Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 04/03/2016 04:01
Lại nói về nét thanh lịch của người Hà Nội trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa hôm nay

Tính cách của người Hà Nội mang cái đẹp chung của mọi miền đất nước, thể hiện rõ vị thế của vùng đất đế đô. Khi mà người dân tứ xứ đổ về đây ngụ cư mang theo văn hóa vùng miền, thì người Hà Nội đã biết dung hợp, sàng lọc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa tứ xứ; rồi lại lan tỏa cái thanh, cái lịch gốc gác của mình, tất cả là để cùng xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng hôm nay.

 
Khi ca ngợi vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội là người ta thường đối sánh với người các vùng miền khác. Dễ thấy cái chất văn hoá đáng khen ngợi đó hình thành từ những điều kiện sống của người Hà Nội, ở một vùng đô thị có lịch sử cả nghìn năm tuổi. Cái giàu có vật chất hơn hẳn vùng quê của người Hà Nội là rõ. Giàu, lại có điều kiện ăn mặc, sinh hoạt cao hơn vì kinh đô là nơi tụ hội các ngành nghề dịch vụ. Việc tiếp xúc với người tứ phương đến làm việc, sinh sống ở Hà Nội cũng làm cho tinh hoa các vùng miền ấy được sàng lọc, kết tinh. Và không lạ gì khi người Hà Nội nói năng vẫn dễ nghe, ứng xử dễ vừa lòng nhau; ấy là vì họ đã biết dung hợp, sàng lọc và tiếp thu tinh hoa của văn hóa tứ xứ; đồng thời họ cũng không ngại lan tỏa cái thanh, cái lịch gốc gác của mình đến những người dân từ khắp nơi đến ngụ cư nơi này.
 
Cùng với vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, các sản phẩm văn hoá dù chỉ là một bài thơ cũng dễ lan truyền để được thưởng thức, phẩm bình. Đó là điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển. Có thể nói, cái trình độ văn hoá đỉnh cao quốc gia của kinh đô nhiều thời và cựu đô một thời của Hà Nội là nhờ tụ hội nguyên khí quốc gia khắp các vùng miền.
 
Người Hà Nội quý trọng sự lịch lãm, giản dị nhưng tao nhã, tự trọng mình và tôn trọng người. Người Hà Nội lấy sự giáo dưỡng trong gia đình làm gốc - gia giáo, gia phong - trước khi nhờ tới nhà trường và xã hội. Người Hà Nội một thời là thế. Gia giáo là nét tiêu biểu. Người vốn có gia phong nền nếp, trước sau con cháu vẫn giữ vững được danh dự và sự  nghiệp chân chính trên cái nền phúc đức của cha ông. Vì thế đất Hà thành vẫn có những dòng họ học hành thành đạt, mấy đời danh tiếng, con cháu đều có tâm đức. Nhiều nơi dựng hương ước, quy định của họ tộc, giáo dục con cháu đấu tranh với thói xấu của thời cuộc, phát huy nét đẹp của tổ tiên. Nhiều gia đình còn sống chung đến ba bốn thế hệ, con cháu dù được học nhiều, kiếm ra tiền, vẫn kính trọng cha ông.
 
Nói năng nhẹ nhàng khiêm tốn, xưng hô đúng địa vị, tuổi tác, không xô bồ đảo lộn tôn ti, lại là một nét đẹp khác. Trong công việc, dù hèn mọn hay cao sang, người Hà Nội đều biết tôn trọng, làm tốt phận sự, không để ai phải chê trách, nói động đến. Người Hà Nội không nói những lời thô. Giận cũng không nói lời làm tổn thương nhau. Vì thế không có hận để đời. Cốt cách người Hà Nội đâu chỉ có ở gia đình trí giả, bậc trung lưu, mà có cả ở người dân lao động bình dị, đó là bà bán hàng nước, ông lão đạp xích lô, bác bán hàng tạp hóa…
 
Lại nói về việc ăn, người Hà Nội nổi tiếng là sành, là khó tính. Cái cách sành ăn không phải ở sự đòi hỏi của ngon, vật lạ mà là ở sự cẩn thận chỉn chu, cầu kỳ kiểu cách, ít mà tinh. Ví như món dân dã nhất là rau muống luộc, không phải cứ tống cả rổ rau vào nồi, đảo lên lộn xuống lúc nước sôi, rồi vớt chất ngất ra đĩa và ăn với bất cứ thứ nước chấm nào. Với họ, rau không xếp sóng hàng trên đĩa thì khi vớt ra cũng phải đặt từng lớp, từng lớp gọn gàng. Cọng rau vừa chín tới, mềm mà không nát, có màu xanh tươi nhẹ. Nước rau để nguội, cho vài hạt muối rồi vắt chanh. Nước chấm rau muống phải là nước mắm vắt chanh, thêm vài khoanh ớt đỏ, chứ không dùng dấm. Màu xanh của rau, độ chua vừa phải của chanh trong nước rau và nước chấm (trong đó có cả tình cảm chăm sóc ân cần của người thân) sẽ nhanh chóng xua đi cái oi ả của mùa hè. Rõ ràng, sự tinh tế trong ăn uống không chỉ để ăn cho no, cho cái lưỡi, mà còn phải giúp thỏa mãn con mắt, cái mũi, tức là phải giữ được cái thanh, cái lịch cả trong nết ăn uống.
 
Nói qua cũng phải nói lại. Người Tràng An xưa, người Hà Nội nay, không phải chỉ toàn những điều hay, ý đẹp. Và cái thanh lịch của người Tràng An dù sao cũng chỉ là cách nhìn một phía. Họ cũng có những lúc ái ố hỉ nộ, song có điều họ biểu hiện rất “lịch”, bằng những lời lẽ nhỏ nhẹ tinh tế; thậm chí là những lời mỉa mai ý nhị rất nhã nhưng cũng rất chua cay. Vì vậy chẳng nên quá khuếch trương cái thanh cái lịch để mà chỉ tôn vinh phong cách Hà Nội thời xưa. Phẩm chất văn hoá của một con người hình như cũng ít phụ thuộc vào gen. Nó là thứ hình thành do môi trường sống và năng lực hấp thu, sàng lọc cũng như nghị lực luyện rèn của cá nhân. Nhận đúng cái hay xưa, sàng lọc lấy cái hữu ích và cả thanh lọc những cái dở có lẽ mới giúp ích cho công cuộc xây dựng đời sống văn hoá trong cộng đồng. Thiết nghĩ đó là vấn đề chung đối với văn hoá ứng xử  của con người thanh lịch hôm nay.
 
 
Viêt Anh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)