Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 04/03/2016 03:53
Từ dấu tích đình “Nhà trò” ở nội thành Hà Nội đến một phong tục thờ cúng tổ nghề

Ca trù là một loại hình nghệ thuật kết hợp thơ và nhạc, cả múa nữa lại gắn với phong tục, tín ngưỡng lễ hội. Loại hình này có nhiều tên gọi: hát cửa đình, hát cửa quyền, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò… Gọi là hát cửa đình vì là ở các làng xưa, trong những dịp tế lễ thường có thuê phường hát hầu thánh ở đình, đền, miếu thờ thành hoàng hoặc các vị lập ra làng xóm, các vị tổ nghề. Gọi là nhà trò thì chính ca trù, vì trò là một biến âm của trù (Chùa Thiên Trù có tên Nôm là chùa Trò, làng Phương Trù có tên Nôm là làng Trò).

 
Trong tất cả các tên gọi ấy thì cái tên ca trù được sử dụng nhiều vì sang trọng hơn các tên kia và đã trở thành thứ ca nhạc thính phòng. Trong cuốn Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-1995 đã giải thích về ca trù như sau: “Ca là hát (gồm cả đàn, phách, các nhạc cụ khác kèm theo). Trù là trò vui gồm các tiết mục múa, nhào lộn, kéo co cách điệu”. Nhiều người cho rằng nơi sản sinh ra ca trù là Thăng Long. Nhưng khác với hát trống quân, hát ghẹo, hát xẩm… có nguồn gốc dân gian, ca trù thoát thai từ ca múa nhạc cung đình. Nhiều người lấy daanc hứng trong lịch sử là từ đời Lý Thái Tổ, vào năm Ất Sửu (1025), vua đã đặt ra chức quản giáp để quản lý các giáo phường và tuyển đào (kép) vào cung lập ra ban Nữ nhạc để chứng minh giả thuyết trên. Điều chắc chắn là tới cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI ở Thăng Long hát ca trù đã phát triển tại nhiều phường thôn.
 
Ngoài ra, ở Hà Nội còn có nhiều tấm bia ghi chép về tục hát ca trù ở các thế kỷ XVII, XVIII. Như tấm bia có nhan đề Sáng tạo Đông Các đình bia ký ở đình Đông Các phường Thịnh Quang (nay ở trong ngõ Đông Các đầu phố Nguyễn Lương Bằng) do tiến sĩ Đỗ Công Quỳnh soạn vào đời Chính Hòa (1680 - 1705) cho biết đình được dựng năm 1689 và có đoạn nói về hát cửa đình, kể chuyện đào kép múa hát đàn ca hầu thánh. Cũng có văn bia cho biết ở các giáo phường có quyền đấu thầu độc quyền hát ở một ngôi đình nào đó và do đó có thể sang nhượng quyền ca hát này.
 
Có phường hội, có tổ chức hẳn hoi như vậy thì tất phải có nơi thờ tổ nghề. Ở Thăng Long rất nhiều phường nghề ở các nơi khác về đây lập nghiệp. Để giữ nề nếp uống nước nhớ nguồn, con cháu bách nghệ lập tại đây các đình thờ tổ nghề: tổ nghề giày da ở ngõ Hàng Hành, tổ nghề kim hoàn ở phố Hàng Bạc, tổ nghề nhuộm điều ở phố Hàng Đào… Và nghề ca hát này cũng vậy, cũng có đình thờ tổ nghề hát xướng đàn ca. Thì ra cái nghề bị phong kiến khinh rẻ là xướng ca vô loài cũng đã tự khẳng định và dân làm nghề cũng tự hào về truyền thống, cũng có đình thờ tổ như mọi ngành nghề khác. Quả thật, đây cũng là một phong tục rất đáng trân trọng của người Thăng Long - Hà Nội.
 
Trước đây, mỗi dạo xuân về là các ả đào (hay còn gọi là các cô nhà trò) thường kéo nhau về đình Nhà Trò nằm trên phố Hàng Chai (Ngõ ngang một đầu là Hàng Lược - Cống Chéo, một đầu dẫn sang Hàng Cót) để giỗ tổ. Cứ đến ngày 7 tết là các cô điểm trang đẹp đẽ, đem xênh phách tới đây làm lễ các vị tổ nghề rồi hát thi, múa thi, đo tài, khoe thanh và khoe cả sắc nữa. Đi theo các cô là các ông kéo đàn, họ mang theo những cây đàn đáy mà cần đàn dài hát nghêu ngao, cả quản giáp, quản ca vai đeo đẫy lụa đựng trống và doi chầu. Họ kéo về đình thờ tổ nghề ả đào ở tại phố này. Nhà Trò là ngôi nhà số 9. Nay không còn dấu tích gì nữa. Theo các cụ già kể lại thì cho tới tận năm 1945, hằng năm hội giỗ tổ mở vào ngày hạ cây nêu. Hội kéo dài tới ba bốn ngày. Trong hội họ hát chầu thánh tới vài ba chục điệu. Tiếng hát cao thấp trầm bổng, tiếng phách giòn tan, tiếng đàn lửng lơ, tiếng trống chầu chat tom khi khoan khi nhặt. Ngoài hát ra, các cô đào còn có những trò múa, múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa bài bông… Múa bài bông đẹp, hấp dẫn và tốn kém nhiều, kể cả công sức luyện tập lẫn sắm sanh áo quần trang phục. Tham gia trò múa này có tới hàng chục cô (cùng thuộc về một giáo phường). Xiêm y rực rỡ, đầu đội mũ kim phượng kiểu cánh sen thêu chim phượng bằng kim tuyến… Mình mặc áo mã tiên màu hoa đào có đính các chân chỉ hạt bột. yếm cũng màu đào. Thắt lưng thì nhiều màu: nguyệt bạch, hồ thủy, hoa lý… Quần lĩnh đen bóng may chít ống. Chân các cô đi hài thêu cánh phượng. Tay các cô cầm quạt tầu. Trên vai mỗi người đặt một chiếc đòn gánh ngắn, hai đầu đeo đèn lồng nhiều màu sắc, trong thắp nến. Một số cô, thay vì đèn lồng là hai lẵng hoa tươi (hồng, cúc).
 
Trước khi vào múa, đội hình xếp hàng ở ngoài sân đình. Quản giáp đánh trống cái, giữ nhịp chỉ huy. Các ca công gẩy đàn, kéo nhị, thổi sáo. Quản ca ngồi gõ phách. Thoạt đầu các cô xếp hàng một, đi vào trước hương án lượn một vỏng rồi tách ra làm hai hàng, quỳ lễ, hai tay nâng quạt lên trên đầu. Sau đó họ đứng dậy và múa theo nhạc. Tiến lùi, nhanh, chậm… đều theo tiếng trống. Một quy định nghiêm ngặt là lúc xoay thì chỉ xoay nửa người chứ không được quay lưng vào hương án. Và tất nhiên là phải giữ sao cho nến không đổ, đèn không cháy, hoa không rơi. Vậy múa bài bông cũng là một tiết mục đặc sắc của người xưa.
 
Giữa kinh đô Thăng Long vẫn tồn tại một phong tục cổ, một phong tục đẹp: trân trọng tài nghệ hát xướng, đàn ca, tôn trọng tài từ giai nhân và trên hết là tấm lòng uống nước nhớ nguồn.
 
Trần Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)