và cả nàng hầu có giọng ca mềm dịu của người em ruột nhà thơ…, ba hình tượng vô danh đó sẽ còn sống mãi trong lòng người như hiện thân của nguồn cảm hứng nhân đạo và đẹp đẽ bậc nhất trong thơ Nguyễn Du, bên cạnh những nàng Tiểu Thanh, Đạm Tiên và đặc biệt là Thúy Kiều bất hủ.
Ba người đàn bà Thăng Long của Nguyễn Du là như thế. Họ đau khổ, nhưng là nỗi đau khổ mang nét riêng của con người sang đẹp ở mảnh đất Rồng lên. Dường như Nguyễn Du muốn mượn thơ để giữ cho vẻ sang đẹp đó không bị phai nhòa trong ký ức. Nguyễn Du, qua lời thơ hào hoa, tình thơ mê đắm, như muốn nhắc nhủ rằng, mang chất Thăng Long phải là người tài sắc, phải lịch, phải thanh và do đó, phải được yêu say, trân trọng, nâng niu như những bảo vật trong đời sống. Niềm hoài nhớ Thăng Long, do vậy, sẽ không chỉ là cảm giác ngơ ngẩn trước “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài”. Con người, với nỗi khổ và vẻ đẹp riêng của chốn đế kinh, đó mới là phần cốt lõi của “Thăng Long hoài cổ”.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội