Kịch tính và giá trị nghệ thuật của tranh Đông Hồ
Tranh “hứng dừa” có cây vũ trụ. Chàng trai trèo lên cây tìm buồng dừa lúc lỉu những trái vú tròn đầy, chín mọng, ngắt lấy một hai quả dừa xinh xắn để ném xuống. Cô gái ở dưới háo hức chờ đợi, tốc hẳn cái váy ngắn lên, đón nhận lấy với tấm lòng vui tươi bát ngát. Đây là một sự gieo trồng âm dương. Cả hai nhân vật đều nhận được hạnh phúc.
Một màn kịch khác có tên “Đám cưới chuột” hoặc “Vinh quy bái tổ”. Ta thấy qua tất cả các diễn viên, bùng lên một niềm hân hoan. Mỗi nhân vật một kiểu. Người béo người gầy đều xúng xa xúng xính. Họ nhà chuột rất tự hào. Họ đi mà như múa lảo đảo. Chú rể đầy tự tin nhìn bao quát cả phía sau. Đám cưới đi đến trước mặt ông Mèo. Lúc này kịch tính đưa đến đỉnh cao, làm cho khán giả hồi hộp, nhưng rồi cũng được “cởi nút” dần, ông Mèo già nua chậm chạp sức lực chẳng còn là bao. Ông thấy đám cưới chuột rầm rộ tới. Họ toàn là trẻ trung cả nên cũng nể. Nhất là cái anh chàng chuột đi đầu. Gã là tay bất trị cầm trong tay con chim bồ câu để lót tay ông. Gã là một chàng chuột giang hồ đã Nam chinh Bắc chiến, đến nỗi cụt cả đuôi. Anh che lọng thì nghiêm chỉnh. Anh cầm cái biển “đón dâu” thì cứ quay cổ lại ngắm cô dâu. Bốn anh khiêng kiệu cô dâu thì nhìn sau, nhìn trước đề phòng có chuyện gay go xảy ra. Hai chú chuột thổi kèn say sưa. Chúng có tâm hồn nghệ sỹ…
Đây là một màn kịch mà hai tuyến nhân vật đại diện cho hai phe không đội trời chung. Màn kịch nhắn nhủ rằng nếu khéo léo thì có thể giải quyết được những việc vô cùng khó khăn. Vở kịch còn có ý nghĩa cuộc đời. Mỗi con người có hai chuyện lớn là sự nghiệp và tình yêu. Hai cái đó bổ sung cho nhau.
Kịch câm thì đã có “Lợn với cây đay” và “Lợn đàn”. Con lợn mẹ được vẽ trên bụng một vòng tròn âm dương. Thế là nó lập tức trở nên một con lợn thịnh vượng, tốt nái, dồi dào sức lực để đẻ sòn sòn. Nó say sưa, yên bình hài lòng vì nó được no đủ thức ăn, no đủ tình yêu. Nó vừa nhấm nháp vừa nhìn đàn con đùa nghịch…
Màn kịch câm thứ hai là hai bức tranh “đánh vật”. Đôi vật đi diễu thật tưng bừng. Có lọng che, trống thúc. Các chàng trai đô vật còn rất trẻ. Họ khoẻ mạnh, mập mạp những cặp vú trần của họ chẳng kém gì đàn bà. Họ để mình trần chỉ mặc một chiếc khố nhỏ, toàn thân được bày ra. Hai đôi vật nhau kịch liệt. Họ lột tả tài hoa của họ qua các miếng vật. Ít nhất, họ cũng trình bày ra với khán giả những nét đẹp, khoẻ và thanh xuân.
Có nhiều yếu tố để tranh Đông Hồ tồn tại được lâu dài. Ngoài những giá trị về mỹ thuật nội dung sâu sắc ra, chúng còn mang nhiều kịch tính. Nhiều bức tranh Đông Hồ đã là những màn kịch sinh động, đầy hấp dẫn. Do đó, đến tận bây giờ, tranh Đông Hồ còn đủ sức mang lại cho chúng ta một chút thao thức trong cuộc sống.
Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà
Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, tranh gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: làng Đông Hồ ngày nay có thêm nghề làm vàng mã. Nghề giấy dó ở làng Yên Thái (Bưởi, Tây Hồ) cũng đã không còn. Nhưng tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu.
Quỳnh Như tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội