Thượng Kinh phong vật chí - Tác phẩm ca ngợi Kinh thành Thăng Long
Cho tới tận năm 1971, ai cũng cho rằng Thượng Kinh phong vật chí là của Lê Quý Đôn và như vậy thì đây là tác phẩm đầu tiên bằng chữ Hán ca ngợi Kinh thành Thăng Long được viết ra từ ngòi bút của một nhà bác học ở thế kỷ XVIII. Đó là do mọi người căn cứ vào bản sách Quế Đường di tập hiện có ở Viện Hán - Nôm. (Quế Đường là tên hiệu của Lê Quý Đôn). Chỉ từ năm 1971, học giả Trần Văn Giáp phát hiện ra bài này không phải của Lê Quý Đôn. Ông đã vạch ra một số điểm nghi vấn:
1. Ở ngay đầu trang sách có dùng chữ “Thượng Kinh tức Hà Nội”. Mà ở thời Lê Quý Đôn giữa thế kỷ XVIII đã làm gì có Hà Nội. Chữ này chỉ mới có từ 1831!
2. Trong bài có những chữ gọi Lê Lợi là Lê tổ và chúa Trịnh Sâm là Trịnh Tĩnh vương. Người đời Lê không ai được phép gọi như vậy.
3. Khi nói về cá rô đầm Sét, bài văn có câu: “cá nào lâu năm mọc hai tai thì béo thơm, nên Xuất đế nhà Lê đã có thơ vịnh”. Xuất đế là danh từ chỉ vua Chiêu Thống khi đã thất thế phải bỏ Thăng Long chạy sang Tàu tức từ năm 1789. Vậy Lê Quý Đôn qua đời năm 1784 thì làm sao mà gọi Chiêu Thống là Xuất đế được.
Với ba lẽ trên, học giả Trần Văn Giáp cho rằng Thượng Kinh phong vật chí không phải là tác phẩm của Lê Quý Đôn mà là của người đời sau viết rồi mạo danh cụ Bảng Đôn, có lẽ cho bài văn thêm uy tín. Nghiên cứu kỹ, ta còn thấy trong bài có thông tin chỉ có thể có từ đầu thế kỷ XIX:
Trong bài có viết: “Phường Hàng Đào, Đại Lợi làm nghề nhuộm màu”. Hàng Đào đời Lê là phường Thái Cực, chỉ sang đời Gia Long mới đổi Thái Cực ra là Đại Lợi.
Có một chi tiết cho thấy dù bài chí không phải viết từ giữa thế kỷ XVIII nhưng cũng là được viết trước đời Thiệu Trị (1840 - 1847). Vì trong bài có kể đến phường nấu rượu Thụy Chương. Phường này chỉ sau khi Thiệu Trị qua đời thì do kỵ miếu hiệu là Chương hoàng đế nên phải đổi ra Thụy Khuê. Như vậy, Thượng Kinh phong vật chí phải được soạn trước năm 1847. Vậy dù không phải tác phẩm của Lê Quý Đôn mà là của tác giả nào đó giữa thế kỷ XIX thì cũng là đáng quý. Vì dầu sao bài chí cũng phản ánh cho ta biết hình ảnh và sinh hoạt của Thăng Long thời đó, cách nay trên một trăm năm mươi năm, nhất là cho ta biết được tâm hồn và tư tưởng của một trí thức Thăng Long đương thời.
Nói đến tác phẩm Thượng Kinh phong vật chí, điều dễ nhận ra ngay là trước tiên tác giả xưng tụng vị trí của Thăng Long trong toàn cục đất nước, đó là nơi chung đúc linh khí của non sông đã có núi làm chỗ dựa, lại có sông làm hào che, trở thành kinh đô cho muôn đời. Không chỉ có vị trí đắc địa mà Thượng Kinh còn là một dải đất trù phú, phì nhiêu, kinh tế phát triển về nhiều mặt, đưa lại một cuộc sống sung túc cho cộng đồng và tạo ra một cảnh quan tươi đẹp cho đô thành. Đúng là: “Non nước có tình, đâu bằng Thượng Kinh, phong vật phồn thịnh cũng không đâu hơn Thượng Kinh”. Còn về con người thì tác giả nhắc đến những người bình dân. Họ dù ở giai tầng nào thì cũng lịch lãm, trí tuệ, nhà buôn thì trang phục nền nã, học trò nghèo những vẫn khăn áo chững chạc. Thật đáng khâm phục khi tác giả chú ý đến những thiếu nữ Thăng Long tuổi chỉ đôi tám (16 tuổi) mà đã nết na thùy mị, lại có học hành am hiểu sách vở, cùng những người lao động lương thiện, không tham và cũng có học vấn. Điều đặc sắc hơn nữa là tác giả khẳng định nhân cách cao đẹp, tấm lòng yêu nước nồng nàn của những người từng bị xếp vào hạng cuối cùng của bậc thang xã hội - xướng ca vô loài. Trong tác phẩm có đoạn: “Tuy Tiên Lữ là một vùng hẻo lánh mà cũng có một nàng ả đào nổi danh. Lúc giặc Minh đô hộ, chúng thường tới trêu hoa ghẹo nguyệt. Đêm đến, nàng đã lừa chúng vào nhà phục vụ rượu say rồi tống vào bao tải đem thả xuống sông”. Còn khi nói về người anh hùng dân tộc Lê Thái Tổ thì ngòi bút thật đầy tự hào: “Thái tổ Cao hoàng đế dấy từ núi Lam Sơn, đánh tan giặc Minh. Càn khôn đã bĩ rồi lại thái, nhân dân đã chết rồi lại sống, non sông đổi sắc, cây cỏ lại tươi…”. Cõi đất như thế, con người như thế nên người người ở bốn phương đua nhau về Thượng Kinh để sinh sống, hòa nhập coi như là đất hứa.
Bên cạnh đó Thượng Kinh phong vật chí còn nói nhiều đến những vùng đất phụ cận của Thăng Long. Đông, Nam, Đoài, Bắc, trấn nào cũng được nhắc đến với một cách nhìn trân trọng và tự hào: Hữu Lũng có “mía dóng thẳng thưa mà ngọt và thơm”. Núi Yên Tử thì “cây tùng cây bách, cây liễu, cây hòe cây nào cũng che cả bóng mặt trời”, huyện An Dương, An Lão thì “sẵn gà chọi”, đá núi Kính Chủ thì “đẹp như mây, tiếng thanh vang vọng”, huyện Bất Bạt “ép dầu, bện thừng đay, làm binh khí”, huyện Tam Nông “có chè tai mèo”, sông Hát có “cá anh vũ”, Thanh Oai có “the lụa”, Giao Thủy, Thụy Anh “có muối ngon”, “hai làng Lâm đóng giày, hai làng Liễu khắc ván…”.
Nói về Thượng Kinh mà nói cả sang các vùng phụ cận, hẳn tác giả đã có một cái nhìn tổng thể, nhận rõ được mối tương quan giữa kinh đô và các xứ. Các xứ đem tài khéo, sản vật về xây đắp kinh đô, mọi người tự điều chỉnh nâng mình lên thành giá trị Thượng Kinh rồi giá trị lan tỏa ra bốn phương tạo ra bản sắc của toàn dân tộc. Ca dao có câu:
Chẳng thơm cũng thể hoa mai
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội