Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 04/03/2016 03:46
Điểm ca dao về vùng Hồ Tây

Trong mảng văn học thành văn cổ, Hồ Tây có mặt ở nhiều thể loại như ký, chí, truyện thơ, phú… Tìm hiểu văn học vùng Hồ Tây chính là tìm hiểu một bộ phận của đời sống tinh thần Thăng Long - Hà Nội, tìm hiểu mỹ cảm của những con người của dải đất có nền văn hiến ngàn năm.

 
Ở mảng văn học cổ, ngoài thần thoại và truyền thuyết, văn học truyền miệng vùng Tây Hồ còn có những câu ngạn ngữ và ca dao phản ảnh về cõi đất và con người nơi đây. Về ca dao, vùng Tây Hồ có những đặc thù riêng. Một số lớn nói về đặc sản, nghề nghiệp, sinh hoạt của vùng đất này như:
 
Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày chín, cho duyên đèo bòng.
Chợ bưởi ngày chín, ngày tư
Riêng một ngày tám lại dư phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo lầm
Đi mua hoa quả cho rằm trung thu.
Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây.
 
Làng Quang tức Thanh Liệt, huyện Thanh Trì có các vườn quả ngon. Làng Láng nay thuộc quận Đống Đa có đặc sản rau húng. Làng Đầm tức Đại Từ nay thuộc quận Hoàng Mai trồng rau ngổ có tiếng. Làng Sét tức làng Thịnh Liệt, nay thuộc quận Hoàng Mai vốn có đầm rộng, nhiều cá rô ngon. Còn bên bờ Hồ Tây có loài chim sâm cầm tức chim cốc vộc thịt ngon và bổ.
 
Nhật Tân đào nở tưng bừng
Làng Quảng bánh mật, bánh chưng đãi đầy
Tây Hồ xách bị cả ngày
Nghi Tàm chặt rễ cho ngay quan tiền
Yên Phụ buôn trám gắn thuyền
Xuống đò phố Mới bán than quạt trà
Làng Võng bán lợn bán gà
Làng Thụy nấu rượu la cà cả đêm
Làng Hồ làm giấy thực nền
Chợ Bưởi lại có cô tiên bán hàng
Làng Sài dệt lĩnh quay tơ
Làng Sở chỉ có xuống hồ quanh năm
 
Đây là những câu ca dao nói về một số nghề ở các làng ven Hồ Tây như Nhật Tân trồng đào, Quảng Bá bán bánh, Tây Hồ bán kim chỉ, Nghi Tàm bán trầu và rễ, Yên Phụ bán trám để gắn thuyền và bán than… Làng Sở tức Xuân tảo Sở và Quán La Sở làm nghề đánh cá và mò cua bắt ốc.
 
Ngoài đặc sản, nghề nghiệp, sinh hoạt, ca dao vùng Tây Hồ còn nói về cảnh tình của con người như:
 
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tầy Hồ.
 
Ca dao còn bày tỏ niềm tự hào về sự thanh cao của người vùng hồ:
 
Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ.
 
Đó còn là những tiếng lòng rung lên, đồng cảm, yêu thương giữa một vùng trời nước hữu tình:
 
Hỡi cô đội nón ba tầm
Cô về Yên Phụ phiên rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua.
 
Hoặc còn là lòng chuộng tình, chuộng nghĩa:
 
Trăng vàng rớt xuống Hồ Tây
Công cha cũng trọng nghĩa thầy cũng sâu
 
Đặc biệt, có riêng một mảng ca dao gắn với nghề làm giấy của vùng phía nam Hồ Tây là các làng Hà Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái. Ca dao nói về những người thợ làm giấy, về nỗi vất vả cực nhọc của nghề. Làm ra được một tờ giấy thật cực kỳ gian khổ nhưng người thợ giấy vẫn lạc quan:
 
Người ta buôn vạn bán ngàn
Riêng em làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin nho sĩ chớ cười
Công em khó nhọc giúp người viết thơ.
 
Các câu chuyện cũng như địa danh trong ca dao ở các làng vùng Tây Hồ kể trên có thể coi là tiêu biểu, góp phần làm giàu kho tàng văn học cổ Thăng Long - Hà Nội.
 
 
Ngô Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)