Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/03/2016 11:23
Du xuân phủ Tây Hồ

Hồ Tây đã và đang làm giàu cho Hà Nội về du lịch, tâm linh, làm đẹp về cảnh quan và thổi hồn nhân văn thanh lịch cho mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

 
Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, thuộc địa phận quận Tây Hồ, là một hồ lớn nhất nội thành Hà Nội với diện tích mặt hồ rộng tới 500ha. Theo huyền thoại, sự hiện diện của hồ Tây ở Hà Nội là một trong ba công tích của  Lạc Long Quân: ông đánh Mộc Tinh để đem lại yên bình cho vùng núi, đánh Ngư Tinh để giữ yên vùng biển và đánh Hồ Tinh để bình định vùng đồng bằng mà trung tâm là Thăng Long – Hà Nội. Về mặt khoa học và theo các sách địa lý thì hồ Tây là một khúc cũ của sông Hồng, là một món quà, một của hồi môn mà sông Hồng để lại cho Thăng Long – Hà Nội. Hồ Tây xưa cũng có khá nhiều tên gọi khác nhau như: đầm Xác Cáo, hồ Động, hồ Trâu Vàng, Dâm Đàm (hồ mù sương), hồ Lãng Bạc. Đến năm 1573, vua Lê Thế Tông húy là Duy Đàm, vì kiêng húy nên đổi tên hồ thành hồ Tây; sau đó năm 1675 thời Tây Vương Trịnh Tạc vua cũng kiêng chữ húy nên đổi tên hồ thành Đoái Hồ; Nhưng dẫu các đời vua có kiêng húy mà đặt lại tên hồ thì các tên gọi sau này vẫn lấy hướng hồ tọa lạc – hướng Tây làm gốc nghĩa. Lại cũng có những vị vua không màng tới những điều riêng tư của mình mà làm đổi thay xưa cũ. Ví như vua Quang Trung sau khi dẹp xong giặc ở Bắc Hà, ngự thuyền dạo bến hồ Tây; trong chuyến đi đó có tên quan xu nịnh, hòng lấy lòng Hoàng đế nên tâu vua cho đổi tên hồ, vì chữ “Tây” trùng với tên quê hương Tây Sơn của vua. Quang Trung mỉm cười nói: Nhà ngươi muốn ta làm một việc vô nghĩa với nhân dân Bắc Hà sao? Tây Hồ là một cảnh tuyệt đẹp của Thăng Long, người Thăng Long từ bao đời nay đã rất yêu quý hồ. Lẽ nào nay chỉ vì Trẫm mà phải đổi tên hồ? Phải chăng, Trẫm lại từ Tây Sơn xa xôi đến Tây Hồ xinh đẹp để gặp gỡ các mặc khách tao nhân Bắc Hà, chẳng là điều may mắn hay sao? Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, âu cũng là cái duyên kỳ ngộ, cùng nhau gắn bó và bao nỗi hẹn hò. Cảnh chẳng phụ người thì sao người lại phụ cảnh? (Trích dẫn: Hà Nội Danh thắng và Di tích – tập 1, do TS. Lưu Minh Trị chủ biên, trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, của Nhà xuất bản Hà Nội)
 
Hồ Tây từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng; Từ thời Lý - Trần, các vua chúa đã cho xây dựng quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thuý Hoa đời nhà Lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần (nay là khu chùa Trấn Quốc); cung Từ Hoa đời nhà Lý (nay là khu chùa Kim Liên); điện Thuỵ Chương đời nhà Lê (nay là khu Trường Chu Văn An). Trước vẻ đẹp huyền ảo, diệu kỳ của Tây Hồ, văn thần Nguyễn Huy Lượng - nhà thơ ở cuối đời Lê Trung Hưng, nhà Tây Sơn đến đầu nhà Nguyễn đã phải thốt lên rằng:
 
Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.
 
Hay trên cổng làng Yên Thái phía đường Thụy Khuê vẫn còn một đôi câu đối tôn vinh vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của cảnh sắc và con người nơi đây:
 
Mỹ tục thuần phong, vĩnh chiếu Tây hồ minh kính
Thiện ngôn hảo sự, trường lưu mạt lị danh hương
 
Nghĩa là: Mỹ tục thuần phong mãi mãi chiếu trên gương nước hồ Tây, Lời hay việc tốt lưu truyền dài lâu như hương thơm của hoa nhài.
 
Trải qua thăng trầm của thời gian, khu vực Hồ Tây dần mất đi nét ven đô mà thay đổi theo chiều hướng đô thị hóa, mật độ dân cư cao, phố xá dày đặc. Ngày nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, Hồ Tây lại nhộn nhịp dòng người từ bốn phương quy tụ về đây thụ hưởng sắc xuân và cũng là để cầu an, cầu tài, cầu sức khỏe, cầu công danh trên đất Phủ Tây Hồ linh thiêng. Len lỏi trong dòng người, xe đông đúc trên đất Mẫu trong tiết xuân sang, tôi thấy lòng mình ấm lại trước sự đổi mới rất văn minh của Tây Hồ. Dường như không còn bóng dáng của sự chèo kéo, chen lấn của những mớ hàng rong; các dịch vụ đổi tiền, viết sớ, bán đồ lễ… cũng mời chào một cách khéo léo, nhẹ nhàng hơn. Điểm sáng nhất của mùa lễ hội đầu xuân năm nay đó là dịch vụ trông xe miễn phí do cán bộ, chiến sỹ Công an Quận Tây Hồ phối hợp cùng Đoàn thanh niên quận Tây Hồ tổ chức. Có thể nói, đây là một nét đổi mới rất văn minh, mô hình này cần được nhân rộng cho các điểm du lịch tâm linh nói riêng và các điểm du lịch trên cả nước nói chung để bài trừ hiện tượng chặt chém của các dịch vụ gửi xe do tư nhân dựng lên và cũng là để giúp cho chính quyền địa phương, ban ngành quản lý được tốt hơn hoạt động của các dịch vụ phục vụ du lịch. Thay vì khách du lịch phải chờ đợi đổi trả tiền vé xe gây ùn tắc, mệt mỏi như trước đây, thì hòm từ thiện ủng hộ cho nạn nhân chất độc màu da cam mà Đoàn Thanh niên đặt ở vị trí soát vé là giải pháp rất tuyệt vời. Không chỉ riêng tôi mà có lẽ phần lớn khách du lịch sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi trao số tiền nhỏ bé của mình vào hòm từ thiện thay vì trả tiền vé gửi xe như mọi năm; bởi đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui vì số tiền đó được sử dụng vào mục đích thiện; mà khởi nguyện của sự cầu may, cầu tài, cầu lộc đầu năm là làm việc thiện cho lòng thanh thản hơn.
 
 
Trần Th
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)